Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

HRW - Nhân quyền và mục đích kiến tạo dư luận


Điều đáng lưu tâm là, báo chí và dư luận trên thế giới đã vạch rõ HRW chỉ sử dụng nhân quyền như công cụ để tiến công các quốc gia lựa chọn đường hướng phát triển riêng, không phụ thuộc vào sự chi phối của phương Tây ...

Từ đầu năm 2019 đến nay, các luận điệu vu cáo, vu khống Việt Nam của HRW đã gia tăng theo xu hướng ngày càng tùy tiện, không chỉ thể hiện qua phát ngôn của một số đại diện tổ chức này (như các ông P.Rô-béc-sơn, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của HRW; K.Doi - Giám đốc của HRW tại Nhật Bản...) mà còn thể hiện qua các báo cáo, thông báo. Có thể dẫn lại một số thí dụ như: trong cái gọi là “Báo cáo nhân quyền toàn cầu năm 2019” (Báo cáo năm 2019) công bố ngày 17-1-2019, dựa trên thứ tin tức bịa đặt và từ góc nhìn thiếu thiện chí, HRW đưa ra một số đánh giá mà thực chất là đổi trắng thay đen về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, nhằm mục đích vu cáo, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Ngày 1-2-2019, HRW lại tiếp tục ra thông cáo chỉ trích Việt Nam “đệ trình một hình ảnh rất sai thực tế về hồ sơ nhân quyền tại Hội đồng nhân quyền LHQ ngày 22-1-2019”... Rất nhanh chóng, các tổ chức, cơ quan truyền thông thù địch, thiếu thiện chí đã lớn tiếng triệt để khai thác, lợi dụng luận điệu của HRW nhằm vu cáo Việt Nam.

Kể từ khi thành lập (năm 1978) và trong quá trình hoạt động đến nay, HRW thường xuyên bị dư luận trên thế giới chỉ trích mạnh mẽ. Nổi lên trong đó là các khẳng định: HRW không nghiên cứu thông tin cụ thể cho nên đánh giá không chính xác, sai sự thật, thiên vị; lợi dụng vấn đề ý thức hệ; chỉ khai thác thông tin một chiều nhằm chống lại một số nước; có nguồn vốn hoạt động mờ ám... Mới đây nhất, ngày 18-1-2019, ngay sau khi HRW công bố Báo cáo năm 2019, trang NachDenkSeiten ở CHLB Đức đã lập tức đăng bài có nhan đề “HRW: nhân quyền và kiến tạo dư luận” (Human Rights Watch: Menschenrechte und Meinungsmache) của nhà báo T.Riegel (T.Ri-gờ), trong đó vạch rõ thực chất các hoạt động, mục đích mà HRW luôn hướng tới. Nhằm cung cấp thêm thông tin cũng như để bạn đọc và những ai còn mơ hồ hiểu rõ hơn vấn đề, xin được lược trích một số đoạn chính của bài báo.

Mở đầu bài báo, T.Riegel viết: “Vừa qua, HRW đã công bố Báo cáo năm 2019, trong đó tiếp tục sử dụng quyền con người và tiêu chuẩn kép để kiến tạo dư luận chống lại các đối thủ của phương Tây. Lời mở đầu của văn bản này rất trùng khớp với lời lẽ chủ yếu của các nhóm truyền thông lớn ở phương Tây thường rêu rao rằng “chúng ta là những người tốt, chúng ta phải bảo vệ hệ thống kinh tế tự do thành công chống lại những kẻ dân túy”. Tuy có phê bình các nước phương Tây, song Báo cáo năm 2019 lại tỏ ra do dự hơn nhiều so với việc chỉ trích. Đặc biệt trong văn bản này, HRW tỏ ra rất thông thạo khi sử dụng nguyên tắc: nếu đánh đồng các tội phạm có mức độ nặng nhẹ khác nhau, thì việc làm này sẽ có lợi cho phía phạm tội nặng hơn. Thêm vào đó, như với nước Đức, nếu HRW chỉ tập trung bàn luận các vấn đề chính trị đối nội, thì một số quốc gia khác HRW lại đả kích về chính sách đối ngoại. Điều đó cũng có lợi cho khối kinh tế tự do. Bởi đó là một điểm chính của chính sách phương Tây: nhiều tội ác trong các tội ác thật sự nghiêm trọng do các cuộc chiến tranh địa chính trị và các hiệp định thương mại bị cưỡng bức ký kết, được thực hiện ở nước ngoài. Vậy điều gì đã xảy ra ở các quốc gia đó, vũ khí phương Tây, chiến lược địa chính trị phương Tây và những hiệp định thương mại mang tính áp đặt của phương Tây đã tác động như thế nào? Những khía cạnh này đã không được HRW trình bày một cách thỏa đáng”.

Và nhà báo T.Riegel viết tiếp: HRW là một phần của chiến lược truyền thông phương Tây và để tự đánh bóng, HRW cần có các tiếng nói từ bên ngoài, có vẻ độc lập, và các tổ chức như RSF (Phóng viên không biên giới), AI (Ân xá quốc tế), SOHR (Giám sát nhân quyền Syria)... thực hiện vai trò này. Mà AI là một thí dụ rất cụ thể, như năm 2012, tổ chức này đã “tuyên truyền nhân quyền” một cách hiếu chiến qua việc cho in và phổ biến bức tranh cổ động để khuếch trương cho NATO... Về vấn đề di cư, HRW cũng chỉ đeo bám theo truyền thông chính thống phương Tây, và đẩy mức độ phức tạp lên cao trong phần đầu của chương trình nghị sự. Dù lời lẽ của HRW về Syria (Xy-ri) rất đáng nghi, nhưng dựa theo “tin giả” (fake news) mà chiến dịch tuyên truyền hiếu chiến của HRW chống Syria và Nga đã hình thành. Như trong báo cáo năm 2017, HRW muốn chứng minh việc sử dụng vũ khí hóa học tại thành phố Chan Sheikhun (San Sê-khun) của Syria. Tuy nhiên, báo cáo lại dựa trên một nền tảng đáng ngờ, như đài RT (Đài truyền hình Nga) chỉ rõ: “Trước hết, HRW đã không thực hiện một cuộc điều tra tại chỗ. Trong phân tích của mình, HRW chỉ dựa vào các tài liệu ảnh do tổ chức Mũ bảo hiểm trắng có liên kết với al-Qaeda (Al Kê-đa) và được phương Tây tài trợ cung cấp. Những nhân chứng quan trọng nhất được nhắc đến trong báo cáo đều thuộc về tổ chức hỗ trợ rất đáng ngờ”. Trong báo cáo đề ngày 24-2-2015, HRW tuyên bố rằng chính phủ Assad (A-sát) sử dụng cái gọi là bom chùm chống lại dân thường. Để dẫn chứng, HRW công bố các bức ảnh về một khu vực bị phá hủy là ở thành phố Daraa (Đa-ra) của Syria, tuy nhiên sau đó bị phát hiện là hình ảnh ở thành phố Kobane (Kô-ban). Ngay từ năm 2013, HRW cố gắng hỗ trợ chiến lược của phương Tây chống lại Syria, như chỉ trích các nghị quyết của Liên hợp quốc, và kêu gọi “công lý cho các nạn nhân khí độc”...

Liên quan thái độ, luận điểm của HRW với nước Nga, nhà báo T.Riegel nhận xét: Trong phần nhan đề: “Nước Nga: một năm ảm đạm cho nhân quyền”, HRW viết rằng: “Chính phủ Nga đã không ngừng giảm bớt không gian cho các bất đồng ôn hòa, đối kháng chính trị, sáng kiến của công dân ở Nga năm 2018”, nhiều “người bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động dân quyền, luật sư, nhà hoạt động đối lập, công dân bình thường phải trả giá” vì họ không “tuân thủ chương trình nghị sự chính trị của chính phủ”. Báo cáo năm 2019 cũng đã bê bối hóa chính sách đối ngoại của nước Nga, nhưng với Đức, như đã nói, lại được kiêng dè. Việc “kể tội” với mức độ khác nhau thể hiện rõ ở độ dài của báo cáo: phần viết về Đức chỉ có gần 4.000 chữ, so với gần 20.000 chữ viết về Nga. Và có thể thấy rõ quan điểm của HRW về Syria và Nga (sau đó đều được chuyển tải lại bởi các địa chỉ truyền thông lớn của phương Tây) như: “Bên cạnh chính phủ Syria, Nga tiếp tục đóng vai trò quân sự quan trọng trong các cuộc tiến công vào các khu vực chống chính phủ, ở đó trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng dân sự bị tiến công bừa bãi. Trong các hoạt động quân sự nhằm chiếm lại Đông Ghouta (Gu-ta) vào tháng 2, lực lượng của quân đội Syria - Nga đã sử dụng các loại bom chùm bị quốc tế cấm và bom cháy bị hạn chế sử dụng trong các khu vực dân cư bởi luật pháp quốc tế”, “Nhờ có sự thờ ơ của những kẻ chuyên quyền trong việc bảo vệ nhân quyền, những kẻ bạo chúa có thể dễ dàng thoát khỏi sau hàng loạt hành động man rợ. Điều này đúng với cuộc chiến của Syria chống lại người dân ở các khu vực đối lập”. Một số đoạn trong Báo cáo năm 2019 của HRW cũng theo phong cách độc đoán, không khó để nhận ra nguồn gốc trực tiếp từ chính quyền ở một số quốc gia đang triển khai chiến dịch chống Nga và chắc chắn sẽ được lan truyền để chống lại Nga, như: “Nga tiếp tục sử dụng quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn chặn trách nhiệm của Syria đối với các tội ác. Sau vụ tiến công hóa học vào Douma (Đu-ma) khiến hàng chục người thiệt mạng hồi tháng 4, Nga bỏ phiếu chống lại nghị quyết của LHQ muốn mở cuộc điều tra mới về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Vào tháng 2, Nga chặn một nghị quyết của Liên hợp quốc muốn thiết lập lệnh ngừng bắn và cung cấp nhân đạo ở phía đông Ghouta... Nga đã phủ quyết 12 lần để bảo vệ Syria khỏi sự lên án và áp lực quốc tế, trong đó sáu lần liên quan lĩnh vực vũ khí hóa học”!...

Kết luận về HRW, và cũng để kết thúc bài báo, tác giả T.Riegel cho rằng: “Cho dù tiếng vang trong hệ thống truyền thông từ báo cáo của HRW chỉ có giới hạn, nhưng về lâu dài, nó sẽ được sử dụng nhằm phục vụ mưu đồ chính trị, qua việc trích dẫn để sử dụng làm “bằng chứng” chống lại đối thủ khi cần thiết, tương tự như bảng “xếp hạng tự do báo chí” hết sức mơ hồ RSF vẫn đưa ra. Như vậy khi cần, nhiều địa chỉ truyền thông sẽ sao chép nguyên văn từ báo cáo của HRW mà không hề kiểm tra lại, và do đó, HRW đã đóng vai trò tương tự như một cơ quan thông tấn tin tức”. Đáng chú ý là bài báo “HRW: nhân quyền và kiến tạo dư luận” được đăng trên trang NachDenkSeiten với chủ biên, tác giả, đồng biên tập là ông A.Müller (A.Muy-lơ) - nhà kinh tế học, nhà báo, cựu chính trị gia, vốn trước đây là đảng viên SPD (Đảng Dân chủ xã hội Đức), dân biểu Quốc hội Đức từ năm 1987 đến năm 1994, từng là Giám đốc Kế hoạch trong Văn phòng Thủ tướng Liên bang dưới thời các Thủ tướng W.Brandt (W.Bơ-ran) và H.Schmidt (H.Sơ-mít). Với các cương vị đã trải qua như vậy, hẳn ông A.Müller đã hiểu rõ và nhận diện được mục đích, bản chất hoạt động của HRW. Và qua đó có thể thấy HRW ra đời không vì nhân quyền, mà chỉ là công cụ của các thế lực đen tối.
Theo Nhân dân

2 nhận xét:

  1. Các thế lực thù địch thì chỉ mượn nhân quyền chứ thực sự chúng không quan tâm tới nhân quyền

    Trả lờiXóa
  2. Mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đều có âm mưu xấu xa, thâm độc kèm theo. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của bọn chúng.

    Trả lờiXóa