QĐND - Ngày nay, nói đến cụm từ “độc lập, tự do”, không chỉ nhân dân Việt Nam mà hầu hết các dân tộc trên thế giới đều biết đến đó là giá trị tinh thần cao cả của dân tộc Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được sản sinh từ các cuộc kháng chiến kiên cường, bất khuất chống thực dân, đế quốc xâm lược của dân tộc ta.
Lịch sử nhân loại cho thấy, đối với các dân tộc (đã có) độc lập thì những giá trị cơ bản của họ là quyền con người trong đó có tự do, bình đẳng, bác ái. Tuy nhiên, đối với các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc thống trị thì độc lập dân tộc không chỉ là một giá trị chung của dân tộc mà là tiền đề của quyền con người và quyền công dân.
Đối với dân tộc Việt Nam, có được nền độc lập, tự do như ngày nay, nhân dân Việt Nam đã phải đánh đổi không biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Thế nhưng, chỉ vì những động cơ xấu độc, vì cách suy nghĩ ích kỷ, vì tham vọng của cá nhân, một số kẻ đã cố tình phủ nhận thành quả độc lập, tự do của cả dân tộc. Cuối cùng, họ kết luận: “Tự do không hề miễn phí”.
Vậy mối quan hệ giữa độc lập với tự do như thế nào? Nhân dân Việt Nam đã giành tự do ra sao? Và khẩu hiệu “Tự do không hề miễn phí” nhằm mục đích gì?
Nhìn lại lịch sử nhân loại, cho thấy, ở Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, đa số người dân đã có quyền công dân, từ sau các cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Đó là cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc của Hoa Kỳ năm 1776 và cuộc cách mạng dân chủ tư sản Pháp năm 1789… Những giá trị cốt lõi của hai cuộc cách mạng này được viết trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp. Không phải ai khác, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh-lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam đã trân trọng trích lại hai văn kiện này trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích hợp cả hai văn kiện này khi Người nói: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Nét đặc sắc trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền độc lập của dân tộc đã được tích hợp với giá trị hạnh phúc, tự do của nhân dân. Ở đó, độc lập dân tộc là tiền đề, là điều kiện, còn mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc, tự do của nhân dân. Còn nhớ, vào cuối năm 1945, ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, chủ nghĩa quan liêu, tình trạng tham nhũng xuất hiện trong chính quyền cơ sở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (đăng trên Báo Cứu quốc). Người viết: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(1).
Khi thực dân Pháp khiêu chiến, hòng xâm lược nước ta một lần nữa, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(2).
Tinh thần và ý chí bảo vệ độc lập dân tộc lại một lần nữa vang lên trong Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước năm 1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Khẩu hiệu này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là một chân lý của thời đại.
Thủ đoạn ném đá giấu tay của những kẻ nêu ra cái gọi là khẩu hiệu “Tự do không hề miễn phí” nhằm mục đích gì?
Các sự kiện trong lịch sử dân tộc Việt Nam cho thấy mối quan hệ giữa độc lập và tự do luôn luôn gắn bó với nhau. Khi cách mạng chưa thành công thì độc lập là điều kiện, là tiền đề của tự do. Khi cách mạng đã thành công thì tự do luôn gắn liền với độc lập dân tộc. Nói cách khác, không bảo vệ được độc lập dân tộc thì sẽ không còn tự do. Hoàn toàn không có chuyện đòi “tự do”, khi dân tộc đã độc lập, khi Nhà nước đã hoàn toàn thuộc về nhân dân.
Khẩu hiệu “Tự do không hề miễn phí” về bản chất là thủ đoạn kích động người dân, gây bạo loạn chống lại chính quyền, ngoài ra không có mục tiêu gì khác. Tính thâm độc của khẩu hiệu này ở chỗ, chúng đã đánh tráo khái niệm “tự do” với khái niệm “bạo loạn”, bằng cách đặt khái niệm này trong bối cảnh chính trị khi dân tộc ta đã có độc lập, đã có Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Không phủ nhận rằng xã hội Việt Nam hiện nay còn không ít vấn đề cần giải quyết. Chẳng hạn, tình trạng phân hóa giàu nghèo chưa được thu hẹp; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị các cấp; tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả... Những điều đó Đảng Cộng sản Việt Nam không hề giấu giếm. Các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) đã chỉ ra các biểu hiện của căn bệnh này và yêu cầu cấp ủy các cấp, các đảng viên phải đấu tranh khắc phục.
Không những thế, thể chế của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, cũng như Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh nhằm làm cho xã hội, Nhà nước ngày càng trở nên trong sạch, lành mạnh hơn.
Về thể chế, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 4).
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, không chỉ bảo vệ quyền lợi của tổ chức mình mà còn có chức năng giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật Việt Nam ngày nay đã có các quy định đầy đủ về quyền con người và quyền công dân, trong đó có những quyền về chính trị “nhạy cảm” như quyền tự do ngôn luận báo chí. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào… Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Điều 24). “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25).
Như vậy, khuôn khổ chính trị-pháp lý về các quyền con người nói chung, quyền tự do nói riêng là đầy đủ. Những kẻ trưng ra cái gọi là khẩu hiệu “Tự do không hề miễn phí” về thực chất là lời kêu gọi bạo loạn, hòng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, mục tiêu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, các thế lực thù địch đã tiến hành trong nhiều thập kỷ qua, nhưng không đánh lừa được nhân dân Việt Nam và rốt cuộc chúng chỉ nhận được thất bại. Bởi, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là ước nguyện của cả dân tộc; là con đường mà dân tộc Việt Nam đã đồng lòng, đoàn kết tự nguyện lựa chọn.
THÀNH NAM
(1)Hồ Chí Minh toàn tập, T4, Nhà xuất bản CTQG-ST, H, 1995, tr 56.
(2) Tài liệu đã dẫn, tr 480.
Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống lại bọn phản động và các thế lực thù địch
Trả lờiXóa