Chủ nghĩa dân túy và những biểu hiện mới của nó hiện nay
Chủ nghĩa dân túy (populism) xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX ở Nga, Mỹ như một trào lưu xã hội đồng cảm với giai cấp nông dân, phản đối áp bức, bất công, phân hóa giàu nghèo trong xã hội tư bản, với ước vọng về cuộc sống no đủ, hạnh phúc trong các công xã nông thôn. V.I. Lê-nin quan niệm chủ nghĩa dân túy là hệ tư tưởng của phái dân chủ nông dân ở Nga, nó chỉ là những lời ồn ào mang tư tưởng tiểu tư sản, cản trở việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng vô sản, là một xu hướng xã hội lỗi thời, phản động.
Chủ nghĩa dân túy còn là biểu hiện về trạng thái tâm lý xã hội của người dân, mang tính bài xích tầng lớp tinh hoa quyền lực; là những thủ đoạn chính trị nhằm tranh thủ quần chúng, lấy phiếu của quần chúng nhân dân trước các kỳ bỏ phiếu của giới cầm quyền1. Giáo sư Chu Tuệ Minh, trong cuốn sách “Sự trỗi dậy và mối đe dọa của chủ nghĩa dân túy thế kỷ XXI”, đã nhấn mạnh đến đặc điểm biểu hiện của chủ nghĩa dân túy là dựa trên sự quan tâm đến quyền lợi người dân, “người dân trên hết”, “ưu tiên người dân” và hơn nữa, xem việc bình dân hóa và đại chúng hóa là nguồn gốc mang tính hợp pháp của mọi chế độ và phong trào mang tính chính trị. Đồng thời, phê phán và chống lại quyền uy giai cấp tinh hoa, thể hiện trên cả hai hình thức tả và hữu (người cánh tả căm ghét phân hóa giàu nghèo, những người giàu có; còn cánh hữu phê phán bất công của chế độ) nên chủ nghĩa dân túy luôn có mảnh đất tồn tại.
Gần đây, xuất hiện các hiện tượng chính trị mới, mà giới chính trị và truyền thông thế giới xem đó như những biểu hiện mới của chủ nghĩa dân túy. Hơn thế nữa, nó đang trở thành dòng chảy chủ đạo của nền chính trị phương Tây, tiêu biểu là hiện tượng Đô-nan Trăm, với tuyên bố “nước Mỹ là trên hết”, đơn phương rút khỏi hàng loạt thỏa thuận hợp tác, liên kết quốc tế; hay như hiện tượng Bre-xít (ở châu Âu) đang đe dọa mối liên kết nội bộ, “đổ vỡ từ bên trong”, châm ngòi cho nhiều quốc gia muốn ly khai, rời khỏi Liên minh châu Âu, v.v.
Rõ ràng, chủ nghĩa dân túy ngày nay đã có bước phát triển mới về chất, khá phức tạp, đã vượt qua giới hạn ban đầu vốn có của nó là một trào lưu xã hội mang tính nhân văn khi đề cao giá trị người nông dân, vì nhân dân,… để đi đến việc đề cao chủ nghĩa dân tộc, thậm chí dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, trở thành xu thế chống toàn cầu hóa, bất chấp luật pháp và các cam kết quốc tế, bộc lộ không ít mặt bất ổn, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững của nhiều quốc gia, khu vực.
Tính chất phức tạp, nguy hại của chủ nghĩa dân túy không chỉ do tàn dư lịch sử để lại, những vấn đề thuộc về tinh thần, tư tưởng mà còn là hiện trạng, trào lưu, xu hướng, đời sống chính trị hiện thực; không chỉ là kiếm tìm lá phiếu cử tri lúc bầu cử mà có cả yếu tố dân tộc cực đoan, nhằm tập hợp lực lượng vì lợi ích nước lớn thay vì hội nhập, toàn cầu hóa.
Phạm vi, tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy ngày nay tiếp tục mở rộng, trở thành một trào lưu xã hội ngăn chặn toàn cầu hóa. Hơn thế nữa, xu hướng ly khai đòi độc lập ngày càng gia tăng, các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa có xu hướng được đề cao là lý do giải thích tại sao chủ nghĩa dân túy (ở Mỹ) có hệ thống lý luận, chủ thuyết phát triển soi đường, chứ không chỉ là những tuyên bố, hành động đơn phương, nhất thời của một vài vị lãnh đạo.
Phong trào chống chủ nghĩa dân túy
Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, hợp tác, liên kết cùng phát triển là khuynh hướng chung của xã hội loài người; trong đó, các quốc gia, khu vực phải hợp tác, liên kết, dựa vào nhau ngày càng chặt chẽ hơn; không thể vì lợi ích của mình mà làm tổn hại lợi ích người khác. Đó là quy luật cơ bản của sinh tồn. Tuy nhiên, với bản chất là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, những biểu hiện mới của chủ nghĩa dân túy đang châm ngòi nổ cho hàng loạt các cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu, Ca-na-đa, Trung Quốc và một số nước khác, đã tạo nên phong trào đấu tranh phản đối rộng lớn trên toàn thế giới.
Tại Mỹ: “Nước Mỹ là trên hết”, “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” chắc chắn không tránh khỏi “lợi mình mà hại người”, vì lợi ích quốc gia dân tộc Mỹ mà ảnh hưởng đến lợi ích chung của nhân loại. Điều đó tất yếu sẽ bị lên án.
Các chính sách đối nội của chính quyền Đô-nan Trăm, nhằm tạo nhiều việc làm bằng cách khôi phục những vị trí việc làm đã bị mất do cạnh tranh toàn cầu; giải quyết triệt đế vấn đề nhập khẩu; cắt giảm người nhập cư hợp pháp vào Mỹ, để bảo vệ người lao động Mỹ, người đóng thuế và nền kinh tế Mỹ đã tạo ra những bất đồng chính giới nước Mỹ, thậm chí mâu thuẫn trong nội bộ Đảng Cộng hòa cầm quyền. Bên cạnh đó, với chính sách đối ngoại cứng rắn dựa trên nền tảng răn đe sức mạnh quân sự thay vì ngoại giao; bảo hộ mậu dịch thay vì hợp tác liên kết toàn cầu,… nhằm tăng sức ảnh hưởng của chính quyền Mỹ đang vấp phải không ít phản ứng chỉ trích từ nhiều người dân Mỹ và dư luận quốc tế, không chỉ từ các quốc gia đang phát triển mà có cả các đồng minh của Mỹ, các quốc gia phát triển.
Tại châu Âu, phong trào chống chủ nghĩa dân túy đã có những quan điểm cứng rắn và những bước tiến mới. Hiện nay, trước sức ép của nhiều quốc gia, trong Liên minh châu Âu đang có xu hướng ly khai, các thành viên còn lại một mặt yêu cầu Anh nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục ra khỏi Khối, để không lây lan tác hại tiêu cực từ việc này; mặt khác, tiếp tục xây dựng lại các quy định nội Khối, đảm bảo Liên minh châu Âu tiếp tục vững mạnh và phát triển, bất chấp Bre-xít.
Phản ứng trước các biểu hiện mới của chủ nghĩa dân túy, một số quốc gia chọn cách gia tăng sức mạnh quân sự để bảo vệ mình. Điều này rõ ràng mang nhiều huệ lụy. Việc I-ran tuyên bố tái khởi động chương trình làm giàu U-ra-ni nhằm trả đũa Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân; hay như việc, nước Nga trong bối cảnh đang bị “bao vây, cấm vận” đơn phương từ Mỹ và các đồng minh ở châu Âu, Tổng thống Nga Pu-tin đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về chủ nghĩa dân túy - dân tộc cực đoan sẽ là mối đe dọa cho an nình toàn cầu. Do vậy, để bảo vệ chủ quyền không còn con đường nào khác, nước Nga phải gia tăng sức mạnh quân sự, triển khai nhiều vũ khí tối tân, ký kết nhiều hợp đồng mua bán vũ khí với nhiều quốc gia trên thế giới, v.v. Điều này rất có thể lại khơi mào cho chạy đua vũ trang tại nhiều nước và khu vực.
Mới đây, Ả-rập Xê-út đe dọa sẽ tăng giá dầu, dưới sức ép của Mỹ và các nước phương Tây về vụ mất tích của một nhà báo có bất đồng chính kiến với Chính quyền Ả-rập Xê-út tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến thị trường dầu thế giới diễn biến phức tạp. Thời gian gần đây, vì lợi ích dân tộc những đáp trả lẫn nhau tương tự như vậy diễn ra với tần suất ngày càng tăng và hệ lụy của nó đối với lợi ích chung của thế giới thường rất khó lường.
Kinh nghiệm rút ra đối với Việt Nam
Trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, tính phụ thuộc, liên kết giữa các quốc gia ngày càng sâu rộng, chúng ta phải hết sức cảnh giác với những biểu hiện mới của chủ nghĩa dân túy. Đảng và nhà nước Việt Nam luôn tiếp thu nhiều bài học kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn trong nước và trên thế giới để chủ động đề ra đối sách với các âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa dân túy.
Để ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện mới chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam, đòi hỏi vừa phải tăng sức đề kháng của cơ thể xã hội, của mỗi người dân, lành mạnh hóa đời sống chính trị - xã hội trong nước, vừa phải tích cực ngăn chặn những tác động của chủ nghĩa dân túy từ ngoài vào, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế của “thế giới phẳng” hiện nay.
Do đó, vấn đề hàng đầu là tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bản chất, tác hại của chủ nghĩa dân túy; nhận diện rõ những biểu hiện dân túy trong đời sống chính trị, xã hội ở nước ta; phân biệt dân túy với dân chủ, cảnh giác với các biểu hiện lợi dụng dân chủ để thực hiện các mưu đồ của những kẻ có tư tưởng dân túy cực đoan. Điều này hoàn toàn không dễ khi nhận thức của người dân còn hạn chế, thông tin chưa đầy đủ. Vì vậy, để đấu tranh với chủ nghĩa dân túy cần huy động nhiều lực lượng xã hội tham gia, nhất là các nhà khoa học, các cơ quan thông tấn, báo chí; trong đó, các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống của Đảng, Nhà nước, giữ vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong trận tuyến tuyên truyền, định hướng dư luận, đấu tranh chống tác hại của chủ nghĩa dân túy dưới mọi màu sắc.
Đi liền với đó, cần hết sức coi trọng củng cố lòng tin vững chắc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Điều đó chỉ có được khi quyết tâm của Đảng được chuyển hóa thành hiệu quả thực tế trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được ngăn chặn, đẩy lùi; cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu đi đầu, nêu gương cho quần chúng. Đồng thời, tích cực chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh, công bằng xã hội; nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước, nhất là chính quyền địa phương; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong nhân dân không để kéo dài; quan tâm thỏa đáng và có trách nhiệm trước những nguyện vọng, lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân.
Tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; mở rộng và phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ cương, pháp luật. Đồng thời, nhận diện và tích cực đấu tranh chống các biểu hiện “nhân danh dân tộc”, “núp bóng” dân chủ, nhân quyền, lợi dụng lòng yêu nước của người dân để lôi kéo, kích động các tư tưởng dân tộc cực đoan, ly khai, khoét sâu mâu thuẫn, gây mất đoàn kết dân tộc, phá hoại sự ổn định và phát triển đất nước.
Tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Trên lập trường quốc gia dân tộc, Việt Nam luôn xác định mục tiêu độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm; luôn tôn trọng thể chế chính trị, con đường phát triển, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết hài hòa vấn đề lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích khu vực và quốc tế trong hội nhập toàn diện, toàn cầu hiện nay. Kiên quyết chống các biểu hiện tuyệt đối hóa lợi ích dân tộc cục bộ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ truyền thống của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới
Từ thực tiễn phong trào chống chủ nghĩa dân tuý trên thế giới hiện nay và việc nhận diện sự tác động của nó đối với Việt Nam làm cơ sở để có đối sách phù hợp nhằm hạn chế những hệ lụy từ nó là điều cần thiết.
TS. NGUYỄN TRẦN THÀNH, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học
____________
____________
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa