Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

MỐI QUAN HỆ VIỆT NAM VỚI CÁC NƯỚC LỚN


Do vị trí địa chính trị của mình mà Việt Nam luôn luôn phải đối mặt với việc xử lý mối quan hệ với các nước lớn. Từ lịch sử cho đến hiện tại, các nước lớn thường có ảnh hưởng đối với an ninh và sự thịnh vượng của Việt Nam. Sống bên cạnh người láng giềng khổng lồ đã làm cho tâm lý nước nhỏ ăn sâu vào trong tư duy người Việt. Ông cha ta xưa tuy xưng đế nhưng bề ngoài luôn thể hiện sự thuần phục nước lớn, chấp nhận mối quan hệ thiên triều - tiểu quốc, nên dù đánh thắng vẫn sang cầu hòa, xin phong vương và triều cống đều đặn cốt giữ hòa bình, tự chủ cho nước Việt. Những bài học lịch sử của tổ tiên trong ứng xử với phương Bắc cùng với tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là di sản vô giá cho ngoại giao Việt Nam hôm nay. Tuy nhiên, quan hệ quốc tế ngày nay không còn kiểu quan hệ đại bá và tiểu quốc mà là mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, bình đẳng và cùng có lợi. Do đó, trong quan hệ với các nước lớn, chúng ta cần cởi bỏ tâm lý nước nhỏ vốn ăn sâu trong nếp nghĩ; phải đặt mình trong tư thế của một quốc gia độc lập, có chủ quyền và bình đẳng trong quan hệ quốc tế; không tự ti, sợ hãi, cúi đầu. Mặt khác, không được kiêu ngạo hay tự huyễn hoặc vào sức mạnh của mình. Lịch sử cho thấy, quá tự hào vào sức mạnh của mình, tự ru ngủ mình trên chiến thắng trước các cường quốc, chúng ta đã phải trả giá đắt cả về an ninh, phát triển và đối ngoại. Ứng xử với nước lớn cần khiêm nhường, cẩn trọng, biết tự kiềm chế nhưng không được nhịn nhục, cúi mình, thỏa hiệp vô nguyên tắc. Điều quan trọng trong đối ngoại là biết mình biết người, cần nhận thức rõ vị thế và sức mạnh của Việt Nam trong thế giới đương đại, định vị được Việt Nam nằm ở đâu trong các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong mối quan hệ hợp tác - cạnh tranh giữa các nước lớn, trong sự vận động của địa chính trị và trật tự quốc tế, khu vực, từ đó nhận thức được khả năng và những giới hạn mà mình có thể hành động. Đặc biệt, không để mình bị cuốn vào vòng xoáy của trò chơi cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, không thách thức nước lớn, không đi theo cường quốc này chống lại cường quốc khác, không theo phe cánh để đối trọng nhau mà biết khai thác mặt tích cực trong quan hệ với tất cả các nước lớn, giữ cân bằng ảnh hưởng và lợi ích của các nước lớn trong quan hệ với Việt Nam. Đồng thời, xây dựng được các mối quan hệ song phương, đa phương đa dạng, mạnh mẽ, gắn kết, tin cậy và cùng có lợi với các quốc gia khác; tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, của các nước lớn cùng chia sẻ lợi ích, phải biết dựa vào các cơ chế đa phương khu vực, quốc tế, phải giữ vững tính chính nghĩa và dựa vào luật pháp quốc tế và những nguyên tắc phổ quát của mối quan hệ giữa các quốc gia được quốc tế thừa nhận để đối phó với nguy cơ từ nước lớn.
Thực tế cho thấy, các nước nhỏ cần kết hợp linh hoạt, uyển chuyển và khôn khéo giữa chủ nghĩa hiện thực chính trị, những nguyên tắc của chủ nghĩa lý tưởng mang bản sắc chủ nghĩa quốc gia và những nhân tố của chủ nghĩa tự do trong thời đại toàn cầu hóa. Trong đó, “đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả” phải là nguyên tắc xuất phát điểm, là cơ sở, là mục tiêu cho việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, và cũng là thước đo để đánh giá chính sách đối ngoại. Vượt qua rào cản ý thức hệ đã từng bó buộc ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh lạnh để tiếp cận nguyên tắc “đối tác - đối tượng” và nguyên tắc “lợi ích quốc gia” trong xử lý các mối quan hệ quốc tế là những bước đột phá trong tư duy ngoại giao Việt Nam. Những nguyên tắc này giúp chúng ta phá bỏ sự cứng nhắc trong ứng xử với các mối quan hệ quốc tế, từ đó, có sự linh hoạt, mềm dẻo trong xử lý các thách thức, nguy cơ và cho phép khai thác, phát huy mặt tích cực, thuận lợi trong quan hệ với các quốc gia trên thế giới để giữ vững độc lập, chủ quyền, sự ổn định chiến lược, tạo dựng môi trường phát triển thuận lợi, bền vững cho đất nước. Trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trước các nước lớn, cần giữ vững nguyên tắc và lập trường, không được thỏa hiệp vô nguyên tắc hoặc để bị chèn ép. Trong đó, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích quốc gia cốt lõi, căn bản nhất phải kiên quyết đấu tranh, giữ gìn, bảo vệ. Bên cạnh đó, phát triển phải là động lực quan trọng hàng đầu để được chú ý trong mọi chính sách quốc gia. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất bảo đảm an ninh, thịnh vượng bền vững, cũng như có được sự nể trọng của quốc tế. Việc bảo vệ cái bất biến của lợi ích quốc gia phải được thực hiện thông qua việc kiên định mục tiêu và tầm nhìn dài hạn, nhưng biết ứng biến linh hoạt, mềm dẻo về sách lược. Muốn vậy, phải nhận biết được lợi ích trực tiếp, trước mắt với lợi ích gián tiếp, mang tính chiến lược, lâu dài. Điều đó đòi hỏi nghệ thuật ngoại giao, sự nhạy cảm chiến lược trước những thay đổi của bối cảnh khu vực và thế giới, của xu thế thời đại và trật tự quốc tế, của tương quan sức mạnh giữa các lực lượng khu vực và toàn cầu, của xu thế chiến lược hợp tác - cạnh tranh giữa các nước lớn với nhau, cũng như của tiềm lực, sức mạnh tổng hợp và vị thế quốc tế của quốc gia. Từ đó, nhận thức đúng đắn các thách thức và nắm bắt chính xác thời cơ để điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp với thực tế.
Muốn quan hệ bình đẳng, có sự tôn trọng và vị nể của nước lớn thì phải giữ được độc lập tự chủ, tự cường, có sức mạnh nội lực. Tiềm lực và sức mạnh tổng hợp của đất nước là một trong những nhân tố then chốt tạo nên vị thế “lớn” hay “nhỏ” của một quốc gia và đó là bệ đỡ quan trọng nhất cho ngoại giao. Về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “mình có mạnh thì người ta mới đếm xỉa đến, mình không mạnh thì chả ai đếm xỉa đến”. Người cũng khẳng định: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(9).
Thế giới đã cho thấy có những nước và vùng lãnh thổ với diện tích nhỏ, dân số rất ít, tiềm năng phát triển rất hạn chế nhưng họ không hề nhỏ bé với sức mạnh cứng, mềm và ảnh hưởng quốc tế vượt trên tầm vóc của chính mình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, Việt Nam cần phải gia cường sự đoàn kết và ổn định nội bộ, chủ động hội nhập quốc tế, tập trung cởi bỏ các nút thắt phát triển, khai thác hiệu quả các thế mạnh và nguồn lực trong nước, tranh thủ vị trí địa chính trị quan trọng và lợi thế so sánh của mình trong hợp tác và phân công lao động quốc tế để phát triển đất nước, nhanh chóng đưa đất nước đi tới cường thịnh.
P/S: ảnh mang tính minh họa

1 nhận xét: