Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

ĐỪNG CHỐI BỎ TỔ QUỐC, QUÊ HƯƠNG MÌNH


Chắc hẳn chúng ta chưa quên câu tuyên bố của ông Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt ngày 20/9/2008, tại trụ sở ỦBND TP. Hà Nội, rằng : “Tôi đi nước ngoài rất nhiều, tôi cảm thấy rất nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”, câu nói này đã đụng chạm đến lòng tự hào về Tổ quốc Việt Nam và đã từng gây một phong trào phản đối mạnh mẽ đối với những ai dám động chạm đến quê cha đất tổ.
Gần đây, tôi lại đọc trên Facebook những dòng như “Nhục thật, ước gì tôi không phải là người Việt Nam”, “đi nước ngoài bây giờ không dám nói mình là người Việt Nam”….Đọc xong những câu này tôi cảm thấy vô cùng phẫn nộ, và với tư cách là một người dân Việt Nam thì tôi không thể chấp nhận được.
Người ta vẫn thường luôn cúi đầu cảm phục cái chính nghĩa cho dù cái chính nghĩa đó đến từ một chiếc áo rách với cái nón rơm đạm bạc, hay đến từ một trái tim nằm trong thân thể xanh xao, gầy đói. Việt Nam bước ra từ hai cuộc chiến, so với nhiều nước thif còn nghèo, còn chậm tiến, nhưng Việt Nam có cái đẹp của một dân tộc có chính nghĩa, có nền văn hóa trải dài và tồn tại qua nhiều thiên niên kỷ. Nét đẹp không thể bình phẩm bằng hình hài bên ngoài, mà chính ở nội hàm sung mãn qua bao nhiêu thời đại. Cái đẹp mà chúng ta gọi là “Quê hương” – và chỉ có người của xứ sở đó, mới cảm nhận được hoàn toàn hương sắc, mùi vị đặc trưng, đặc thù, của miền quê họ. Dọc dài đất nước, theo cùng năm tháng của lịch sử, là những tranh đấu, khai phá, dựng xây đầy tự hào trải qua bao thế hệ, mà có khi, ở vài khúc sử, là những hiện tượng, biến động khiến toàn thế giới phải biết đến.
Tình yêu chân chính bao giờ cũng bộc phát từ tấm lòng chân thật và gần như là vô điều kiện. Yêu quê hương cũng vậy. Nếu chỉ yêu Việt Nam, khi Việt Nam giàu mạnh thì đó có thể gọi là tình yêu quê hương không? Chối bỏ quê hương bởi cho rằng ở nơi đó còn có những sai trái, có nhiều tệ nạn? Tổ quốc không bao giờ sai, chỉ có con người mới làm điều sai. Tất cả, mọi sai lầm, mọi nhục, vinh đều đến từ con người. Bất cứ một công dân trong một quốc gia nào cũng phải nhận biết rõ điều khác nhau giữa quê hương, đất nước và con người, hay hệ thống chính quyền. Người ta có thể và có quyền ghét bỏ hoặc tẩy chay chính quyền, hoặc không nhìn nhận một cá nhân hay tổ chức nào đó của một quốc gia. Nhưng không ai có thể gộp cá nhân, chính quyền, vào chung với tổ quốc để rồi ghét bỏ. Đó là một việc làm rất ấu trĩ. Và không chỉ Việt Nam, đất nước nào cũng có hai mặt: tốt và xấu. Cùng cố gắng đẩy lùi cái xấu, vươn lên cái tốt mới là những người công dân chân chính có Tổ quốc.
Tôi biết những người chê bai, cảm thấy xấu hổ khi là công dân Việt Nam, họ vừa mới chấm gót xuất khẩu lao động, đi du học nước ngoài được mấy năm, khi vừa sống chớp nhoáng ở những nơi hoa lệ ngoại quốc, hoặc cũng có người ngồi ở nhà nghe người ta chê bai đất nước cũng vội “tự nhục” mà khinh rẻ quê cha đất tổ của mình. Bập bẹ nói “lơ lớ” vài tiếng nước ngoài đã vội trách tiếng mẹ đẻ. Tôi nghĩ họ là người không có tự tôn dân tộc, càng không đáng mang giống nòi con rồng cháu tiên.
Trong lòng tôi, dù có phải sống xa Việt Nam, dù có mang quốc tịch nào đi nữa, tôi vẫn luôn hướng về Việt Nam và nhìn nhận đó là nơi tôi sinh ra và… nằm xuống.
Thường Dân

1 nhận xét:

  1. Phải bắt hết bọn phản động và xử lý thật nghiêm khắc để răn đe người khác.

    Trả lờiXóa