Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

“TRÍ THỨC LÀ VỐN LIẾNG QUÝ BÁU CỦA DÂN TỘC”



Thiện Trí
Thông cáo Báo chí Kỳ họp 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về nội dung “Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Chu Hảo, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức”: Với cương vị là Giám đốc - Tổng Biên tập, đồng chí Chu Hảo chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy.
Từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng chí đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
          Ngay sau thông cáo báo chí trên diễn đàn xã hội và một số trang tin phản động nước ngoài giật các tít như kỷ luật Chu Hảo là chống lại giới trí thức, là đánh vào người trí thức có tài, có tâm. Thực chất những giọng điệu trên đã cố tình xuyên tạc, hạ thấp uy tín lãnh đạo của Đảng. Đối với trí thức, Bác Hồ và Đảng ta ngay từ khi ra đời đã luôn xác định đứng vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức. Bác nói: "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài" và khi "Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều". Ngay bản thân Bác Hồ cũng là một trí thức đi tìm đường cách mạng, quá trình lãnh đạo cách mạng Bác đã hết sức coi trọng vai trò của đội ngũ trí thức, bản thân Bác đã trực tiếp giác ngộ, tạo điều kiện và trọng dụng trí thức, nhiều câu chuyện cảm động, chân tình giữa Bác với các trí thức được mọi người biết đến. Chính vì vậy, trong sự nghiệp cách mạng đã có rất nhiều trí thức lớn đem hết tài năng và nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, trở thành những nhà lãnh đạo cách mạng: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, v.v.. những nhà khoa học đầu ngành của đất nước như: Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, Phạm Huy Thông, Trần Duy Hưng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận, Xuân Diệu v.v.. kể cả những người ngoài Đảng như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Phan Anh, v.v.. Họ đã sẵn sàng chịu đựng khó khăn gian khổ, hy sinh cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.
Đảng ta ngay từ khi ra đời đến nay đều luôn nhấn mạnh quan điểm nhất quán là lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nòng cốt của cách mạng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII xác định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”. Có thể nói chưa bao giờ Đảng ta xem nhẹ vai trò của đội ngũ trí thức và càng không thể có cái chuyện như một số đối tượng bịa đặt, xuyên tạc là Đảng ta đối đầu với đội ngũ trí thức./.




1 nhận xét: