TCCS - Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu và Đảng ta từng nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của thanh niên đối với vận mệnh của quốc gia, dân tộc; theo Người, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(1). Trải qua mỗi giai đoạn phát triển của cách mạng, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, các thế hệ thanh niên Việt Nam đều nỗ lực hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình.
Xây dựng “hình ảnh” người thanh niên mẫu mực
Tiếp nối truyền thống dân tộc và các thế hệ cha anh, thanh niên Việt Nam hôm nay tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng triệu thanh niên Việt Nam đang tích cực lao động, sản xuất, làm ra nhiều của cải cho xã hội, làm giàu cho bản thân, gia đình. Những chiến sĩ trẻ lực lượng vũ trang đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, ngày đêm canh giữ biên cương, hải đảo, bảo đảm cho đất nước bình yên. Những trí thức trẻ, học sinh, sinh viên say mê học tập, nghiên cứu khoa học, tích lũy tri thức để lập thân, lập nghiệp. Nhiều học sinh, sinh viên đã giành chiến thắng quan trọng trên các đấu trường trí tuệ thế giới, đem vinh quang về cho Tổ quốc. Thời gian gần đây, khi đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, chúng ta lại thấy “hình ảnh” những bạn trẻ xung kích tham gia tích cực cùng các lực lượng phòng, chống dịch. Đó là các y, bác sĩ trẻ, cán bộ, chiến sĩ trẻ lực lượng vũ trang sẵn sàng tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ ở khu cách ly, các chốt phòng, chống dịch, tham gia hỗ trợ lưu thông hàng hóa, tiêm chủng vắc-xin, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, giúp đỡ các gia đình, thanh, thiếu niên gặp khó khăn bởi đại dịch; nỗ lực nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ phòng, chống dịch,... Họ đã thể hiện những tư duy mới, tinh thần sáng tạo không ngừng và luôn bộc lộ khát vọng, hoài bão trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nếu đặt câu hỏi “khát vọng, lẽ sống của thanh niên Việt Nam hiện nay là gì?”, có lẽ câu trả lời được thể hiện rõ nét nhất trong chính những hành động hằng ngày của mỗi bạn thanh niên; đó là tinh thần tận hiến vì quê hương, đất nước phát triển giàu mạnh. Khát vọng và nỗ lực của thanh niên trong học tập, lao động chính là những cống hiến, góp phần dựng xây đất nước giàu mạnh, hùng cường. Tinh thần ấy được tiếp nối từ truyền thống lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, bắt đầu từ khí phách của Hai Bà Trưng, Mai Thúc Loan, Trần Quốc Toản,... Những năm đầu của thế kỷ XX, hành trình ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, đến khi trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, đã kiến tạo nên “Mặt trời chân lý”, được hiện thực hóa bằng những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam, và được trao truyền cho những người trẻ thế hệ sau tiếp bước, với những cái tên đã đi vào sử sách hào hùng của dân tộc, như Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm,...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, nỗ lực đáng ghi nhận đó, chúng ta cũng phải thẳng thắn đối diện với những hạn chế, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong thanh niên cần nhanh chóng được khắc phục, vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nó có tác động hết sức nguy hại đối với sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”(2).
Soi rọi vào những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, chúng ta cũng nhìn thẳng vào những khuyết điểm, hạn chế của thanh niên; đó là, “cái tôi” quá lớn, đòi hỏi hưởng thụ mà lười rèn luyện, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, đất nước; thiếu trách nhiệm, thờ ơ với cái chung; thiếu khát vọng, ý chí vươn lên, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật của Đoàn, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc gây ra các căn bệnh, những hệ lụy hết sức nguy hại, mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và Dân tộc”(3).
Để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc thì phải có một giấc mơ lớn. Đại hội XIII của Đảng đã gọi tên, khơi dậy giấc mơ ấy. Đó chính là khát vọng phát triển đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, với mục tiêu hướng tới “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(4). Muốn thực hiện được khát vọng ấy, cần có những con người vừa “hồng”, vừa “chuyên”; theo đó, cần tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Vì vậy, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay, trong 3 khóa liên tiếp, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều chọn vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng để bàn thảo và quyết định những định hướng chiến lược về nội dung này cho cả nhiệm kỳ. Điều đó tạo dấu ấn sâu đậm trong Đảng và trong nhân dân về những nội dung quan trọng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khóa XI, XII. Đến Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực,... Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, với nhiều điểm mới nổi bật, đã bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực” sát hợp tình hình mới; đồng thời, nhấn mạnh nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.
Việc triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW đặt ra nhiều yêu cầu mới, cao hơn đối với cả hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Nếu như Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25-7-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, xác định quan điểm “Xây dựng Đoàn vững mạnh là xây dựng Đảng trước một bước”, thì nay đặt ra yêu cầu xây dựng Đoàn vững mạnh là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trước một bước. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng; vì vậy, muốn chủ động đấu tranh, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì phải tiến hành từ sớm, từ xa, phải bắt đầu từ đội ngũ đoàn viên và đảng viên trẻ, mà trọng tâm là kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng vì tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật cho đội ngũ đoàn viên, thanh niên. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”, mà đòi hỏi thanh niên phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích của mình với lợi ích của tập thể và của xã hội, làm cho lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể phát triển hài hòa; còn ngược lại, nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng để cùng chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên, hình thành phẩm chất cao đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa.
Ý thức sâu sắc điều này, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xác định, tuổi trẻ Việt Nam phải tiên phong, nghiêm túc triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Ngày 9-12-2021, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch số 460-KH/TWĐTN-BTC, ngày 3-12-2021, của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, về “Thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn. Hội nghị đã nối điểm cầu đến tất cả các đoàn cấp tỉnh và cấp huyện để tham gia học tập, quán triệt triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và tổ chức Hội nghị cán bộ đoàn chủ chốt với 1.426 điểm cầu từ Trung ương tới cấp huyện để triển khai Kế hoạch của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Một số giải pháp chủ yếu để khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng và tổ chức thực hiện lẽ sống cao đẹp cho thanh niên trong thời gian tới
Một là, một trong những nội dung đột phá được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xác định trong thực hiện Kết luận số 21-KL/TW là tập trung nâng cao tính chính trị của đội ngũ đoàn viên và tính tiên phong, gương mẫu của đoàn viên, thanh niên; ngăn chặn từ sớm, từ xa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chính vì vậy, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong toàn Đoàn với chủ đề “Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên”. Đợt sinh hoạt chính trị này sẽ kéo dài cho đến năm 2026, gắn với những giải pháp quan trọng trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh, thiếu niên, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với mong muốn thông qua đó, mỗi đoàn viên, thanh niên đặt lợi ích cá nhân mình hòa chung với dòng chảy của đất nước, của dân tộc, tạo nên sức mạnh cộng sinh to lớn, nhằm góp phần tạo ra những giá trị phát triển mới cho đất nước.
Hai là, tiếp tục kiên trì và không ngừng đổi mới nội dung, phương thức giáo dục cho thanh niên, nhất là giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, giáo dục những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hoạt động giáo dục cho thanh niên phải bắt nhịp nhanh hơn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và xu hướng biến đổi nhanh chóng của giới trẻ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa tiện ích của internet, mạng xã hội để tập hợp, định hướng, giáo dục thanh, thiếu niên. Đối với Đoàn Thanh niên, cần tiếp tục xác định giáo dục thông qua phong trào hành động cách mạng là phương thức trọng tâm, mang lại hiệu quả cao, như V.I. Lê-nin đã từng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Đoàn thanh niên là phải tổ chức hoạt động thực tiễn của mình thế nào để khi học tập, khi tổ chức nhau lại, khi tập hợp nhau lại, khi đấu tranh, tầng lớp thanh niên ấy tự giáo dục mình và đồng thời cũng giáo dục cho tất cả những ai đã công nhận họ là người dẫn đường chỉ lối, để trở thành những người cộng sản. Phải làm cho toàn bộ sự nghiệp giáo dục, rèn luyện và dạy dỗ thanh niên ngày nay trở thành sự nghiệp giáo dục đạo đức cộng sản trong thanh niên”(5). Đối với các nhiệm vụ cụ thể, tiếp tục duy trì tổ chức và mở rộng đối tượng tham gia, nhân rộng các hình thức thi, tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở các cấp(6). Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là nội dung quan trọng hàng đầu để xây dựng Đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng(7), nâng cao chất lượng, gia tăng số lượng đoàn viên mới được kết nạp. Tiếp tục bổ sung, cập nhật, hoàn thiện nội dung, công cụ, phương thức tổ chức các bài lý luận chính trị dành cho đoàn viên và thực hiện nghiêm túc quy định về chế độ học tập lý luận chính trị đối với đoàn viên(8). Chú trọng các nội dung rèn luyện về lý tưởng cách mạng, nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, gắn nội dung rèn luyện với việc khắc phục biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đoàn viên, thông qua chương trình “Rèn luyện đoàn viên”(9). Mỗi thanh niên thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, cầu tiến bộ; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, có tinh thần sẵn sàng dấn thân, có lòng nhân ái, luôn vì sự nghiệp chung để đóng góp tốt hơn, nhiều hơn cho gia đình, quê hương, đất nước.
Ba là, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn các cấp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, không ngừng tu dưỡng rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác; thực sự là người bạn gần gũi của thanh niên, không kiêu căng, tự mãn, xa rời thanh niên, xa rời thực tiễn; không rơi vào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, đòi hỏi người cán bộ đoàn phải luôn tiên phong, có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, biết làm, năng động và sáng tạo, luôn sẵn sàng gạt bỏ “cái tôi” sang một bên vì lợi ích chung, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng, của Đoàn lên trên lợi ích cá nhân(10). Sẵn sàng thay thế những cán bộ làm việc kém hiệu quả, thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, có tín nhiệm thấp. Đặc biệt, chú trọng rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ đoàn gắn với việc đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ đoàn, hội, đội. Sự nêu gương của cán bộ đoàn, nhất là người đứng đầu, chính là điểm bắt đầu, tiền đề để lan tỏa, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong thanh niên. Cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; cán bộ đoàn, hội, đội nêu gương cho đoàn viên, hội viên(11); đoàn viên nêu gương cho thanh niên; thanh niên nêu gương cho thiếu niên, nhi đồng theo đúng quan điểm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”. Thực hiện đồng bộ, nhất quán theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt”.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đoàn; tích cực, chủ động tham gia giám sát, phản biện xã hội. Nâng cao trách nhiệm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, người đứng đầu tổ chức đoàn các cấp đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đoàn. Tích cực tham gia các công tác, nội dung giám sát đối với các cơ quan của Đảng, Nhà nước và cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Xây dựng cơ chế Đoàn và thanh niên tham gia giám sát đảng viên có chức vụ theo quy định của Đảng và hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong quá trình giám sát phải bảo đảm tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo chủ trương, chính sách, đề án, văn bản của Đảng, Nhà nước có liên quan đến thanh, thiếu niên. Chú trọng kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau kiểm tra, giám sát. Xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Đoàn, những cán bộ đoàn, đoàn viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của Kết luận số 21-KL/TW trong hệ thống Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Năm là, phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị. Nâng cao cả số lượng và chất lượng việc giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” trong tình hình mới(12). Chủ động đào tạo, bồi dưỡng, phát huy cán bộ trẻ, đặc biệt là những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; qua đó, tạo nguồn cán bộ trẻ chất lượng cao giới thiệu để bổ sung cho cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp(13). Tham mưu cấp ủy đưa cán bộ trẻ có năng lực của các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sang làm công tác đoàn thanh niên. Chủ động, sáng tạo, kiên trì tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp đối với thanh, thiếu niên. Tham mưu tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25-7-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy chế cán bộ đoàn (bổ sung, sửa đổi) và hướng dẫn thực hiện Quy chế cán bộ đoàn đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc về câu nói của Pavel trong truyện “Thép đã tôi thế đấy” - một tác phẩm nổi tiếng, một cuốn sách “gối đầu giường” của thanh niên, thiếu niên hồi những năm 1960 - 1970: Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời.
Tuổi trẻ là tương lai, muốn có tương lai tốt đẹp thì mỗi thanh niên phải nỗ lực xây dựng bằng ý chí và nghị lực của chính bản thân. Thế hệ trẻ là những người chủ tương lai của đất nước; do đó, cần ra sức rèn đức luyện tài, cố gắng phấn đấu và học tập, tu dưỡng đạo đức, tiên phong trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Các cấp bộ đoàn, cán bộ, đoàn viên, thanh niên cả nước nêu cao tinh thần đoàn kết, ra sức phấn đấu, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và khóa XIII, Kết luận số 21-KL/TW; quyết tâm, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ sớm, từ xa; khơi dậy khát vọng cống hiến, phấn đấu sống đẹp, sống có ích để lan tỏa và kết nối sức trẻ trong và ngoài nước, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.
------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 216
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 602
(3) Nguyễn Phú Trọng: “Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới”, Tạp chí Cộng sản, số 980, tháng 12-2021, tr. 8
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 326 - 327
(5) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 41, tr. 366
(6) Những năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai nhiều cuộc thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với hình thức trực tuyến, và gần đây là triển khai thông qua ứng dụng di động “Thanh niên Việt Nam”, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh, thiếu niên tham gia. Tiêu biểu, như Hội thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” với gần 900.000 thí sinh tham gia; cuộc thi tìm hiểu 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam thu hút 691.356 thí sinh. Cuộc thi tìm hiểu 90 năm truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thu hút hơn 3,7 triệu lượt thí sinh tham gia; cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi, thiếu nhi với Bác Hồ” thu hút hơn 4 triệu thiếu nhi tham gia.
(7) Ban Bí thư Trung ương Đoàn ban hành hướng dẫn và xác định các chuyên đề cho cán bộ đoàn và cho đoàn viên, thanh, thiếu niên từng năm. Đã có 156.691 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, 8.401.131 lượt Cháu ngoan Bác Hồ được các cấp tuyên dương trong 5 năm qua.|
(8) Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai Cổng thông tin điện tử học tập các bài lý luận chính trị cho đoàn viên tại địa chỉ http://hoclyluan.doanthanhnien.vn, tạo điều kiện để đoàn viên trực tiếp tìm hiểu thông tin, học tập, kiểm tra kết quả học tập trên internet.
(9) Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đang triển khai ứng dụng di động (App) “Thanh niên Việt Nam” trên điện thoại thông minh và tích hợp các nội dung giáo dục đoàn viên; số hóa quản lý đoàn viên, triển khai chương trình rèn luyện đoàn viên, học tập các bài học lý luận chính trị trên App “Thanh niên Việt Nam”.
(10) Trong năm 2023, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ xây dựng “Đề án đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn các cấp” trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng phê duyệt. Trong đó, chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn, xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
(11) Tổng kết Chỉ thị số 01-CT/TWĐTN, ngày 17-5-2013, của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, về việc “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ đoàn”; quy định 8 điều cán bộ đoàn nên làm, 8 điều cán bộ đoàn không nên làm, ban hành chỉ thị và quy định mới, gắn với việc đề cao vai trò nêu gương của cán bộ đoàn, hội, đội, cán bộ phụ trách thiếu nhi, nhất là người đứng đầu.
(12) Trong giai đoạn 2017 - 2021, toàn Đoàn đã giới thiệu 815.209 đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó có 425.133 đảng viên mới được kết nạp từ số các đoàn viên ưu tú. Tỷ lệ kết nạp đảng viên từ đoàn viên ưu tú trong tổng số đảng viên được kết nạp trong cả nước giai đoạn từ năm 2010 đến nay luôn đạt khoảng 70%.
(13) Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, tổng số cán bộ đoàn các cấp được giới thiệu tham gia cấp ủy là 12.151 đồng chí và đã có 11.378 cán bộ đoàn trúng cử vào cấp ủy cùng cấp (chiếm 93,6% số cán bộ đoàn được giới thiệu). Cán bộ đoàn được bầu là đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp như sau: Có 17 cán bộ đoàn trúng cử đại biểu Quốc hội; 112 cán bộ đoàn trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 917 cán bộ đoàn trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện; 14.856 cán bộ đoàn trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét