Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

CHÍNH SÁCH NHẤT QUÁN TRONG VẤN ĐỀ TÔN GIÁO CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

 HH

Ngay từ rất sớm, các nhà kinh điển mácxít đã rất quan tâm đến vấn đề tôn giáo. C.Mác khẳng định “đặc quyền tín ngưỡng là một quyền phổ biến của con người”[1]. Kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những đã cụ thể hóa nội dung quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn bổ sung, nâng tầm ý nghĩa của tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Theo Người, tự do tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu của nhân dân, là quyền con người không ai được xâm phạm. Bởi vậy, năm 1945, chỉ một ngày sau khi nước nhà độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định việc thực hiện chính sách tôn trọng tự do tôn giáo, đoàn kết lương giáo là một trong sáu vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết. Người nói: “Thực dân và phong kiến tìm cách chia rẽ đồng bào lương với đồng bào giáo để cai trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”[2].

Hiến pháp năm 1946 khẳng định mọi “công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”[3]. Đến Sắc lệnh 223/SL ngày 14 - 6 - 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy”[4]. Các Hiến pháp sau này tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 có bước tiến mới khi khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người, được Nhà nước thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”[5].

Nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, ngày 18 - 11 - 2016, đã thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Văn bản này đã đánh dấu một bước ngoặt cho quá trình hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay ở Việt Nam, bảo đảm lợi ích của dân tộc và của các tổ chức tôn giáo. Như vậy, có thể thấy, quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 1, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 549.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 14, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 102.

[3] Quốc hội: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua ngày 9 - 11 - 1946).

[4] Sắc lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà số 223/sl ngày 14 - 6 - 1955

[5] Quốc hội: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chương 2, Điều 24, 2013.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét