Một số đối tượng đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố trong vụ án Việt Á.
(Nguồn: NLĐ) 

Bắt đầu từ tháng 12/2021, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan đồng thời ra các quyết định khởi tố bị can đối với nhiều đối tượng.

Diễn biến mới nhất là cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học quân sự (Học viện Quân y) về tội “tham ô tài sản” và tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đồng thời, khởi tố Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng phòng Trang bị, vật tư (Học viện Quân y) về tội “vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bộ Công an đã xác định có dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Cùng với đó là dấu hiệu sai phạm trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời, cấp phép đăng ký lưu hành chính thức sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19, việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.

Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế; ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế và ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ. Cả 3 người cùng bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục kiểm tra, làm rõ những sai phạm nếu còn.

Điều đáng buồn là khi mở rộng điều tra vụ án, vi phạm không chỉ xảy ra ở một địa phương mà xảy ra ở nhiều địa phương. Công ty Việt Á đã câu kết, thông đồng với lãnh đạo CDC các tỉnh, thành nâng giá thiết bị để cung ứng cho các đơn vị. Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Việt Á còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.

Tính đến nay, trong số hơn 20 bị can bị khởi tố thì có một số người là giám đốc CDC các địa phương gồm: Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Thừa Thiên-Huế Hoàng Văn Đức.

Quy mô của vụ án, tính chất của vụ án, tác hại của vụ án, thiệt hại của vụ án dần dần sẽ được sáng tỏ nhưng bước đầu cũng đã làm chúng ta “giật mình”. “Giật mình” vì sự táo tợn của nó, giật mình vì đồng tiền mà làm tha hóa cả một đội ngũ cán bộ nhiều tỉnh thành, vụ, đơn vị. Nhiều người cho rằng, đây không chỉ là tham nhũng mà sự tha hóa quyền lực, một sự tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đội ngũ cán bộ của Đảng. 

Phải khẳng định rằng, việc nâng khống giá kit test, bắt tay nhau để chia “hoa hồng”, hưởng lợi nêu trên gây thiệt hại ngân sách nhà nước, làm gia tăng gánh nặng cho người dân và gây rúng động, bức xúc dư luận. Điều này đã được tổng hợp trong báo cáo ý kiến cử tri, Nhân dân gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Ban Dân nguyện. Cử tri cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, trên cơ sở đó, cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc điều tra, truy tố, kết luận sớm, xử lý nghiêm vụ việc và thông báo cho người dân.

Đến nay, các kiến nghị của cử tri, yêu cầu của Quốc hội đã và đang được cơ quan chức năng thực hiện khi hàng loạt các đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi đã bị khởi tố, bắt giam chỉ trong một thời gian ngắn. Và chắc hẳn số lượng đối tượng bị khởi tố, bắt giam vẫn chưa dừng bởi diễn biến của vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Như vậy, nhiều cán bộ, lãnh đạo vi phạm đã được chỉ đích danh, những vi phạm của các cá nhân này được nhận định là “đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.

Nỗi đau lớn nhất từ vụ án này là nó xảy ra trong thời kỳ đặc biệt. Đó là trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực chống dịch, khi lòng yêu nước đang dâng trào, cả xã hội chung tay chống dịch, nhường cơm sẻ áo cho những đối tượng gặp khó thì những tiêu cực lại bộc lộ. Đáng nói hơn, nó diễn ra trong lúc sự nghiệp chống tham nhũng của Đảng đang giành những thắng lợi to lớn, cơ chế chống tham nhũng từng bước được hoàn thiện.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua và qua vụ Việt Á càng góp phần khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào". Công tác này thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; được quốc tế ghi nhận.

Điều này đã được khẳng định rất nhiều lần. Gần đây nhất, trong cuộc họp với cán bộ chủ chốt ngày 10/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xác định các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; sớm đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm. Tổng Bí thư nêu rõ: “Các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, điều tra để xử lý nghiêm vi phạm trong các vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương và các đơn vị, địa phương có liên quan”.

Thế là bắt đầu từ dư luận nghi ngờ về giá cả của những chiếc kit xét nghiệm COVID-19, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố sẽ kiểm tra và thanh tra ngay. Ngay sau đó Bộ Công an đã vào cuộc điều tra. Rồi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vụ án vào diện theo dõi chỉ đạo. Cùng với đó, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo, Ban Dân nguyện tổng hợp ý kiến của cử tri... Tất cả như một trận đánh hợp đồng giữa lúc "cơn bão" của đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành ở nước ta.

Đây cũng là cơ sở để chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng gắn với phòng, chống tiêu cực của “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu sẽ tiếp tục có những chuyển biến rõ rệt, góp phần vào việc xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, lối sống, đáp ứng lòng mong mỏi và kỳ vọng của Nhân dân./.

 

 

 

Thu Hà