Những diễn biến thực tế cho thấy rằng người dân Myanmar đã không còn quá tin vào những lời hứa hẹn, và đó sẽ là một điểm mấu chốt mà giới tướng lĩnh quân sự hay các chính trị gia cần phải giải quyết.
“Chúng tôi sẽ không nắm quyền lâu”
Tại cuộc họp báo đầu tiên từ ngày 1-2, ngày quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng, bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) và quyền lực nhà nước tại Myanmar được chuyển giao cho Hội đồng Hành chính Nhà nước, người phát ngôn Hội đồng Hành chính Nhà nước - Thiếu tướng Zaw Min Tun, cho biết quân đội Myanmar sẽ không nắm quyền lâu và mục tiêu là tổ chức bầu cử để chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tướng Zaw Min Tun cũng khẳng định tiến trình khởi tố Tổng thống Win Myint và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi sẽ diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Hiện cả hai nhà lãnh đạo dân sự này đều được giam giữ an toàn và trong tình trạng sức khỏe tốt. Theo ông, có những vấn đề cần phải được giải quyết bằng pháp lý và Hội đồng Hành chính Nhà nước sẽ không làm điều gì vượt qua pháp luật.
Ai cũng có lý do để nói rằng mình chiến đấu vì tương lai của đất nước. |
Thông báo này được đưa ra sau khi rất nhiều nước kêu gọi quân đội Myanmar kiềm chế những hành động, trong bối cảnh vẫn đang có rất nhiều cuộc tuần hành biểu tình diễn ra trên phạm vi cả nước. Trong một tuyên bố chung, Đại sứ quán của Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và 11 quốc gia khác đã thể hiện sự ủng hộ đối với mong muốn “dân chủ, tự do, hòa bình, thịnh vượng” của người dân Myanmar, khẳng định thế giới đang theo dõi sát tình hình quốc gia Đông Nam Á này. Về phần mình, Đại sứ quán Mỹ khuyến cáo công dân không nên vi phạm lệnh giới nghiêm tại Myanmar.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi quân đội Myanmar cho phép Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar - Christine Schraner Burgener - tới nước này để đánh giá tình hình.
Trước khi “ra tay” ngày 1-2, quân đội Myanmar đã yêu cầu hoãn phiên họp đầu tiên của Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11-2020, trong đó NLD giành đa số ghế ở cả hai viện Quốc hội. Họ cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử ấy, song Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và một số nước kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và những người khác đang bị giam giữ, đồng thời bày tỏ hy vọng các bên ở Myanmar sẽ đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Trong bối cảnh biểu tình tiếp diễn rầm rộ trên cả nước, quân đội Myanmar đã triển khai thêm lực lượng tại các tuyến phố. Ngày 8-2 vừa qua, các tướng lĩnh kêu gọi người dân duy trì ổn định, an ninh công cộng và pháp trị.
Giới trẻ và đông đảo người dân không muốn một chính quyền được dựng nên bởi phe quân sự. |
Đáp lại, những cuộc biểu tình mới vẫn liên tục xuất hiện. Đến ngày 17-2, cảnh sát Myanmar tuyên bố lệnh bắt giữ 6 nghệ sĩ nổi tiếng (bao gồm 3 đạo diễn, 2 diễn viên và 1 ca sĩ) vì ủng hộ biểu tình và đình công, sau khi đã bắt giữ 7 nghệ sĩ khác vào tuần trước đó với lý do tương tự.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 18-2, một nhóm có tên gọi Tin tặc Myanmar (Myanmar Hackers) đã đánh sập các trang web của chính phủ quân sự, bao gồm trang web của Ngân hàng Trung ương, trang tuyên truyền của quân đội Myanmar, Đài Phát thanh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Myanmar. Trên trang Facebook, nhóm tin tặc này tuyên bố: “Chúng tôi chiến đấu vì công lý ở Myanmar. Điều đó giống như một sự phản đối kịch liệt của người dân nhằm vào các trang web của chính phủ”.
Động thái này diễn ra một ngày sau khi hàng nghìn người biểu tình trên khắp đất nước Myanmar. Theo NetBlocks - một tổ chức đặt tại Anh chuyên giám sát việc ngắt kết nối Internet trên khắp thế giới - Internet tại Myanmar tiếp tục bị cắt đêm thứ tư liên tiếp, từ 1 giờ sáng ngày 18-2 (giờ địa phương). Kết nối Internet giảm chỉ còn khoảng 21% lưu lượng băng thông của đường truyền thông thường.
Người dân biểu tình ủng hộ Bà Aung San Suu Kyi. |
Xung đột không dễ hàn gắn
Điều khiến cộng đồng quốc tế ngạc nhiên, chú ý và bắt buộc phải theo sát tình hình Myanmar, không gì khác, là sự thay đổi 180 độ về mặt quan điểm của giới quân sự - quyền lực truyền thống trên chính trường Myanmar.
Mới chỉ 5 năm trước thôi, các tướng lĩnh Myanmar còn được cả thế giới ca ngợi khi chấp nhận trao lại quyền lực cho một chính quyền dân sự, sau hàng thập niên chiếm lĩnh vũ đài chính trị ở đất nước ấy. Cũng bởi vậy, Myanmar được xem là biểu tượng chiến thắng của tự do và dân chủ, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á. Và bởi vậy, khi một lần nữa giới quân sự quyết định sử dụng vũ lực để phủ nhận kết quả bầu cử Quốc hội, giành lại những gì đã mất, họ khiến dư luận cả trong nước lẫn quốc tế ngỡ ngàng.
Những cáo buộc mà hiện tại bà Aung San Suu Kyi - lãnh tụ tinh thần của phái dân sự - đang phải đối diện là gì? Đầu tiên, là vi phạm Luật Xuất nhập khẩu. Sau đó, là vi phạm Luật Quản lý thảm họa tự nhiên. Bao trùm lên tất cả là những cáo buộc gian lận bầu cử - một chiêu thức quen thuộc của giới quân sự Myanmar trong những năm dài phủ nhận chính quyền dân sự trước đây. Những lý do rõ ràng mang tính “bới lông tìm vết”. Những cái cớ để quân đội tràn ngập các đường phố và dường như muốn thiết lập lại một trật tự cũ.
Có điều, ở năm 2021, tương quan về lực lượng cũng như vị thế giữa số đông người dân Myanmar ủng hộ chính quyền dân sự với phe quân sự đã trở nên hoàn toàn khác. Với quân đội, những người đứng đầu phe đảo chính được sự ủng hộ nhiệt thành của các chức sắc Phật giáo, những người theo dân tộc chủ nghĩa và các tổ chức về xã hội, sắc tộc. Quân đội Myanmar đã xây dựng hình ảnh như một người bảo an, phục vụ khối thống nhất quốc gia thay vì lãnh đạo Myanmar.
Myanmar, ở hai phía của lằn ranh. |
Trong khi đó, Chính phủ Myanmar dưới sự lãnh đạo của NLD lại được sự ủng hộ của các đảng cấp tiến, doanh nghiệp và các nhóm xã hội khác nhau, đặc biệt là giới trẻ. Vì được sự ủng hộ của nhiều thành phần xã hội, đảng NLD rất khó kết nối thành một khối liên minh nhưng lại có thể tạo ra một đối trọng lớn với quân đội.
Về hình thức, cuộc đảo chính năm 2021 này không hướng đến việc thay đổi hệ thống chính trị như năm 1988 mà chỉ thay đổi chính phủ. Quân đội Myanmar (Tatmadaw), những người đứng đầu phe đảo chính đã thận trọng xác định việc tiếp quản theo khuôn khổ Hiến pháp năm 2008 của nước này và đảm bảo với tất cả rằng sẽ trao trả quyền lực cho chính phủ sau cuộc bầu cử mới. Hiến pháp Myanmar đề cập việc chuyển giao cho chính phủ dân sự sẽ từ 2 đến 3 năm tùy thuộc vào quá trình.
Nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính lần này được cho là sự bất đồng quan điểm của giới quân đội với bà Aung San Suu Kyi về hệ thống chính trị chia sẻ quyền lực bán dân chủ ở Myanmar được thiết lập vào năm 2011. Giới quân đội hi vọng sẽ tiếp tục gìn giữ hệ thống chia sẻ quyền lực nhưng bà Aung San Suu Kyi lại muốn cải cách. Xung đột lần này làm rõ sự chia rẽ sâu sắc về phương hướng, đường lối và tư tưởng chính trị giữa hai bên.
Chính vì thế, việc lấp các khoảng cách để tạo ra những hành lang đối thoại công bằng sẽ là điều vô cùng khó khăn, khi bên nào cũng nhất quyết không lùi bước. Nhìn lại quá khứ, giới quan sát quốc tế sẽ dễ dàng chứng minh rằng các tướng lĩnh Myanmar đã không chấp nhận nhượng bộ như vậy sau cuộc bầu cử năm 2015, nếu Myanmar không quá mệt mỏi dưới rất nhiều biện pháp cấm vận và trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.
Binh lính quân đội trên các đường phố. |
Hiện tại, những sức ép từ bên ngoài, chứ không phải là những phản chấn từ bên trong, cũng vấn là điều đáng kể nhất, để khiến phe đảo chính phải hành động thận trọng. Tiếp theo những biện pháp trừng phạt cứng rắn của nước Mỹ (như ngăn Myanmar tiếp cận với các quỹ trị giá tới 1 tỷ USD đang được gửi ở Mỹ), Anh tuyên bố trừng phạt Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar cùng 2 nhân vật khác, còn Na Uy cũng tuyên bố đóng băng viện trợ. Những động thái này sẽ là chặng mở đầu của một chuỗi hiệu ứng dây chuyền, nếu mọi chuyện không sớm được cải thiện theo hướng tích cực.
Tình hình tăm tối ở Myanmar là bài học cho rất nhiều nước
Trả lờiXóa