Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2020

PHẢN BIỆN XÃ HỘI - MỘT LÝ LUẬN CĂN BẢN VÀ GIÁ TRỊ THỰC TIỄN TRONG PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, CƠ HỘI CHÍNH TRỊ


Hồng Thủy
Trong cuộc sống có muôn vàn thông tin tác động đến con người và đặt ra yêu cầu cho phản biện, được biểu hiện ra ở những nhận xét, thẩm định, đánh giá, kiểm chứng tính lôgic, chính xác, phổ quát và khách quan thông tin, nhận định. Với tư cách một phương thức dùng lý luận vừa để bày tỏ sự không nhất trí của một chủ thể nào đó đối ,với những ý kiến, thuyết lý, lý luận… đương đại. Đồng thời, cũng vừa để bày tỏ sự nhất trí, đồng tình, tán dương, cổ súy đối với các khía cạnh ấy, theo đó phản biện luôn gắn với cực đối lập của nó là đồng biện. Chính từ hiện tượng phản biện lý luận mà được mở rộng ra phản biện xã hội.

Trong đời sống xã hội, khi có những đặc trưng xã hội mới, những vấn đề lý luận và thực tiễn mới làm xuất hiện những mâu thuẫn và xung đột xã hội, thì một nhu cầu cần thiết của nó là có được chấp nhận và khẳng định về vị thế xã hội hay không. Điều đó được thực hiện thông qua sự trao đổi, “cọ xát”, tranh luận khoa học và cả đấu tranh xã hội để một mặt đi đến nhất trí về những khía cạnh chung cơ bản nhất, mặt khác nhất trí cùng bác bỏ những yếu tố lỗi thời, gây bất lợi cho cộng đồng xã hội.
Đương nhiên, không phải hễ cứ có sự nhất trí cao của đa số các thành viên trong cộng đồng xã hội thì một điều nào đó tự nó trở thành chân lý. Cũng như vậy, những chân lý mới thực sự khoa học nhiều khi ra đời hết sức khó khăn, phải vượt qua nhiều thiên kiến cũ, thậm chí ban đầu chỉ bị coi là một ý tưởng hoàn toàn điên rồ. Nhưng xét đến cùng, sự nhất trí cao độ trên cơ sở khoa học là một trong những động lực để phát triển xã hội theo khuynh hướng đem lại lợi ích cho đại đa số các thành viên trong một cộng đồng xã hội.
Chính sự không nhất trí với nhau giữa các thành viên của cộng đồng xã hội một mặt làm cho vấn đề mới, khía cạnh mới trong tiến trình phát triển xã hội được tự thân hoàn thiện, mặt khác tiếp tục mở ra những đường hướng, triển vọng mới. Theo đó, có thể thấy phản biện xã hội trước hết là động thái gắn với những vấn đề chung của cả cộng đồng xã hội chứ không chỉ liên quan đến một vài bộ phận hoặc cá nhân.
Phản biện xã hội cũng chủ yếu hàm chứa mặt xã hội của vấn đề, chứ không phải mặt kỹ thuật, chuyên biệt nào đó. Mặt khác, phản biện xã hội còn thể hiện cách thức vận hành của động thái này là cách thức xã hội. Đó là “tiếng nói chung” của cộng đồng, hay ít nhất cũng nhân danh cộng đồng, chứ không dừng ở nhận thức và hành vi của từng cá nhân. Và đương nhiên, phản biện xã hội lại càng không đồng nghĩa với sự đả kích mang tính cá nhân, sự nguỵ biện giả trá hoặc thói quen áp đặt độc quyền chân lý của các “nhà cải cách”, các “cây đại thụ”… Phản biện xã hội cũng phải trên cơ sở khoa học, đồng thời lấy “sức thuyết phục” về mặt khoa học làm mục đích cơ bản. Sức thuyết phục về khoa học bao giờ cũng bắt đầu từ tiêu chuẩn của chân lý làm cơ sở. Phản biện xã hội loại bỏ tình cảm cá nhân, dấu ấn chủ quan cao nhất trong tất cả các phản biện. Theo đó, sức thuyết phục trong phản biện làm thu hẹp sự áp đặt chủ quan, đồng thời phương pháp lập luận, chứng minh trong phản biện đòi hỏi cao tính chặt chẽ về lôgíc và sự phản ánh đúng, khoa học.
Chính vì những lẽ trên nên đồng biện lý luận và phản biện lý luận luôn đi đôi với nhau như hình với bóng. Trong tranh luận khoa học, có được sự nhìn nhận chung mang tính nhất trí cao thì mới cho ra đời được những kết luận khoa học có giá trị. Nhưng để đi đến sự nhất trí chắc chắn phải thông qua sự tranh luận gay gắt nhằm bắc bỏ những yếu tố bất hợp lý. Theo đó, có thể thấy việc kết hợp chặt chẽ giữa đồng biện lý luận với phản biện lý luận trở thành một trong những giải pháp cơ bản để phát triển lý luận khoa học. Đặc biệt, trong bối cảnh mặt bằng dân trí ngày càng cao của xã hội tri thức ngày nay, mọi chân lý khoa học sẽ không có chỗ đứng nếu chỉ được áp đặt vào đời sống xã hội như một thức gì đó được ban bố từ thế giới cao siêu.
Phản biện là hoạt động có tính phong phú, đa dạng và rất phổ biến với nhiều cấp độ, đặc trưng khác nhau. Tiếp cận theo chủ thể của phản biện xã hội, phản biện xã hội gồm có các dạng: Phản biện của từng cá nhân; Phản biện của từng tiểu cộng đồng; Phản biện của cả đại cộng đồng… để nhân danh “tiếng nói chung” của cộng đồng xã hội. Theo khách thể của phản biện xã hội gồm có: Hệ thống quan điểm tư tưởng của giới lãnh đạo;  Hệ thống lý luận, học thuyết, chủ thuyết phát triển chính yếu; Hệ thống dự án, đề án, dự luật…; Hệ thống cơ cấu và tổ chức xã hội; Hệ thống các quá trình xã hội; Hệ thống các động thái xã hội; Hệ thống các tập quán, quan hệ xã hội…. đang đóng vai trò chính thống trong đời sống xã hội.
Xét ở cơ chế vận hành của phản biện xã hội có các cấp độ phản biện theo quy trình từ đồng biện đến tranh biện; từ tranh biện đến phê phán, bổ sung, bổ khuyết và đi đến bác bỏ, đảo lộn… Xét ở các lĩnh vực phản biện: có phản biện về lĩnh vực lý luận; phản biện về lĩnh vực tổ chức; phản biện về lĩnh vực hành vi… Thông qua các hình thức phản biện cơ bản như: bày tỏ ý kiến; xêmina khoa học; biểu tình; tạo phản…
Trong, trên lĩnh vực chính trị, đối với công cuộc tiếp tục phát triển lý luận nhằm phát triển đất nước ta hiện nay, phản biện xã hội càng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Hàng loạt vấn đề lý luận mới như: vai trò, sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, vai trò của giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua chính đảng cầm quyền, quan hệ giữa giai cấp cầm quyền với các giai tầng xã hội khác, chất lượng đời sống nhân dân với tiến trình phát triển ý thức xã hội của họ trong điều kiện mới, sự tác động phức tạp giữa mặt bằng dân trí với hệ tư tưởng chính trị chính thống… đều cần được giải đáp mới. Để đạt đến điều đó thì nhất thiết cần kế thừa những lý luận gốc một cách có phản biện. Hơn nữa, để chống lại những luận điệu thù địch đang tìm cách xuyên tạc lý luận chính thống của ta hiện nay, thì không chỉ đơn thuần “nổi cơn thịnh nộ đạo đức”, mà phải có luận lý sắc sảo, đầy tính chiến đấu và có sức nặng khoa học để đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái nổi lên đặc trưng là vạch, chỉ ra những nội dung sai về khoa học và phản động về chính trị.
Phản biện xã hội đối với những quan điểm sai trái cũng không chung chung, phi lịch sử. Có những quan điểm sai trái về mặt khoa học, nhưng không bị ẩn chứa mục đích chính trị phản động và có những phản biện khoa học đối với những quan điểm sai trái được cài cắm mục đích chính trị phản động, cơ hội chính trị. Phản biện đối với những quan điểm sai trái và được cài cắm mục đích chính trị phản động, phần tử cơ hội chính trị có tính phức tạp và khó khăn. Do vậy, cần vạch ra sai lầm của nó một cách có luận lý thì mới có thể bác bỏ một cách thuyết phục. Cần học tập phương pháp bút chiến của các nhà kinh điển mác-xít, để chiến thắng về lý luận, cần chấp nhận “chiến đấu” ngay trên chiến trường do đối phương lựa chọn, thậm chí dùng ngay vũ khí của đối phương để chiến thắng./.

1 nhận xét:

  1. Các thế lực thù địch điên cuồng chống phá Việt Nam trên tất cả các phương diện; chúng dùng mọi thủ đoạn để chống phá; chúng ta phải hết sức tỉnh táo trước luận điệu sai trái của kẻ thù để không bị mắc bẫy của chúng.

    Trả lờiXóa