Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU LỢI DỤNG PHẢN BIỆN XÃ HỘI ĐỂ CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH VÀ CƠ HỘI CHÍNH TRỊ TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI ĐẢNG XIII

Hồng Thủy
Phản biện xã hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Phát huy dân chủ, quyền làm chủ, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong giám sát, phản biện tích cực nhằm mang lại những kết quả tích cực là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy vậy, một thực tế rất đáng quan tâm là không ít đối tượng lợi dụng phản biện xã hội (PBXH) để gây nhiễu thông tin, tạo ra những mâu thuẫn trong xã hội. Đặc biệt, các thế lực thù địch, một số tổ chức phản động đã móc nối, gieo mầm, nuôi dưỡng các đối tượng này để sử dụng làm công cụ chống phá Đảng và Nhà nước ta trước thềm Đại hội XIII.
Để thực hành PBXH với ý nghĩa tích cực, phải dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng làm mục đích... Nếu không, PBXH sẽ dễ chỉ là ý kiến chủ quan, cảm tính và phiến diện, thậm chí cực đoan, không đóng góp với tiến trình phát triển của xã hội, của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có không ít cá nhân xem và sử dụng PBXH như một “chiêu bài” để thực hiện một ý đồ, một mục tiêu nào đó hoàn toàn không nhằm mang lại lợi ích xã hội.
Thực tế cho thấy, trước mỗi kỳ đại hội đảng hay trước mỗi lần sửa đổi Hiến pháp, ban hành các đạo luật, tổ chức các sự kiện lớn, những vấn đề hệ trọng của đất nước..., Đảng và Nhà nước ta đều công bố rộng rãi các văn kiện dự thảo, đưa ra quan điểm, chủ trương để lấy ý kiến thảo luận, đóng góp của toàn dân. Đại đa số nhân dân có ý thức trách nhiệm cao, luôn coi mỗi đợt đóng góp ý kiến là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và hưởng ứng tích cực. Các cơ quan chức năng luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận sớm, hướng dẫn người dân nghiên cứu, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về từng nội dung trong dự thảo các văn kiện và những vấn đề quan trọng. Tất cả ý kiến dù đồng thuận hay không đồng thuận đều được cơ quan chức năng tổng hợp báo cáo với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để xem xét quyết định.
Tuy vậy, với những người có động cơ xấu, nhằm mục đích chống phá đất nước, lại không bày tỏ quan điểm theo quy trình tổ chức và các kênh chính thống. Các đối tượng triệt để lợi dụng ưu thế của internet, nhất là mạng xã hội (MXH) để tiến hành các hoạt động chống phá núp dưới danh nghĩa PBXH. Dưới sự giật dây của các thế lực thù địch, một số phần tử cơ hội trong nước và cả ở nước ngoài đã soạn ra các văn bản dưới dạng “tâm thư”, “thư góp ý”, thậm chí họ còn soạn hẳn một dự thảo văn kiện mới, hoàn toàn khác với dự thảo văn kiện chính thống được công bố... để thể hiện những ý kiến trái ngược với quan điểm của Đảng, Nhà nước. Để minh họa cho những quan điểm sai trái đã nêu, núp dưới chiêu bài PBXH, họ dựng chuyện, tung ra nhiều thông tin thất thiệt, tuyên truyền xuyên tạc, nhằm gây nhiễu loạn thông tin, gây bất ổn trong dư luận. Trên không gian mạng, họ lập ra các hội, nhóm trá hình… để tuyên truyền, lôi kéo những người nhẹ dạ, tán phát các ý kiến tiêu cực, đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng.
Ngoài sử dụng những đối tượng PBXH đã được móc nối, để chống phá đất nước, các thế lực thù địch đặc biệt quan tâm đến việc phát triển lực lượng “phản biện” mới. Đối tượng PBXH là giới trẻ, cán bộ, đảng viên, công chức... được chúng đặc biệt để mắt. Cùng với tài trợ về tài chính, chúng còn hướng dẫn nội dung, kế hoạch hoạt động liên kết thành mạng lưới. Khi xuất hiện những quan điểm đi ngược chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên không gian mạng, thì ngay lập tức chúng huy động lực lượng “chân rết” vào bình luận, chia sẻ, tung hô... để gây bất ổn trong dư luận.
Đặc biệt, trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm vụ đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch càng phải được coi trọng, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh trên lĩnh vực này. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII nêu rõ: “Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”. 
Trong lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một trong những nội dung quan trọng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhấn mạnh là phải chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin không chính thức, thông tin xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc trên internet, mạng xã hội của các thế lực thù địch. Chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, xuyên tạc nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng. /.

2 nhận xét:

  1. Khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp diễn ra, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị đã tung ra một loạt bài viết với quan điểm bất mãn, xuyên tạc nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác.

    Trả lờiXóa
  2. Người dân Việt Nam cần tỉnh táo trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; không để chúng lợi dụng, lôi kéo, kích động tiến hành các hoạt động bất hợp pháp.

    Trả lờiXóa