Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

TẠO THUẬN LỢI CHO THANH NIÊN THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM CỦA MÌNH


NDĐT- Chiều 25-5, thực hiện chương trình kỳ họp, Quốc hội (QH) nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Đa số đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật. Đề cập về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng), đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) và một số đại biểu khác cho rằng, đây là chính sách chung mang tính định hướng trên lĩnh vực quan trọng của đời sống thanh niên, cũng như những đối tượng thanh niên đặc thù, nhằm tránh trùng lắp, chồng chéo với các Luật chuyên ngành. Đây được xem là Luật gốc đối với các vấn đề về thanh niên, các luật chuyên ngành quy định các vấn đề liên quan đến thanh niên buộc phải tuân theo các nguyên tắc quy định trong Luật này. Tuy nhiên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên cần được bổ sung để tương thích với Bộ chỉ số phát triển thanh niên khu vực ASEAN để có sự tương đồng về chiến lược phát triển thanh niên với các nước thành viên.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, có đại biểu cho biết, các hành vi vi phạm pháp luật của thanh niên ngày càng nhiều, số lượng tái phạm tội không nhỏ, việc phân biệt, kỳ thị đối với các đối tượng mãn hạn tù, trở về địa phương vẫn xảy ra. Do đó, việc bổ sung các chính sách riêng dành cho đối tượng thanh niên vi phạm pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng là điều cần thiết, quan trọng với các giải pháp như: biểu dương các tấm gương thanh niên được giáo dục, cảm hóa thành công, tích cực vươn lên trong cuộc sống; chăm lo làm giàu, cống hiến cho xã hội…. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung chính sách với thanh niên nông thôn vì đây là đối tượng hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm ổn định.
Về quy định đối với Tháng thanh niên như trong dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị, ban soạn thảo cân nhắc nên chăng giao cho Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng là cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức tháng thanh niên, còn Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là cơ quan thường trực làm công tác tham mưu thực hiện Tháng thanh niên. Vì nếu quy định như dự thảo Luật thì có thể gây ra tình trạng không đồng đều về nguồn lực tổ chức Tháng thanh niên. Có ý cho rằng, cần bổ sung quy định về điều kiện thời gian, cách thức tổ chức bù các hoạt động của Tháng thanh niên khi không thể tiến hành đúng theo kế hoạch, hoặc tiến hành không đồng loạt, nhằm bảo đảm được sự thống nhất trên phạm vi cả nước; đồng thời cần quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương, của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức là trách nhiệm bắt buộc trong việc tạo điều kiện hỗ trợ, kể cả khi tiến hành tổ chức Tháng thanh niên bù, nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Thanh niên.
Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Đánh giá dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này có chất lượng tốt hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp trước, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) khẳng định, thay cho việc quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể, dự thảo đã quy định rõ trách nhiệm của thanh niên, trách nhiệm của các chủ thể liên quan, từ đó góp phần khẳng định được vị thế của thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên thực hiện được các trách nhiệm của mình.
Về quy định đối với Tháng Thanh niên, theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, việc dành riêng một điều về tháng cao điểm để hành động cho đối tượng hùng hậu như thanh niên là cần thiết. Đại biểu nhận địnhtừ những kinh nghiệm rút ra từ công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua cho thấy: Sẽ không thể tránh được có những thời điểm nhiều hoạt động trên phạm vi toàn quốc không thể diễn ra theo đúng kế hoạch và lộ trình. Cụ thể như tháng 3 vừa qua, dù rất muốn song việc tổ chức các hoạt động Tháng Thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên ở nhiều nơi cũng không thực hiện được.
Tham gia tranh luận về nội dung này, đại biểu Lê Quốc Phong (Bình Thuận) bày tỏ sự đồng tình cao với quy định như dự thảo Luật về Tháng Thanh niên. Theo đại biểu Lê Quốc Phong, quy định đã phản ánh rõ hai mục tiêu cụ thể của Tháng Thanh niên: Là tháng để phát huy thanh niên, thể hiện sức trẻ, tinh thần tình nguyện của thanh niên với những công việc chung của xã hội, của đất nước; đồng thời là tháng để xã hội quan tâm hơn, chăm lo hơn đến thanh niên.
Đại biểu Phong cho rằng, trên nền tảng chăm lo đó, thanh niên sẽ hiểu trách nhiệm của mình trong việc tham gia đóng góp cho đất nước.
“Tôi nghĩ quy định như dự thảo Luật hiện nay là phù hợp và tạo điều kiện cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ chốt trong việc triển khai Tháng Thanh niên, thực hiện được yêu cầu phù hợp trong triển khai tháng cao điểm để thanh niên phát huy được tinh thần, sức trẻ của mình”, đại biểu Lê Quốc Phong nhấn mạnh.
Cuối phiên làm việc buổi chiều, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.
NGUYÊN MINH - MINH THÚY

2 nhận xét:

  1. Để lớp trẻ cùng gánh vác trọng trách xây dựng đất nước thì cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho lớp trẻ

    Trả lờiXóa
  2. Dự án Luật này cần tạo điều kiện để thanh niên tích cực gánh vác trọng trách với non sông VN

    Trả lờiXóa