QĐND - Các thế lực thù địch đã và đang thực hiện chiến lược
“diễn biến hòa bình” bằng cách tập trung xuyên tạc, phủ nhận hình tượng Hồ Chí
Minh, nhằm mục đích “hạ bệ”, “giải thiêng” thần tượng dân tộc, từ đó phá hoại
mối đoàn kết ruột thịt giữa Đảng và nhân dân, gây ra sự đổ vỡ niềm tin của
người dân vào lãnh tụ, vào Đảng và cách mạng.
Sự tác động này vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa trước mắt vừa
lâu dài, nhằm dẫn đến sự “thoát ly thần tượng”, làm phai nhạt tiến tới xóa bỏ
sự ảnh hưởng của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh ở một bộ phận đảng viên và quần
chúng.
Văn học, nghệ thuật là một thành tố cơ bản, quan trọng hàng đầu
của văn hóa-tư tưởng, là lĩnh vực nhạy cảm, có sức lan tỏa mạnh. Do vậy, các
thế lực thù địch thường dựa vào đó để xuyên tạc, bôi nhọ đời tư và phủ nhận tư
tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Họ lấy chính Hồ Chí Minh làm hình tượng cơ bản, chủ
yếu nhưng được nhìn bằng quan niệm tiêu cực, mặt trái, bịa đặt với dụng ý
tạo ra một con người Hồ Chí Minh khác hẳn, đối lập với con người Hồ Chí
Minh lớn lao, trong sáng đời thường.
Dựng chuyện xuyên tạc Nhật ký trong tù
Họ bịa ra rằng, người viết tập thơ Nhật ký trong tù là
một người tù đã chết, không phải là Hồ Chí Minh. Về vấn đề này, Lê Hữu Mục đã
viết một tiểu luận phủ nhận Hồ Chí Minh là tác giả của Nhật ký trong
tù. Động cơ viết tiểu luận này được chính Lê Hữu Mục thể hiện ở một bài
phỏng vấn trong chương trình phát thanh của Hội Văn hóa Việt tại California
(Hoa Kỳ): “Tôi cố gắng viết, chỉ nội trong một tháng là xong... Anh em ở hải
ngoại bảo nhau phải tìm mọi cách để xóa bỏ cái huyền thoại Hồ Chí Minh”, không
để cho “có chuyện Hồ Chí Minh sẽ được tôn vinh là nhà văn hóa kiệt xuất do
UNESCO công nhận”. Thế là đã rõ, mục đích của ông ta và “các anh em” là không
để cho UNESCO vinh danh Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa. |
Lập luận của Lê Hữu Mục bắt đầu từ vấn đề tên tuổi tác giả. Ông
ta cho rằng, người viết xưng là “lão phu”, theo “chiều sâu văn hóa” phương
Đông, như vậy, người viết Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) là
một ông già. Lập luận này chỉ đánh lừa được những người ít hiểu về Hán học và
văn hóa phương Đông. Chúng tôi xin phép ghi lại lời phản biện của nhà Hán học
hàng đầu Việt Nam-PGS Phan Ngọc: “Dù có tự hào về Hán học đến đâu, không ai dám
nói Đỗ Phủ không biết làm thơ, không hiểu phong tục cổ truyền Trung Hoa, cũng
không dám chê Đỗ Phủ dốt nát. Đỗ Phủ chính là vị thầy về thơ chữ Hán của Hồ Chí
Minh… Ông Đỗ này luôn luôn tự xưng mình là lão (già)”(*). Học giả Phan Ngọc
chứng minh Đỗ Phủ xưng “lão” trong thơ năm 38 tuổi (trong bài Đầu giản
Hàm, Hoa lưỡng huyện chư tử-Thư gửi các vị hai huyện Hàm Dương, Hoa Nguyên),
năm 45 tuổi (Ai giang đầu-Nỗi đau xót đầu sông), năm 51 tuổi (Đào trúc
trượng-Cây gậy trúc đào)... Đó là những căn cứ của sự thật, không thể bác bỏ!
Như thế, Bác Hồ xưng “lão phu” trong Nhật ký trong tù là
điều hoàn toàn tự nhiên!
Trong bài phản biện tiểu luận của Lê Hữu Mục, Phan Ngọc vạch ra
“tám lỗi về hình thức”. Xin trích lại một khái quát cuối bài của PGS Phan Ngọc,
một khái quát của chân lý nghệ thuật, của lẽ phải đời thường: “Theo tôi, muốn
viết nổi tác phẩm này, giỏi làm thơ là chuyện nhỏ. Cái quan trọng là một ham
muốn suốt đời đấu tranh cho nhân loại bị áp bức, một chí khí gang thép, nhưng
chủ yếu là một tâm hồn trong sáng của Đức Phật, Xôcrat (Socrate), Giêsu
(Jésus), Găngđi (Gandhi) mới làm được”.
Ngoài “tám lỗi” cơ bản mà PGS Phan Ngọc đã phản biện một cách
đích đáng, đến lượt chúng tôi xin chỉ ra một vài bắt bẻ một cách rất vô lối của
Lê Hữu Mục.
Để phá vỡ tính chỉnh thể thống nhất của hình tượng thơ, Lê Hữu
Mục dùng thủ thuật xuyên tạc, thêm thắt và quy
kết người dịch sai. Lê Hữu Mục cho rằng, người dịch Ngục trung nhật
ký đã tìm mọi cách để lái câu thơ vào quỹ đạo mà họ định trước. Ví dụ,
trong Thụy bất trước (Không ngủ được), người dịch đã tô thêm màu vàng
vào ngôi sao năm cánh để giải thích rằng ngay trong giấc ngủ, Bác cũng chỉ nhìn
thấy Tổ quốc được tượng trưng bằng ngôi sao vàng, trong khi nguyên văn chỉ nói:
“Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh”, nghĩa là hồn mộng cứ luẩn quẩn loanh quanh
ở chỗ ngôi sao năm cánh, trong giấc mơ, lòng chỉ hướng về ngũ tinh liên châu
tức là hướng về đoàn tụ gia đình, nghĩ đến vợ con mà lâu ngày mình đã xa.
Nghĩa chữ Hán trong câu thơ “Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh”
là: Hồn mộng đã quẩn quanh nơi ngôi sao năm cánh. Chê người để lôi cuốn sự chú
ý của độc giả vào “cái sai” của người (người dịch), trong khi đó, chính Lê Hữu
Mục lại bịa đặt nghĩa bằng cách thêm ý “lòng chỉ hướng về ngũ tinh liên
châu tức là hướng về đoàn tụ gia đình, nghĩ đến vợ con mà lâu ngày
mình đã xa”. Bịa đặt để lái vấn đề sang nghĩa khác: Người tù đã có vợ con rồi!
Tức không phải Hồ Chí Minh làm vì Hồ Chí Minh không có vợ con! Hai chữ “tức là”
của Lê Hữu Mục hoàn toàn là sự suy diễn.
Vấn đề “quốc tịch” của tác giả được đặt ra để “nghiên cứu”: Lê
Hữu Mục bám vào hai chữ “Hán gian” ở trong các bài Thế lộ
nan (Đường đời hiểm trở): “Khước bị hiềm nghi tố Hán gian” (Thế mà bị tình
nghi là Hán gian) và Nhai thượng (Trên đường phố): “Nhai thượng nhân
tranh khán Hán gian” (Ngoài phố tranh nhau xem Hán gian) rồi quả quyết: “Muốn
làm Hán gian thì đầu tiên phải là người Hán đã chứ, làm sao một người Việt Nam
có thể làm Hán gian?”.
Logic học gọi đây là thủ thuật “đánh tráo”. “Thế mà bị tình nghi
là Hán gian”. Ai nghi? Tức bọn cai ngục nghi ngờ người tù là “Hán gian”. Người
khác nghi như thế chứ không phải “người tù” nhận thế. Mà người khác nghi là
quyền, là việc của người ta. Nhưng Lê Hữu Mục đã đánh tráo chủ
thể “nghi” từ “bọn cai ngục” (bị ẩn đi) ép sang cho tác giả câu thơ (người
tù), để hiểu: Vì là người Hán nên tác giả câu thơ (tức Già Lý) rất buồn bị nghi
là Hán gian!
Thế là ai cũng thấy ông ta sử dụng thủ thuật tách rời và đánh
tráo khá tinh vi!
Tại sao một số người lại tập trung xuyên tạc Nhật ký trong
tù? Vì đó là bảo vật quốc gia, một bảo hiểm “bằng vàng” về con người Bác Hồ đại
nhân, đại trí, đại dũng, đã được cả thế giới khẳng định giá trị nội dung bất hủ
và hình thức nghệ thuật điêu luyện. Kiệt tác đã được dịch ra 25 thứ tiếng trên
thế giới!
Phủ nhận, hạ thấp, xuyên tạc con người và tư tưởng Hồ Chí
Minh
Hạt nhân tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng đoàn kết: Đoàn
kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công. Đây không
chỉ là tư tưởng thời nay mà còn là chân lý lịch sử tổng kết hơn bốn nghìn năm
dựng nước và giữ nước, sẽ mãi là nguồn sáng cho mai sau. Vì lẽ đó, nhiều “tác giả”
tập trung công kích nhằm vào tư tưởng này.
Dựa vào cách xưng hô đại từ “Bác”, Vũ Thư Hiên và Bùi Tín thể
hiện “băn khoăn” cho rằng, Hồ Chí Minh xưng là “Bác” khi nói chuyện với dân
chúng, trong đó có cả những cụ già cao tuổi.
Để giải đáp sự “băn khoăn” của hai “tác giả” này cần phải đặt
vấn đề vào hoàn cảnh lịch sử. Một là, cả nước ta gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là
Bác Hồ, tức coi Người như là một thành viên trong mỗi gia đình người Việt. Đó
cũng là ý nguyện, là tâm nguyện của Người. Thế nên Hồ Chí Minh xưng
"Bác" nhưng chủ yếu là xưng hô với các cháu thanh thiếu niên. Còn với
các cụ tuổi cao, có lần Bác gọi “cụ” xưng “cháu”, còn thường là gọi “các cụ”
xưng “tôi”, không như sự xuyên tạc của hai “tác giả” Vũ Thư Hiên và Bùi
Tín.
Bùi Tín cũng từng đặt vấn đề đúng hay sai về việc Hồ Chí Minh
truyền bá mạnh mẽ Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ nghĩa Stalin và Chủ nghĩa Mao ở Việt
Nam…
Tuy chỉ là đưa ra những câu hỏi tưởng chừng khách quan nhưng
cũng rõ cái ẩn ý thâm độc: Sự thật (Hồ Chí Minh truyền bá Chủ nghĩa Mác là chân
lý lịch sử, là quy luật tất yếu) đã hiển nhiên nhưng lại tạo ra tình huống có
vấn đề mới để lái sự tranh luận vào chỗ lẽ ra không đáng có mà thành có. Thứ
nhất, các thế lực phản động, thù địch tập trung xuyên tạc, hạ bệ thần tượng Hồ
Chí Minh là cách để hạ thấp vai trò lịch sử của Bác trong việc truyền bá chủ
nghĩa yêu nước về Việt Nam, từ đó xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
nước ta là sai lầm. Thứ hai, xuyên tạc về tiểu sử, đời tư là một cách “bôi đen”
thần tượng để tạo ra những cái nhìn lệch lạc dẫn tới dần xóa bỏ thần tượng
trong nhận thức của một bộ phận nhân dân. Thứ ba, các thế lực phản động rất có
ý thức Bác Hồ là sự kết tinh hài hòa những giá trị văn hóa truyền thống và văn
hóa của nền cách mạng mới nên chúng ra sức “xây dựng” một mô hình Hồ Chí Minh
khác. Thứ tư, càng thấy nhiệm vụ xây dựng, đào tạo, giáo dục đội ngũ văn nghệ
sĩ cách mạng là cực kỳ quan trọng. Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh về
văn học, nghệ thuật và cũng rất đúng với bản chất nghệ thuật, việc giáo dục lý
tưởng cho văn nghệ sĩ nên tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm: Tình yêu văn hóa
truyền thống; niềm quý trọng nhân dân; niềm tin vào Đảng, cách mạng và tiền đồ
tươi sáng của dân tộc. Từ vấn đề thứ nhất cho thấy, cần đưa văn hóa truyền
thống vào chương trình giảng dạy bắt buộc ở tất cả các trường văn hóa, nghệ
thuật. Vì theo lẽ tự nhiên, có thấu hiểu mới thấu cảm, mới yêu và say mê. Với
vấn đề thứ hai thì biện pháp tốt nhất là tăng cường đưa văn nghệ sĩ (đi thực
tế) về với nhân dân, sống đời sống của nhân dân. Có gần gũi mới hiểu để yêu
thương, quý trọng. Vấn đề thứ ba là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính
quyền. Mỗi cán bộ lãnh đạo phải là tấm gương soi trong sáng nhất. Mỗi nghị
quyết, chỉ thị của Đảng được thực thi một cách triệt để, kiên quyết sẽ là sự
thuyết phục cao nhất với văn nghệ sĩ vốn rất nhạy cảm với chính trị.
Cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ
thuật, báo chí về Bác Hồ cần thực hiện một cách rộng rãi, quy mô, thường xuyên,
liên tục. Vì Bác Hồ là một hiện tượng văn hóa mang tầm nhân loại, với tầm vóc
tư tưởng và nghệ thuật lớn lao để sáng tạo đến không cùng!
Cây xanh văn nghệ sĩ hôm nay phải cắm 3 chùm rễ sâu vào 3 mảnh
đất: Văn hoá dân tộc/nhân dân; văn hóa Đảng/cách mạng; văn hóa nhân loại/nhân
văn và vươn cao cành lá lên bầu trời thời đại quang hợp ánh sáng tư tưởng của
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để kết trái nghệ thuật phục vụ nhân
dân.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ
(*) Viện Văn học (1993). Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù.
Nxb Giáo dục, tr. 620, 621.
Các thế lực thù địch đã và đang thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” bằng cách tập trung xuyên tạc, phủ nhận hình tượng Hồ Chí Minh, từ đó phá hoại mối đoàn kết ruột thịt giữa Đảng và nhân dân, gây ra sự đổ vỡ niềm tin của người dân vào lãnh tụ, vào Đảng và cách mạng. Chúng ta phải hết sức cảnh giác.
Trả lờiXóaThật đáng xấu hổ với những con người chuyên nói xấu đất nước mà chưa một ngày đóng góp công sức cho đất nước.
Trả lờiXóaVừa qua, có rất nhiều bài viết của bọn phản động đăng trên MXH; các bài viết trên đều có nội dung xuyên tạc, sai trái, gây mất đoàn kết dân tộc, nhằm hạ thấp uy tín của các vị lãnh tụ, của Đảng. Chúng ta cần đấu tranh chống lại các luận điệu của chúng.
Trả lờiXóaMỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của bọn phản động và các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.
Trả lờiXóa