Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO VĂN HÓA CHÍNH TRỊ HỒ CHÍ MINH


Bảo Ngọc
Nhìn chung, trình độ văn hóa chính trị của đại đa số nhân dân ta chưa cao. Hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến quân chủ, gần trăm năm dưới chế độ thực dân, nước ta chưa có truyền thống dân chủ về chính trị. Văn hóa làng xã cũng có ít nhiều yếu tố dân chủ, nhưng còn rất hạn chế, lại có tính khép kín, nên cũng để lại nhiều nhược điểm như: tình trạng phe giáp, phép vua thua lệ làng, bệnh phường hội, bệnh thiển cận, cục bộ, địa phương chủ nghĩa,… Những căn bệnh này đang để lại những di chứng rất khó sửa trong sinh hoạt chính trị hiện nay ở nhiều địa phương và cơ sở.

Đảng cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, có sứ mệnh lãnh đạo toàn dân tộc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội – một xã hội dân chủ, công bằng văn minh, có nền kinh tế văn hóa phát triển cao. Muốn thế, Đảng cần có tầm nhìn văn hóa chính trị cao, thực sự là đảng của đạo đức và văn minh. Vấn đề này trong Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề cập: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh[1] Điều đó không chỉ thể hiện trong lý tưởng, mục tiêu cương lĩnh chính trị của Đảng mà trước hết cần thể hiện một cách cụ thể ở tri thức, ở năng lực hoạt động chính trị, ở đạo đức, phẩm chất của người cán bộ, đảng viên trong hiệu quả thực tế. Một trong những phương thức hiệu quả của việc nâng cao văn hóa chính trị đối với cán bộ đảng viên của Đảng ta đó chính là việc học tập và làm theo văn hóa chính trị Hồ Chí Minh.
Việc học tập và làm theo văn hóa chính trị Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, đó là quá trình định hướng, xác định nội dung và đề xuất các biện pháp thực hiện việc học tập một cách phù hợp, hiệu quả với từng cơ quan đơn vị từng đối tượng cụ thể. Cán bộ, đảng viên của Đảng ta là đội tiền phong chính trị của giai cấp công nhân lại càng có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, cần tập trung vào một số nội dung học tập cụ thể về văn hóa chính trị Hồ Chí Minh đó là:
Thứ nhất, học tập văn hóa chính trị: “dân là gốc, dân là chủ”, chính trị sáng suốt là chính trị “được lòng dân”
Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển tư tưởng chính trị của cha ông và các triết gia phương Tây, trên cơ sở vận dụng lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin để hình thành nên hệ tư tưởng chính trị của mình. Người dẫn V.I. Lênin: “Một trong những phẩm chất cơ bản của người cộng sản là phải luôn tin tưởng vào quần chúng, rằng lòng yêu mến quần chúng một cách sâu sắc phải là tình cảm thúc đẩy mọi hành động, mọi suy nghĩ của người cộng sản”[2]
Trong những câu danh ngôn hay nhất nói về nhân dân, những câu của Hồ Chí Minh là ít ai sánh kịp: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân…Trong xã hội, không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”[3] “Có dân là có tất cả”
Xuất phát từ quan điểm “dân là gốc, dân là chủ”, nên sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, một nỗi lo canh cánh bên lòng Chủ tịch Hồ Chí Minh là lo làm sao giữ được mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân, lo làm sao để không xa dân, không rơi vào thoái hóa, biến chất của một đảng cầm quyền. Chỉ hai tuần sau khi giành được chính quyền , Người đã viết nhiều thư, nhiều bài báo xoay quanh chủ đề “sao cho được lòng dân”, vạch ra những lỗi lầm rất nặng nề, những căn bệnh rất nghiêm trọng của cán bộ ta như: lên mặt quan cách mạng, độc hành, độc đoán, dĩ công dinh tư, dùng phép công để báo thù tư,…Người nhắc nhở: “Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, đặt quyền lợi của dân lên hết thảy, phải có một tinh thần chí công, vô tư”[4]
Tiếp theo, Người xác định: làm cán bộ là suốt đời làm đày tớ dân. “Các Ủy ban nhân dân làng, phủ,… phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi của dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm”[5]. Suốt đời mình, Người chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ quản lý nhà nước, sao cho họ có đủ phẩm chất và năng lực ngang tầm chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng là “người lãnh đạo và người đày tớ thật trung thành của nhân dân”
Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều nguy cớ, thách thức nhưng đáng lo hơn cả là nguy cơ mất lòng dân. Để đề phòng và khắc phục, phải làm sao cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc và triệt để điều Bác Hồ đã dạy: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a,b,c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”[6]
Thứ hai, học tập văn hóa chính trị: lấy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc làm sức mạnh nền tảng
Văn hóa Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng: “một cây làm chẳng nên non”, “chúng chí thành đồng” (ý chí của quần chúng họp lại sẽ vững như thành). Tuy nhiên truyền thống đó không phải là nhất thành bất biến, mà luôn tài tại trong thế tiềm năng, phát huy được hay không còn tùy thuộc vào văn hóa chính trị của lực lượng cầm quyền. Trong lịch sử đã có thời kỳ minh chứng cho điều này. Cũng truyền thống ấy, ở thế kỷ thứ XIII, khi dân ta mới có hơn năm triệu người mà ba lần đánh thắng mấy chục vạn quân Nguyên Mông, nhưng đến giữa thế kỷ XIX lại không thắng nổi mười vạn quân Pháp xâm lược, để phải chịu ách đô hộ hơn 80 năm!
Mặt khác chũng phải thấy rằng: người nông dân trong làng xã ngày xưa vốn có hai mặt: cá nhân và cộng đồng, chung và riêng. Cái chung gắn bó với chế độ ruộng công, lũy tre làng bao bọc ngăn trộm cướp, giặc giã; cái riêng là ngôi nhà, mảnh vườn, phần ruộng được chia,… Điều đó tạo nên tính cách hai mặt của người tiểu nông: vừa vị kỷ, vừa vị tha, vừa đoàn kết, tương trợ, vừa giành giật, tư lợi, kèn cựa, phe giáp, thể hiện ngay trong ca dao: “Trống làng ai đánh thì thùng,/ Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng”. Vì vậy muốn xây dựng khối đoàn kết, tạo ra sức mạnh, người lãnh đạo phải biết tổ chức, mà tổ chức không phải là thế mạnh sẵn có của cư dân nông nghiệp hàng nghìn năm bị kìm hãm trong tình trạng lạc hậu, manh mún, quen khép kín sau lũy tre làng.
Khi viết Tuyên ngôn Đảng cộng sản, Mác – Ăngghen đã đưa ra khẩu hiệu: vô sản toàn thế giới đoàn kết lại! Sau Lênin bổ sung thêm: Đoàn kết với các dân tộc bị áp bức. Nhưng điều đó chưa bao giờ thực hiện được như mong muốn. Chia rẽ, phân biệt vẫn là một vấn đề lớn của phong trào cộng sản quốc tế.
Hồ Chí Minh bước vào con đường đấu tranh cách mạng, nhất là khi về nước, đi vào tổ chức, huấn luyện, đưa quần chúng ra đấu tranh,.., đã đề lên hàng đầu vấn đề tổ chức, lập hội, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi. Người nói: “Việc lớn chưa thành không phải vì đế quốc mạnh… vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”
Suốt đời mình, Hồ Chí Minh chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Dân tộc thống nhất. Cơ sở tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh là tấm lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng của Người: “Hễ là người Việt Nam thì ai cũng có lòng yêu nước, ghét giặc”, vì vậy phải tổ chức, tập hợp mọi tầng lớp, “Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc, là có thể dùng được”[7] “Không được phép bỏ một lực lượng nào sẵn sàng phục vụ quốc gia”[8]
Đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh không phải là một chính sách nhất thời mà là một chiến lược nhất quán, xuyên suốt từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đối với Người, không có ai là “bạn đường” nhất thời, “ai đi với ta trong cách mạng giải phóng dân tộc thì đều có thể đi với ta trong cách mạng xã hội chủ nghĩa”, miễn là ta có chính sách đúng đắn, có phương pháp vận động thuyết phục hiệu quả.
Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, các tổ chức mặt trận sau Mặt trận Việt Minh đã không ngừng được mở rộng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy cao độ, đưa tới những chiến công vẻ vang chưa từng có trong lịch sử dân tộc.
Truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, tin cậy, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau,… là vốn xã hội quý báu, phải qua nhiều đời mới hình thành được. Phát triển văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, sao cho toàn dân chung sức, chung lòng, đồng bào trong nước và kiều bào nước ngoài gắn bó với nhau, không còn phân biệt “bên này, bên kia”, xóa bỏ định kiến, tin cậy hợp tác với nhau, đó là sức mạnh duy nhất để bảo vệ Tổ quốc khi có chiến tranh và phát triển đất nước trong hòa bình. Muốn thế, người chiến thắng phải chủ động chìa bàn tay ra trước, phải có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực, làm nó có hiệu quả trong cuộc sống, đem lại niềm tin cho các bên.
Chính vì vậy, mỗi cán bộ đảng viên cần phải thấy được cái giá trị của việc đoàn kết. Trong mỗi cơ quan, đơn vị phải luôn coi trọng vấn đề đoàn kết thì mọi việc sẽ hanh thông, không còn những hiện tượng kiện cáo, bằng mặt mà không bằng lòng, ngồi chỗ này nói xấu chỗ khác… Tất nhiên đoàn kết, phải trên cơ sở phát huy dân chủ, phải có sự tôn trọng tính cách khác biệt của mỗi người nhưng tìm tiếng nói chung vì cơ quan, đón vị vì công việc của tập thể. Có vậy, đoàn kết mới được phát huy và tạo thành sức mạnh tập thể vững trãi.
Thứ ba, học tập văn hóa chính trị thi hành một nền chính trị liêm khiết, kết hợp chặt chẽ giữa đức trị với pháp trị
Văn hóa chính trị, nói một cách đơn giản là văn hóa của người làm chính trị, văn hóa cầm quyền. Người hoạt động trong bộ máy công quyền, có chức quyền, dễ mắc vào cái gì nhất? Làm quan là một môi trường cạm bẫy, cho nên, một tất yếu như là căn bệnh nghề nghiệp, đó là các bệnh: quan liêu, tham nhũng, độc đoán chuyên quyền.
Từ khi có chính quyền, với dự cảm sáng suốt của một nhà chính trị từng trải, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhắc nhở phải đề phòng các căn bệnh dễ mắc phải trong điều kiện cầm quyền: “Trước đây, Bác và các chú bước vào con đường cách mạng, ai cũng sẵn sàng nhận lấy hai cái này: một là ngồi tù, hai là lên máy chém. Ngoài cái được lớn là độc lập tự do cho nhân dân, Tổ quốc, không ai nghĩ đến sẽ giành phần danh lợi cho cá nhân mình. Bây giờ ta đã có chính quyền rồi, hoàn cảnh đã khác trước”[9]
Khác ở chỗ nào? Khi đã trở thành Đảng cầm quyền, nắm trong tay bao tài sản chìm, nổi của đất nước, bao nguồn sinh lợi của nhân dân, tức cũng là đang đứng trước bao cám dỗ hiểm nguy, có thể sa bẫy, gục ngã bất cứ lúc nào nếu anh không giữ được tám chữ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Ở thời điểm hiện nay, trước thủ thách của cơ chế thị trường, chữ “Liêm” đang nỗi lên như là một chuẩn mực đạo đức hàng đầu, bởi nếu quan chức không giữ được chữ Liêm, đã mắc vào tham ô, ăn cắp, nhận hối lộ,… thử hỏi các chuẩn mực khác còn có ý nghĩa gì? Khi đã chà đạp lên chữ Liêm thì khẩu hiệu “Trung với nước, hiếu với dân, suốt đời hy sinh vì Tổ quốc, vì lý tưởng cộng sản” chỉ còn là điều giả dối, đúng hơn, đã là sự phản bội!
Mỗi người giữ được chữ Liêm đã khó, tạo lập một nền chính trị liêm khiết, còn khó hơn rất nhiều. Ý thức sâu sắc điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm xây dựng thành công một nền chính trị liêm khiết, coi đó là đạo nghĩa của Chính phủ với dân chúng. Từ năm 1946, Người đã viết: “Chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết… Có như thế, dân chúng mới đoàn kết chung quanh Chính phủ, mới vì quyền lợi thiết thân của mình mà hy sinh sống chết giết giặc. Có như thế, dân chúng không sợ hãi gì hết, mà cố sức quyết chiến, quyết thắng”[10]
Lý lẽ thật đơn giản: nếu Chính phủ và bộ máy công quyền đều tham nhũng thì nhân dân chiến đấu bảo vệ ai?
Hồ Chí Minh suốt đời kiên trì giáo dục đạo đức thanh liêm cho cán bộ, đảng viên. Ngay từ trang đầu cuốn Đường kách mệnh, nói về “tư cách của người cách mệnh”, Người đã nhắc nhở phải “ít lòng tham muốn về vật chất”, phải “Xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc vì chúng là cội nguồn sinh ra đố kỵ và hận thù mà là nguyên nhân của những hành động chỉ điểm, phản bội, làm tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng”[11]. Hồ Chí Minh rất ca ngợi tấm gương đạo đức cần kiệm, giản dị của Lênin, đồng thời cũng suốt đời nghiêm cẩn rèn luyện và nêu gương về đạo đức  cho toàn Đảng, toàn dân.
Thứ tư, học tập văn hóa chính trị: tôn trọng hiền tài, tin dùng tri thức
Hồ Chí Minh đã kế tục tư tưởng và cách làm của cha ông: luôn đánh giá cao trí thức, tôn trọng và tin dùng trí thức, có chính sách đãi ngộ cao, đối xử ân cần với tri thức, nhờ đó đã quy tụ được hầu hết tri thức có tài năng, danh vọng đi với cách mạng và kháng chiến, tận tâm, tận lực đem trí tuệ, tài năng cống hiến cho dân, cho nước. Ai đã đến với Hồ Chí Minh thì không bao giờ ròi bỏ Người cả.
Với tầm nhìn sáng suốt của mình, Hồ Chí Minh thấy rõ vai trò quan trọng, không thể thiếu của trí thức trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Người nói: “Cách mạng rất cần có trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức”. “Trí thức không bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi”[12]
Cách mạng Tháng Tám thành công, công việc nội trị, ngoại giao bề bộn, cần đến rất nhiều nhân tài kiến quốc, những người am hiểu luật pháp, thông thạo hành chính, có khả năng quản lý đất nước. Không có trí thức tham gia, lấy ai làm việc? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán những đầu óc hẹp hòi, thiển cận, biệt phái: “Không biết đem người có danh vọng, có tài cán ở địa phương vào giúp việc”. Trong vòng một năm, Người đã hai lần đăng báo “tìm người tài đức”. Có thể nói, trên thế giới, chưa có một cuộc cách mạng nào do Đảng cộng sản lãnh đạo lại trọng dụng người nhiều người đã từng phục vụ chế độ cũ như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trọng dụng nhân tài không phải vì thiếu và cần, mà do có niềm tin vào lòng yêu nước và cái tâm hướng về cách mạng của trí thức. Đã giao việc là tin: Dùng Bảo Đại làm cố vấn tối cao, khẩn khoản mời cụ Huỳnh - một chiến sĩ có danh vọng nhưng vốn không ưa cộng sản - giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, mời ông Phan Anh – bộ trưởng cũ trong chính phủ Trần Trọng Kim (do Nhật dựng lên) làm Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng!
Đánh giá cao, tin cậy đi liền với sự quan tâm chu đáo, ân cần động viên lúc khó khăn, thăm hỏi khi ốm đau, nhiều khi gửi quà tặng, vật dù nhỏ nhưng tình lại rất sâu. Sở dĩ trí thức Việt Nam thế hệ Cách mạng Tháng Tám suốt đời đi với cách mạng, trung thành đến cùng với cụ Hồ là vì họ cảm thấy mình thực sự được đánh giá cao, tin cậy, trọng dụng, được đối xử ân tình, do đó đã cống hiến hết mình cho cách mạng, cho đất nước.
Để dùng được trí thức, nhất là trí thức là những Việt kiều và trí thức được đào tạo bài bản dưới chế độ cũ, chúng ta cần trở lại với bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh: có tầm nhìn rộng rãi, có tấm lòng khoan dung, nhân ái, có cách ứng xử vừa tin cậy, vừa yêu thương. Tất cả đều trên nền tảng: vì lợi ích của Tổ quốc và hành phúc của nhân dân.
Thứ năm, học tập văn hóa chính trị suốt đời phấn đấu trở thành nhà chính trị sáng suốt, người công bộc tận tụy của nhân dân
Hồ Chí Minh chẳng những để lại một sự nghiệp chính trị vẻ vang mà còn để lại một tấm gương sáng ngời về những phẩm chất và năng lực một nhà chính trị, một nhà cách mạng tượng trưng cho những gì cao quý, đẹp đẽ nhất về trí tuệ, tâm hồn, ý chí, nhân cách của dân tộc và của loài người. Ở Hồ Chí Minh đã hội tụ phẩm chất và năng lực hiếm có của một kiểu lãnh tụ của nhân dân: Có lý tưởng mãnh liệt, có ý chí kiên cường, có trí tuệ và tầm nhìn chiến lược, có khả năng lôi cuốn, hấp dẫn quần chúng đi theo mình để thực hiện lý tưởng.
Trước hết là tình cảm yêu nước, thương dân. Hồ Chí Minh từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”[13]. Chính ham muốn mãnh liệt ấy đã tạo cho Người một nghị lực phi thường để: “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”
Hồ Chí Minh là hình mẫu lý tưởng về người lãnh tụ chân chính của nhân dân, là hình ảnh tuyệt đẹp về mối liên hệ giữa lãnh tụ với quần chúng hết lòng thương yêu, quý trọng nhân dân, coi dân là chủ, dân là gốc của nước. Dù thế nước có lâm vào tình cảnh khó khăn nhất, Người vẫn luôn tin tưởng vào sức mạnh vô địch của nhân dân. Người giáo dục cán bộ phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, “nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[14]
Dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn đều đặn đi xuống cơ sở, tìm hiểu, lắng nghe ý kiên của nhân dân, của “những người không quan trọng”. Mặc dầu có sức hấp dẫn rất lớn, uy tín rất cao nhưng Người chỉ tâm niệm suốt đời làm người công bộc trung thành và tận tụy của nhân dân, “như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra mặt trận”
Hồ CHí Minh là một lãnh tụ chính trị có sức hấp dẫn, sức cảm hóa kỳ lạ, không phải chỉ với nhân dân mà với cả bạn bè quốc tế. Sinh thời Người, các cháu thiếu nhi mỗi khí được gặp Bác Hồ cứ như những thỏi sắt bị thu hút bởi những một lực nam châm cực mạnh, ùa đến Bác như một đàn chim non, quây quần, ríu rít. Mỗi lần có minh tinh hay đi đón khách quốc tế, nhân dân ta đều vui vẻ, tự nguyện tham gia, nhưng cái nhìn vẫn là do muốn có dịp được nhìn thấy Bác, được nghe Bác nói, được thưởng thức những câu nói hóm hỉnh của Người, để cùng được vui cười với Bác.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, tr.68.
[2] Hồ Chí Minh: Về Lênin và Cách mạng Tháng Mười, Nxb. Chính trị quốc gia – ST, Hà Nội.2002, tr.161.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002,  tr.276.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002,  tr.48.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002,  tr.22.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002,  tr.555.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, tr.39.
[8] . Báo Cứu Quốc, số ra ngày 11-9-1945.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.555.
[10] Hồ CHí Minh: Toàn tập, t.4 Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.227-228.
[11] Hồ CHí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.450.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t7, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002 tr33, 36.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002 tr.240.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4 Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tr.56.

4 nhận xét:

  1. Việc học tập và làm theo văn hóa chính trị Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng; đó là quá trình định hướng, xác định nội dung và đề xuất các biện pháp thực hiện việc học tập một cách phù hợp, mang lại hiệu quả với từng cơ quan đơn vị từng đối tượng cụ thể.

    Trả lờiXóa
  2. Đảng ta có quan điểm “dân là gốc, dân là chủ”; nên sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, một nỗi lo canh cánh bên lòng Chủ tịch Hồ Chí Minh là lo làm sao giữ được mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân, lo làm sao để không xa dân, không rơi vào thoái hóa, biến chất của một đảng cầm quyền.

    Trả lờiXóa
  3. Hồ Chí Minh không những để lại một sự nghiệp chính trị vẻ vang mà còn để lại một tấm gương sáng ngời về những phẩm chất và năng lực một nhà chính trị, một nhà cách mạng tượng trưng cho những gì cao quý, đẹp đẽ nhất về trí tuệ, tâm hồn, ý chí, nhân cách của dân tộc và của loài người. Ở Hồ Chí Minh đã hội tụ phẩm chất và năng lực hiếm có của một kiểu lãnh tụ của nhân dân.

    Trả lờiXóa