Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Lòng yêu nước không đặt đúng chỗ sẽ biến thành “công cụ” của kẻ xấu


Lòng yêu nước quật cường của các thế hệ người Việt Nam luôn được phát huy cao độ trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, góp phần làm rạng ngời non sông gấm vóc của một dân tộc anh hùng. Thế nhưng rất tiếc hiện nay, một bộ phận nhân dân đã và đang bị các thế lực xấu lợi dụng lòng yêu nước để thực hiện mưu đồ phản quốc, hại dân. Vì thế, cần tỉnh táo không để lòng yêu nước bị kẻ xấu lợi dụng.
 1. Diễn biến vụ biểu tình phản đối Luật An ninh mạng, Dự Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Dự Luật Đặc khu)
Liên tục trong các ngày 9, 10, 11-6-2018, do bị kẻ xấu xúi giục, kích động, lôi kéo, hàng ngàn người dân ở các địa phương: Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Bình Thuận,… đã xuống đường biểu tình phản đối Dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Họ đã triệt để lợi dụng những đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, những người đã từng có tiền án, tiền sự,… làm nòng cốt để vận động, lôi kéo, kích động người dân tham gia tụ tập trái phép, biểu tình, gây rối an ninh trật tự. Họ tìm đủ mọi cách để cuốn hút những người hiếu kỳ, do thiếu thông tin, nhận thức chưa đầy đủ, người bị ảnh hưởng “tâm lý đám đông” để tham gia biểu tình, gây rối. Hơn thế nữa, họ còn sử dụng chiêu bài giả danh lực lượng vũ trang trà trộn vào đám đông tuần hành, biểu tình nhằm đánh lừa dư luận; kích động người dân thực hiện các hành vi quá khích chống đối chính quyền (vụ việc xảy ra ở Bình Thuận là một điển hình). Các vụ biểu tình đó đã gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, của công dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại nhiều địa phương. Sau khi các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp ngăn chặn biểu tình, giải tán người dân tham gia; bắt giữ, điều tra, xử lý các đối tượng cầm đầu, chủ mưu, có hành vi vi phạm pháp luật, các thế lực thù địch lại “tát nước theo mưa” xuyên tạc rằng, việc xử lý những đối tượng này là “đàn áp dã man” những người “biểu tình yêu nước”, kêu gọi Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế can thiệp. Đặc biệt, họ đã bịa đặt ra những căn cứ phiến diện, kêu gọi Nhà nước ta phải trưng cầu ý dân để thông qua Dự Luật Đặc khu. Thêm vào đó, các tổ chức phản động lưu vong triệt để lợi dụng tính ưu việt của mạng internet ráo riết đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc trên các trang mạng xã hội; tài trợ, kích động người Việt ở nước ngoài ủng hộ làn sóng biểu tình trong nước.
2. Âm mưu lợi dụng lòng yêu nước để thực hiện mưu đồ xấu
Hiện nay, nước ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó dự báo. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước còn tồn tại những khó khăn, thách thức nhất định. Trong khi đó, các thế lực thù địch đã và đang ráo riết thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình” phá hoại mọi thành quả mà nhân dân ta đã hy sinh bao xương máu mới giành được. Họ triệt để lợi dụng các sự kiện phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội, “đụng chạm” tới lòng yêu nước của nhân dân để lừa bịp, lôi kéo, kích động người dân biểu tình, chống đối chính quyền, làm phương hại đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của nhân dân. Điển hình như: việc Trung Quốc hạ giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam năm 2014; việc Công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường ở vùng biển miền Trung hay việc Quốc hội khóa XIV thông qua Luật An ninh mạng và đang cho ý kiến về Dự Luật Đặc khu, v.v. Để đạt được mục đích đó, họ ra sức tuyên truyền, kêu gọi người dân phải tham gia biểu tình, gây rối mới “thể hiện lòng yêu nước”, thể hiện “trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc”; biểu tình là để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, v.v. Với luận điệu xuyên tạc rằng: Điều 32 của Dự Luật Đặc khu là “điều khoản dành cho Trung Quốc”, “cho Trung Quốc thuê đất 99 năm để làm khu tự trị”, “Luật Đặc khu là luật bán nước”, Luật An ninh mạng xâm phạm quyền riêng tư, cản trở tự do, dân chủ của người dân,… kết hợp với cắt, ghép hình ảnh, tài liệu ngụy tạo nhằm “chứng minh luận điệu xuyên tạc”. Điều đó, đã tác động tiêu cực đến nhận thức của nhân dân, làm cho một số người dân hiểu lầm đi đến quy kết cho Đảng, Quốc hội nước ta “bán nước”, để rồi tham gia biểu tình, gây rối. Điều đáng buồn là, nhiều người dân tin, nghe theo những luận điệu xuyên tạc của chúng để có những hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường đầu tư,… ở một số địa phương. Đó chính là “nhân danh” lòng yêu nước để thực hiện mưu đồ xấu.
Cần nhấn mạnh rằng, việc xây dựng Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu là chủ trương đúng đắn, thiết thực, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 17-6-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Việc xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã có chủ trương từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đây là một phương thức tổ chức nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thí điểm các cơ chế mới để mở rộng làm kinh tế tốt hơn, nhưng là vấn đề khó, mới và nhạy cảm, hệ trọng nên Đảng, Nhà nước rất thận trọng”. Xây dựng Luật Đặc khu là để tạo ra khung thể chế thúc đẩy sự phát triển đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Sau khi có ý kiến đóng góp, Quốc hội đã thống nhất lùi việc thông qua Dự Luật này để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Việc đó cho thấy, Quốc hội có thái độ trọng thị, lắng nghe ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; cân nhắc để hài hòa giữa phát triển kinh tế, an ninh quốc gia và bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc.
Còn việc ban hành Luật An ninh mạng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và an toàn cho người dân trên không gian mạng; phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hiện nay, đã có hàng chục quốc gia trên thế giới ban hành đạo Luật này. Trước khi trình Quốc hội, các dự luật này được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, được thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013 và luật pháp quốc tế quy định trên lĩnh vực này. Các cơ quan chức năng cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tiếp xúc cử tri trên toàn quốc để lấy ý kiến rộng rãi quần chúng nhân dân.
Việc người dân thể hiện lòng yêu nước, sự quan tâm đến đại sự quốc gia là điều đáng trân trọng. Nhưng cần thể hiện lòng yêu nước đúng chỗ, đúng thời điểm trên cơ sở pháp luật; biết tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội; biết kết hợp hài hòa lòng yêu nước với hành động thiết thực vì lợi ích của đất nước, của bản thân, gia đình. Người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo tiếp nhận và lắng nghe thông tin, biết cảnh giác, tự bảo vệ mình không nghe theo những luận điệu lừa mỵ, xuyên tạc của kẻ xấu; không để lòng yêu nước của mình bị lợi dụng vào mục đích đen tối. Đối với những chính sách, chủ trương hệ trọng của đất nước, người dân cần thông qua các cơ quan và đại biểu dân cử các cấp góp ý kiến hoặc gửi kiến nghị đến các tổ chức, đoàn thể xã hội. Việc thể hiện lòng yêu nước bằng cách gây rối an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các công dân khác là vi phạm pháp luật và là “phản yêu nước”. 
3. Một số giải pháp, kiến nghị
Đất nước ta đang trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực xã hội. Hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước luôn mong muốn nhân dân ta cả trong và ngoài nước cùng đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, biến lòng yêu nước thành hành động thiết thực, cụ thể đóng góp xây dựng và phát triển đất nước; tự giác tham gia phòng, chống âm mưu, hoạt động lợi dụng tự do, dân chủ, quyền công dân để chống phá nước ta. Để đạt được mục tiêu đó, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, chủ động nắm tình hình, dự báo kịp thời âm mưu, hoạt động lợi dụng các sự kiện chính trị, vụ việc nhạy cảm xảy ra trong nước chống phá nước ta để triển khai biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, “điểm nóng” ngay từ cơ sở, không để kéo dài, lây lan, vượt cấp; ngăn chặn, dập tắt ngay từ đầu những mầm mống gây biểu tình, bạo loạn. Thực hiện công tác dân vận theo phương châm “Gần dân, trọng dân, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề, sự kiện mà người dân đang quan tâm, giải đáp kịp thời thắc mắc, bức xúc của người dân trên cơ sở pháp luật. 
Hai là, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, âm mưu, hoạt động lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền để phá hoại an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; kiên trì vận động nhân dân chấp hành tốt pháp luật, không nghe theo lời kẻ xấu, không tham gia biểu tình, tụ tập, gây rối. Làm cho người dân nhận thức được rằng, lòng yêu nước chân chính chỉ thực sự phát huy tác dụng khi mỗi người dân chấp hành đúng pháp luật, không nghe theo kẻ xấu, không bị kẻ địch lợi dụng, mua chuộc làm phương hại đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo kết hợp với thực hiện công bằng xã hội, nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, nhằm góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích của người dân trên cơ sở pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường quốc phòng, an ninh bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi. 
Bốn là, việc xây dựng các chủ trương, chính sách lớn, nhạy cảm có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân phải đúng, khoa học và nhất quán; thực hiện tốt việc tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, biết lắng nghe, tiếp thu những phản biện của người dân. Đối với các dự án luật trình Quốc hội xem xét thảo luận, các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự luật tới các tầng lớp nhân dân, nhằm phòng ngừa tình trạng thông tin bị suy diễn, kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc.
Năm là, triển khai phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hoạt động lôi kéo, thu hút người dân tham gia biểu tình, gây rối; vạch mặt âm mưu, ý đồ những kẻ kích động, lôi kéo người dân biểu tình để nhân dân biết, phòng ngừa. Phát huy vai trò, năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những bức xúc trong dân; xây dựng chính quyền trong sạch, tích cực phòng, chống quan liêu, xa dân, tham nhũng, lãng phí. Khi nảy sinh tình huống tụ tập đông người phải kịp thời vận động người dân giải tán; kiên quyết xử lý nghiêm trước pháp luật số đối tượng kích động, lôi kéo người dân tham gia tụ tập, biểu tình. Cấp ủy, chính quyền các địa phương thường xuyên tập dượt, thực hiện phương án chống biểu tình, bạo loạn; chủ động xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân, trong đó lấy “thế trận lòng dân” làm nền tảng; vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào Thi đua yêu nước ở địa phương.
Từ niềm tự hào về truyền thống yêu nước quật cường đã được rèn luyện qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc ta, mỗi người dân Việt Nam yêu nước hãy ra sức giữ gìn và phát huy chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng mà ông cha ta đã truyền lại, biến nó trở thành sức mạnh to lớn phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nếu lòng yêu nước không đặt đúng chỗ, tất yếu sẽ tự biến mình thành “công cụ” của những kẻ xấu.
ĐỨC QUỲNH

1 nhận xét:

  1. Mỗi người dân Việt Nam hãy tỉnh táo, cảnh giác, thể hiện lòng yêu nước đúng cách, không để bất cứ kẻ nào lợi dụng để chống phá đất nước

    Trả lờiXóa