Phạm Trung
Mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ta ra đời đến nay giúp mỗi người dân Việt Nam kiểm nghiệm và rút ra kết luận về sự đúng đắn, sáng tạo của mục tiêu, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930, Đảng ta đã xác định mục tiêu, đích đến của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[1]. Nhờ xác định đúng mục tiêu, đích đến, Đảng ta đã tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đại hội lần thứ II của Đảng (1951) khẳng định, đặc điểm của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là: “làm tròn nhiệm vụ dân chủ tư sản và tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa”[2]. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp (1946 - 1954) đã giành được thắng lợi. Miền Bắc từng bước khôi phục, cải tạo kinh tế, xã hội, văn hóa và đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng để thống nhất đất nước.
Đại hội Đảng lần thứ III (1960) đã xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là: “Đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh phong trào cách mạng ở miền Nam”[3] thực hiện thống nhất đất nước. Mục tiêu này là động lực to lớn để nhân dân ta vượt qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, ngụy, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn được giữ vững và thấm nhuần trong tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân Việt Nam. Đại hội lần thứ VII (1991) của Đảng đã rút ra bài học đầu tiên là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt trong quá trình cách mạng nước ta”[4]. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[5]. Thông qua tổng kết thực tiễn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”[6].
Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đề ra quan điểm chỉ đạo: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[7].
Tóm lại, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt cách mạng Việt nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dù trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách nào, Đảng ta vẫn luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu này luôn là ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cần phải cảnh giác với sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Chánh cương vắn tắt của Đảng, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H.2002, tr.2.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t.12, tr.82.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.21, tr.635.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2015, t.59, tr.147.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr.70.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội 2016, tr.66.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr.109.
bài viết rất thực tế
Trả lờiXóa