HẢI LINH
Như chúng ta đã biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với một số công nghệ nền tảng như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud computing), dữ liệu lớn (big data) … đã tạo ra rất nhiều thuận lợi cho các thế lực thù địch, phản cách mạng trong các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta những năm gần đây. Nhằm thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta, các thế lực thù địch đã, đang và sẽ không ngừng gia tăng, đồng thời điều chỉnh thủ đoạn, hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam.
Chúng cho rằng, vấn đề cốt yếu nhất là phải xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên mặt trận tư tưởng – lý luận, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch được tiến hành bằng các thủ đoạn, biện pháp ngày càng công khai, trực diện, trong đó chúng hướng mũi nhọn chống phá vào việc xuyên tạc, bôi nhọ, công kích chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, các thế lực thù địch ra sức cổ súy, xây dựng hệ thống lý luận khác, có khả năng triệt tiêu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hòng lấy đó làm nền tảng tư tưởng cho việc xây dựng một xã hội mới, theo ý đồ của chúng.
Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các thế lực thù địch đã dùng nhiều hình thức, biện pháp, huy động tối đa các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo trắng trợn tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo và vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Chúng đưa ra yêu sách đòi mở rộng dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do lập hội để tập hợp lực lượng, kích động gây bạo loạn, dẫn đến mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt, chúng luôn tìm mọi cách hướng lái truyền thông nhằm tác động vào quá trình xây dựng hệ thống pháp luật, nhất là thời điểm sửa đổi các văn bản pháp luật về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hoặc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng,… để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước; kích động, lôi kéo, chia rẽ nội bộ, nhằm gây áp lực với Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, lợi dụng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thế lực thù địch sẵn sàng mạnh tay đầu tư tài chính cho quảng cáo, đầu tư, tài trợ các chương trình nhằm tác động, dẫn dắt giới truyền thông hoạt động theo ý đồ của chúng, đưa truyền thông tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của Nhà nước Việt Nam. Lợi dụng các trang mạng xã hội, Facebook, blogger , Telegram, Twitter và một số báo, đài phương Tây, hệ thống phương tiện truyền thông của lực lượng phản động người Việt lưu vong,… để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, kêu gọi dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí và cạnh tranh trên lĩnh vực truyền thông, gây nhiễu loạn tư tưởng, mất phương hướng trong đời sống xã hội.
Là những người có thể tiếp cận và có nhu cầu sử dụng thông tin thông qua các phương tiện truyền thông, nhất là Internet, mỗi chúng ta cần không ngừng nâng cao cảnh giác để không bị rơi vào bẫy thông tin. Với vai trò tiền phong, gương mẫu, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự nghiên cứu, học tập, trau rèn nhận thức, bản lĩnh chính trị, nâng cao “sức đề kháng” trước những tư tưởng sai trái, lệch lạc, không để mình bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ đó, có“kỹ năng”nhận diện và bóc trần những âm mưu, thủ đoạn chống phá, quan điểm sai trái, thù địch. Tích cực tham gia xây dựng phong trào quần chúng nhân dân đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng chống phá, đẩy lùi những thông tin xấu độc, tích cực tuyên truyền lan tỏa những thông tin chính thống, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, gương người tốt, việc tốt, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng “thế trận lòng dân”, khiến các thế lực thù địch dần dần không còn "đất" để xuyên tạc, chống phá./.
bài viết rất hay
Trả lờiXóa