QĐND-Cái gọi là “thư ngỏ” của một vài tổ chức nhân danh quốc tế về nhân quyền gửi tới các quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) nhằm vận động không bỏ phiếu cho Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 thật thiếu cơ sở.
Ngoài việc thường xuyên “đâm bị thóc, chọc bị gạo” vấn đề nhân quyền của các quốc gia mà họ thù địch, thì vài tổ chức nhân danh quốc tế về nhân quyền này đã làm được gì để quyền con người trên thế giới tốt đẹp hơn? Thật lố bịch khi họ lại tự cho mình có quyền phán xét, mặc cả, ra điều kiện về nhân quyền đối với các quốc gia có chủ quyền như Việt Nam.
Một bản kiến nghị “tổ ong”
Tổ ong có hình thức thủng lỗ chỗ. Thư ngỏ của một số tổ chức này giống như một tổ ong. Nó chỉ có phần lõm mà không có phần lồi. Thôi thì vẫn còn một chút niềm tin vớt vát rằng, nhiều khả năng nguồn thông tin mà các tổ chức nhân danh nhân quyền này tiếp nhận được về Việt Nam thông qua một lăng kính méo mó.
Vì họ không được mắt thấy, tai nghe, tiếp nhận thông tin sai lệch nên họ mới đưa ra kiến nghị rằng “Việt Nam là một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và triền miên, không tuân thủ các cam kết, có thành tích hợp tác kém với Hội đồng Nhân quyền (HRC)”.
Họ tiếp tục chụp mũ: Tình hình nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam như đàn áp các tổ chức phi chính phủ, các nhà báo độc lập, các nhóm tôn giáo, những người bảo vệ môi trường và đất đai, những người ủng hộ nhân quyền...
Trong khi đó, báo cáo của họ lại phớt lờ, không đề cập đến những thành tựu với sự nỗ lực không mệt mỏi mà Việt Nam đã đạt được khi phấn đấu cho quyền con người. Những thành tựu ấy không chỉ được “tai nghe, mắt thấy” ở Việt Nam, mà còn được chính các tổ chức lớn của LHQ báo cáo, đánh giá định kỳ, như Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP); Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay chính Hội đồng Nhân quyền (HRC)...
Đến đây thì "thư ngỏ" đã “lòi đuôi cáo” khi nó rất không công bằng, cố tình chỉ thấy cây mà không chịu thấy rừng. Không chỉ dịp này, năm nào cũng vậy, họ luôn cùng nhau “tiền hô hậu ủng” để cho ra đời những bản báo cáo về nhân quyền đầy màu sắc chính trị, sai sự thật để chống phá Việt Nam và một số quốc gia mà họ cho là đối lập về hệ tư tưởng.
Ảnh: TTXVN |
Điều đầu tiên cần nói rõ, những tổ chức nhân danh nhân quyền trên không có tư cách để đánh giá, chấm điểm, xếp loại về nhân quyền ở Việt Nam, chứ chưa nói đến việc làm sai trái khi cố tình gửi yêu sách đến LHQ.
Chính lịch sử hàng trăm năm đấu tranh cho sự tiến bộ của loài người, vì quyền con người, các quốc gia trong mái nhà chung LHQ đã thống nhất một quan điểm: “Áp đặt tiêu chuẩn dân chủ, nhân quyền cho một quốc gia là vô lý”. Các nước trên thế giới ở những trình độ phát triển khác nhau, thể chế chính trị khác nhau nên không thể lấy giá trị, tiêu chuẩn về dân chủ, nhân quyền của nước này áp đặt cho nước khác. Các văn kiện pháp lý về quyền con người được LHQ quy định rất rõ ràng.
Không quốc gia nào, kể cả LHQ, có quyền can thiệp vào công việc thực chất thuộc thẩm quyền quốc gia, chứ đừng nói gì đến các tổ chức nhân danh. Mục 7, Điều 2, Chương I, Hiến chương LHQ khẳng định: “Hiến chương này hoàn toàn không cho phép LHQ được can thiệp vào những công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào...”.
Trong môi trường hội nhập, sự trao đổi, hợp tác, đối thoại trên lĩnh vực quốc tế về nhân quyền là rất quan trọng, vì có thể bổ sung thêm cơ chế, kinh nghiệm trong việc bảo đảm quyền con người, tuy nhiên, theo các quy định pháp lý, nó chỉ nhằm bổ sung chứ không thể thay thế các cơ chế về bảo đảm quyền con người đang vận hành tại các quốc gia.
Vậy thì mấy tổ chức nhân danh nhân quyền kia lấy tư cách gì để đòi tước tư cách một quốc gia có chủ quyền như Việt Nam? Họ chẳng có tư cách gì!
Sự thật không như họ nói
Cùng với việc bác bỏ nội dung sai sự thật, không khách quan với định kiến xấu mà một số tổ chức nhân danh nhân quyền quốc tế đã đưa ra về tình hình Việt Nam, ngày 22-9, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, về việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người trong thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Chúng ta hãy kiểm chứng lời của người phát ngôn:
Trước tiên, xin được dẫn đánh giá của bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam qua Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2020: “Với chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Việt Nam đạt được mức phát triển con người cao. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn, nhanh hơn trong giai đoạn tới”.
Từ nhiều năm nay, LHQ luôn lấy Việt Nam là một điểm sáng về phát triển con người, nhất là trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, về công bằng và tiến bộ xã hội. Việt Nam nằm trong số những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất thế giới.
Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành "Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo", về đích trước gần 10 năm so với thời hạn. Cũng theo bà Caitlin Wiesen, quốc tế nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trong vài thập kỷ vừa qua.
Đảng, Nhà nước ta luôn xác định chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”(1).
Chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam là công bằng, hướng tới mọi đối tượng, không chỉ chú trọng phát triển kinh tế ở thành thị, mà luôn dành nguồn lực lớn, sự quan tâm sâu sắc tới xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống người nông dân. Qua từng năm, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển văn hóa, xã hội đều thay đổi nhanh chóng.
Một điểm đặc biệt của Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao, đó là đất nước rất chú trọng đến Chỉ số phát triển con người (HDI), dù kinh tế chưa đạt được như các nước tiên tiến. Báo cáo hằng năm của UNDP cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất thế giới. Nếu năm 1990, HDI của Việt Nam chỉ đạt mức thấp là 0,48 thì đến năm 2021, HDI của Việt Nam được UNDP công bố là 0,703, xếp thứ 115 trong số 191 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với quan tâm phát triển con người, quyền của các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật... có những bước tiến rõ rệt.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua; được LHQ đánh giá là điểm sáng về thực hiện bình đẳng giới trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.
Phát biểu tại phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 46 Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 22-2-2021, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (nay là Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ) khẳng định: "Là một thành viên tích cực của LHQ cũng như cộng đồng quốc tế, Việt Nam khẳng định thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, và luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển quyền con người cả ở trong nước cũng như trên thế giới".
Một quốc gia có trách nhiệm giữa nói và làm
Cũng tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 22-9 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: "Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan".
Quyền con người ở Việt Nam đã được thể hiện toàn diện, đầy đủ trong hiến pháp-đạo luật nền tảng của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp 2013, đã quy định rất rõ các quyền dân sự, chính trị; các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; các quyền của nhóm dễ bị tổn thương. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 đã dành riêng một chương gồm 36 điều chế định và hiến định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Đây là bản hiến pháp được quốc tế đánh giá là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nó phù hợp với thực tiễn Việt Nam và với chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Đơn cử như Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.
Cùng với hiến pháp và các bộ luật, đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Công ước về quyền của người khuyết tật...
Dù là quốc gia phải chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh tàn phá, nhưng đến nay, chúng ta có quyền tự hào, tự tin khi Nhà nước Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật khá toàn diện, trong đó lấy con người làm trung tâm.
Việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là phù hợp với thực tiễn. Việt Nam không những đã có nhiều đóng góp tích cực mà còn có kinh nghiệm khi phấn đấu cho quyền con người.
Trước đó, năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới. Khi đó, những sáng kiến của Việt Nam trong nhiệm kỳ 2014-2016 được quốc tế đánh giá cao, tiêu biểu như việc Việt Nam phối hợp cùng các quốc gia khác đưa ra: Vấn đề về bảo đảm quyền lao động của người khuyết tật; về bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển; Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em; về nâng cao giáo dục trong phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái...
Việc Việt Nam tiếp tục ứng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là hoàn toàn xứng đáng. ASEAN cũng đã chính thức công nhận Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khối. Đó là minh chứng xác đáng cho những thành tựu và nỗ lực không ngừng của Việt Nam cho một cuộc sống tươi đẹp trên hành tinh xanh.
Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 cùng nhiều cam kết, ưu tiên với thông điệp “Tôn trọng và Hiểu biết-Đối thoại và Hợp tác-Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”. Việt Nam cũng đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của hiệp hội cho nhiệm kỳ này. |
NGUYỄN ANH TUẤN
--------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 81
Việt Nam rất quan tâm đến quyền con người
Trả lờiXóa