Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

NỂ NANG, NÉ TRÁNH, THẤY SAI KHÔNG ĐẤU TRANH LÀ MỘT TRONG NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA SỰ SUY THOÁI

 Gió biển

Nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau...” và “đoàn kết xuôi chiều” là một trong những biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ.

Trong thực tiễn hiện nay vẫn còn tồn tại khá nhiều cán bộ, đảng viên có những biểu hiện, như: Độc đoán, gia trưởng, tham gia tệ nạn xã hội, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu nhưng chưa được đồng chí, đồng đội, nhân viên là những người trực tiếp, thường xuyên cùng sống, sinh hoạt, học tập, công tác mạnh dạn góp ý, phê bình. Chính vì không được thẳng thắn góp ý, phê phán kịp thời nên những cán bộ, đảng viên đó không tự nhận thấy khuyết điểm của mình để sửa chữa mà những khuyến điểm đó ngày càng lớn dần và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đau xót hơn là mất cán bộ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng không phê bình, ngại góp ý với đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, nhất là với cấp trên, đó là: Sợ mất lòng, sợ bị trù dập, quy chụp là gây mất đoàn kết; vì cùng có chung lợi ích; hoặc đơn giản là tâm lý “an phận thủ thường”; không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có quan điểm “việc ai nấy làm”, không tham gia vào công việc và cuộc sống của người khác. Sự thờ ơ, vô cảm trước những việc sai trái, biết rõ những sai phạm, khuyết điểm của đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội mà không thẳng thắn góp ý, phê bình.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng với rất nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất, theo Người, trước hết là phải “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Muốn thực hiện được điều này, Người chỉ rõ: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Ðảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc”... Thế nhưng, tình trạng ngại phê bình, “ngại nói thật” trong sinh hoạt chi bộ và cả sinh hoạt cấp ủy, đảng bộ vẫn khá phổ biến. Hầu hết các vụ việc cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống, kỷ luật, pháp luật, nhất là tham nhũng... đều do quần chúng nhân dân, báo chí hoặc cơ quan chức năng cấp trên phát hiện. Trong khi đó, chi bộ, cấp ủy là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện và tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, đảng viên; người cùng chi bộ, cùng cơ quan thường xuyên gần gũi, công tác lại chưa phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải quy trách nhiệm, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những cán bộ, đảng viên cùng sinh hoạt trong cấp ủy, chi bộ mà không phê bình, góp ý, để đồng chí, đồng đội vi phạm pháp luật, kỷ luật, nhất là với những vi phạm nghiêm trọng, kéo dài. Bên cạnh đó, cần ban hành quy định bình xét cán bộ, đảng viên trên từng nội dung, trong đó có tinh thần tự phê bình và phê bình.... Có như vậy mới khắc phục được triệt để tình trạng “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh, thấy sai không đấu tranh.

 

1 nhận xét: