Phương Ngọc
Covid-19 xuất hiện và tồn tại đến nay đã hơn một năm rưỡi và chắc chắn sẽ còn tồn tại trong một khoảng thời gian không ngắn. Sức tàn phá khủng khiếp cả về tính mạng và tài sản do con virut này gây ra đã biến nó trở thành một đại dịch toàn cầu. Không chỉ có thế, Covid-19 còn như “một chất thử liều cao” đối với các thể chế chính trị, các chính phủ trong việc nhìn nhận, đánh giá và xử lý các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội có liên quan mật thiết đến đời sống người dân.
Quả thực, nhìn vào thực
tế những gì đã và đang diễn ra ở các nước đứng đầu thế giới về số người chết và
số ca nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 từ khi dịch bệnh này xuất hiện cho đến nay,
chúng ta thấy được sự khác biệt rất rõ nét về cách thức các chính phủ nhìn nhận
và giải quyết các thách thức do đại dịch Covid gây ra trong rất nhiều mối quan
hệ, như: giữa tăng trưởng kinh tế và sức khỏe nhân dân; giữa lợi ích quốc gia
dân tộc và trách nhiệm quốc tế; giữa nhà nước và thị trường trong cung ứng một
số dịch vụ công thiết yếu; giữa bảo đảm dân chủ và tăng cường kỷ cương, kỷ
luật…
Trong hàng loạt các mối
quan hệ nêu trên, vấn đề bảo đảm dân chủ, tự do với tăng cường kỷ cương, kỷ
luật có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ đại dịch Covid-19
do đặc tính lây nhiễm của nó đòi hỏi một sự giới hạn nhất định trong các hoạt
động của con người, nhất là các hoạt động mang tính cộng đồng và tự do cá nhân
cả về quy mô (rộng hay hẹp, lớn hay nhỏ), tính chất (đơn giản hay phức tạp, thoải
mái hay gò bó) và loại hình (cá nhân, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo…), cùng
với đó là yêu cầu tuân thủ một cách nghiêm túc, vô điều kiện các biện pháp, quy
định do các cơ quan chức năng đưa ra nhằm làm giảm thiểu mức độ lây lan và tổn
thất do dịch bệnh gây ra.
Điều
này cũng có nghĩa, nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ
cương chẳng những không làm mất đi sự tự do trong cuộc sống của mỗi cá nhân,
không tước bỏ những yếu tố thuộc về sở thích, năng lực, sở trường, lại càng
không phải đàn áp tự do, xiềng xích, trói buộc như ai đó cố tình xuyên tạc nhằm
mục đích xấu, mà ngược lại, đặt tự do, dân chủ dưới kỷ cương, lấy kỷ cương để
bảo đảm tự do, dân chủ chính là cách thức xử lý vô cùng khôn khéo và hợp lý.
Chỉ bằng cách đó mới có thể vừa bảo đảm được các quyền dân chủ, tự do lại vừa
tạo ra một không gian cần thiết để bảo đảm ổn định xã hội, phát triển kinh tế,
qua đó ngày càng thực hiện tốt hơn các quyền tự do, dân chủ của công dân trong
thời đại dịch bệnh đang có chiều hướng lan rộng.
Không
giống như Mỹ và các nước phương Tây, cũng không giống cách thức của Trung Quốc
đối phó với cơn khủng hoảng mang tên Covid-19 ở giai đoạn đầu, Việt Nam lại
chọn cho mình một cách thức mềm dẻo và linh hoạt. Trên con đường đó, mục tiêu
đã được xác định rất cụ thể: “vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân
dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường
mới”, phương châm hành động cũng được định sẵn: 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn,
Khoảng cách, Không tụ tập và Khai báo y tế), toàn dân cùng tham gia với tinh
thần “chống dịch như chống giặc”. Các mức độ phòng, chống dịch bệnh cũng được
tiến hành từng bước rất chặt chẽ, từ cách ly y tế đến giãn cách xã hội, phong
tỏa một địa bàn nhỏ đến phong tỏa cả một thành phố… trên cơ sở bảo đảm cao nhất
mức độ an toàn, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, trật tự, an toàn xã hội, đồng
thời duy trì các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân, không để ngưng
trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng cũng không đánh đổi kinh tế bằng
mọi giá trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Chính bởi việc kết
hợp hài hòa và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa bảo đảm các quyền tự do,
dân chủ của người dân với giữ vững kỷ cương, kỷ luật ngay từ những ngày đầu đất
nước có dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng hiếm
hoi trong bức tranh kinh tế u ám thời đại dịch (nằm trong top đầu những nước có
tăng trưởng kinh tế dương năm 2020); ở Việt Nam không có những “thành phố ma”,
không có sự hỗn loạn, lại càng không có những cuộc biểu tình, các ca nhiễm và
nghi nhiễm Covid-19 được phát hiện nhanh chóng và cách ly kịp thời nhất trong
điều kiện có thể.
Hiện nay, trước tình
trạng các ca lây nhiễm trong cộng đồng đang lây lan rộng và mạnh đặc biệt là ở
các tỉnh, thành phố phía Nam, đang gây ra những tác động tiêu cực đến tình hình
kinh tế, văn hóa -xã hội thì sự cương quyết của các cấp ủy, chính quyền trong
việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng chính là
hướng đến mục tiêu bảo đảm quyền lợi của nhân dân ngày càng tốt hơn,và ngược
lại, việc thực hiện các quyền dân chủ của mỗi một người dân theo quy định
phòng, chống dịch bệnh sẽ góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật, trật tự, an toàn
xã hội nói chung. Đây chính là minh chứng cho mối quan hệ tương hỗ giữa bảo đảm
tự do, dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ cương, kỷ luật vì một mục tiêu duy
nhất là hạnh phúc của nhân dân và cũng là biểu hiện sinh động nhất của ý Đảng
quyện lòng Dân. Bất cứ một sự tự do thái quá, vô tổ chức, vô kỷ luật nào đó, dù
là nhỏ nhất trong phòng, chống dịch bệnh lúc này cũng có thể trở thành một thảm
họa!
Cuộc chiến chống dịch bệnh này đã thể hiện rõ nét về sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ tới tính mạng của mọi người dân Việt Nam
Trả lờiXóa