Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới

 Hư vô

Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình tổ chức xây dựng, giáo dục và rèn luyện quân đội ta. Đó là một nguyên lý cơ bản của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang.

Trên cơ sở phân tích những mâu thuẫn của thời đại và khẳng định còn chủ nghĩa đế quốc còn nguy cơ chiến tranh xảy ra, Đảng ta xác định “Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức”[1], xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị càng có ý nghĩa quan trọng, cấp bách hơn bao giờ hết.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng Quân đội nhân dân…, vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống”[2]. Thực chất là xây dựng, tăng cường, củng cố bản chất giai cấp công nhân cho quân đội; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt; xây dựng Đảng bộ quân đội vững mạnh, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, chủ động và có các phương án, đối sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa và kiểm soát tốt các nhân tố bất lợi có thể gây đột biến.

Tuy nhiên, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới hiện nay đang bị chi phối, tác động của cả những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, đó là: tình hình thế giới, khu vực; toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế… Đặc biệt, vấn đề chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, mâu thuẫn lợi ích giữa các quốc gia, dân tộc… trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI; sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xu hướng tác động tiêu cực dễ xuất hiện tư tưởng đề cao vai trò của vũ khí, trang bị, xem nhẹ và hạ thấp nhân tố con người, nhân tố chính trị tinh thần trong xây dựng sức mạnh chiến đấu của quân đội. Giải quyết không biện chứng trong quan hệ giữa con người và vũ khí sẽ dẫn đến nguy cơ chệch hướng chính trị trong xây dựng và hiện đại hóa quân đội hiện nay; nhận thức vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ có lúc, có nơi chưa thật đầy đủ, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại hội XIII, Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”[3]Sức mạnh chiến đấu của quân đội là “véctơ tổng hợp lực” của các yếu tố, trong đó, chính trị - tinh thần là một yếu tố giữ vị trí vô cùng quan trọng và “rốt cuộc” sẽ quyết định sức mạnh chiến đấu của quân đội. Hướng đích là đều nhằm mục đích bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.  Quân đội tiến lên hiện đại thì vấn đề xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị càng phải được đặt ra một cách bức thiết.

Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, trước hết phải nắm chắc những nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng quân đội, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, đồng thời có ý nghĩa quyết định đến sức mạnh chiến đấu của quân đội; Làm tốt công tác giáo dục,  bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đi đôi với chủ động đấu tranh với những biểu hiện chệch hướng xã hội chủ nghĩa; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị; Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị. Chú trọng xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, lãnh đạo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mặt khác, phải thường xuyên giữ vững và củng cố trận địa tư tưởng, làm cho quân đội luôn vững vàng trong mọi tình huống, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện tiêu cực và những quan điểm sai trái, vô hiệu hóa mọi âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, phản động.

Xây dựng quân đội về chính trị là vấn đề có tính quy luật, quyết định sự ra đời tồn vong của mọi loại hình quân đội trong lịch sử. Ngày nào có quân đội, còn quân đội thì còn phải xây dựng quân đội về chính trị. Thực chất nhằm nâng cao chất lượng chính trị của quân đội lên một bước mới về chất, bảo đảm cho quân đội luôn là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân, là công cụ bạo lực chủ yếu giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc./.

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 3.

[2] Sđd, tr. 277.

[3] Sđd, tr. 4-5.

1 nhận xét:

  1. Đại hội XIII, Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”

    Trả lờiXóa