Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
04:33, ngày 04-12-2019
TCCS - Giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội là một trong tám mối quan hệ cơ bản đã được Đảng ta tổng kết, phát triển ở tầm lý luận để chỉ đạo quá trình đổi mới toàn diện đất nước. Tuy vậy, vai trò của yếu tố “xã hội” trong tương quan với “nhà nước” và “thị trường” lâu nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Bài viết này bước đầu nêu lên vai trò của xã hội góp phần bổ sung cho giới hạn của Nhà nước và hạn chế khuyết tật của thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thị trường có khuyết tật là tối đa hóa lợi nhuận, vận hành theo quy luật “mạnh thắng, yếu thua”, loại trừ cơ hội phát triển của các nhóm yếu thế trong xã hội do gặp phải các rào cản của điều kiện tự nhiên, yếu tố sinh học bẩm sinh hoặc rủi ro xã hội. Nhà nước có giới hạn là khó bao phủ chính sách xã hội cho mọi đối tượng dân cư khi gặp điều kiện khan hiếm nguồn lực hoặc bị chi phối bởi “nhóm lợi ích” cũng như tình trạng quan liêu của bộ máy quản lý. Nếu thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, một số doanh nghiệp thường câu kết với một bộ phận công chức nhà nước thoái hóa, biến chất để hình thành “nhóm trục lợi”, vừa làm méo mó các quy luật của kinh tế thị trường, vừa làm biến dạng chính sách công. Vì vậy, cần phát huy vai trò của xã hội nhằm bổ sung cho giới hạn của nhà nước và hạn chế khuyết tật của thị trường, như tham gia cung ứng một số dịch vụ sự nghiệp công do nhà nước ủy quyền; hình thành các cơ chế tham gia giám sát, phản biện xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tiếng nói của các giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội được chuyển tải một cách cân bằng đến các cơ quan hoạch định chính sách, tránh để một “nhóm lợi ích” chi phối thông tin “đầu vào”, gây nên tình trạng bất cân xứng thông tin; tham gia điều tiết quan hệ cung - cầu trên thị trường thông qua các hiệp hội, liên hiệp hội ngành hàng.
Nói tới “xã hội” trong điều kiện cụ thể của Việt Nam bao gồm các chủ thể: Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các hiệp hội ngành, nghề, các tổ chức xã hội đa dạng, các tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp xã hội, các viện nghiên cứu, quỹ... hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Để phát huy vai trò xã hội trong tương quan với nhà nước và thị trường, cần tập trung mấy vấn đề sau đây:
Một là, nâng cao vai trò của hiệp hội các nhà sản xuất và tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường hiện đại.
Bảo đảm tính cân xứng thông tin khi tác động đến tiến trình luật pháp, chính sách thông qua hoàn thiện cơ chế để các hiệp hội ngành, nghề đều có cơ hội ngang bằng nhau khi tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo các chính sách, không để hiệp hội này lấn át tiếng nói của hiệp hội khác. Hoàn thiện hệ thống pháp luật thúc đẩy tính công khai, minh bạch của hoạt động chuyển tải thông tin đến các nhà hoạch định chính sách, phòng ngừa và loại trừ các hành vi vận động hành lang “ngầm”, phi pháp, nhằm giành lợi thế cho “nhóm lợi ích” này để trục lợi, đe dọa đến lợi ích chính đáng của thành viên khác trong xã hội, gây nên bất công xã hội phát sinh từ những chính sách thiên vị, méo mó. Tạo khả năng cân bằng tiếng nói giữa các hiệp hội ngành, nghề còn góp phần giúp cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường được bảo đảm ngay từ khâu chuẩn bị “luật chơi”, phòng ngừa khả năng thiên vị của chính sách khi bị một “nhóm lợi ích” có thế lực chi phối.
Thúc đẩy cân bằng về quyền thông tin, quyền giám sát và phản biện xã hội giữa hiệp hội người tiêu dùng với hiệp hội các nhà sản xuất và phân phối trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Đây là yêu cầu quan trọng nhằm xây dựng thị trường hàng hóa, dịch vụ hiện đại, bởi các nhà sản xuất và phân phối bao giờ cũng muốn thực hiện hành vi độc quyền, nâng giá, quảng bá quá mức cho sản phẩm của mình, còn người tiêu dùng lại có nhu cầu tìm giá cả phải chăng, chất lượng tốt, nhất là những hàng hóa, dịch vụ khó đo lường giá trị thuần túy thông qua giá cả trên thị trường hoặc khó nhận biết bằng các phương pháp thông thường. Trong điều kiện quyền của người tiêu dùng còn bị lép vế so với quyền của người sản xuất và phân phối như hiện nay, phải có cơ chế thúc đẩy, bảo vệ quyền của người tiêu dùng thông qua hiệp hội của mình, bảo đảm kiểm soát các chiêu trò bất chính của những nhà sản xuất và phân phối đi ngược lại các giá trị liêm chính kinh doanh.
Nói tới hiệp hội ngành, nghề là nói tới chức năng liên kết, chia sẻ thông tin về các các yếu tố đầu vào, quá trình sản xuất cũng như phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Liên kết, hợp tác, chia sẻ một cách tự nguyện, tự giác giữa các thành viên hiệp hội làm cho các khâu sản xuất, phân phối, lưu thông, tìm kiếm thị trường mang tính “kế hoạch” theo ngành hàng, giảm thiểu tính tự phát của thị trường. Trong các nền kinh tế thị trường hiện đại, hoạt động liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các thành viên của hiệp hội ngành, nghề góp phần tham gia điều tiết quan hệ cung cầu trên thị trường, khỏa lấp giới hạn của mỗi doanh nghiệp. Tình trạng cung vượt cầu gây nên nhiều cuộc khủng hoảng trong các nền kinh tế thị trường cổ điển phần nào đã được hạn chế trong nền kinh tế thị trường hiện đại nhờ sự liên kết, chia sẻ thông tin, phân công lao động giữa các thành viên của hiệp hội ngành, nghề, nhất là dự báo nhu cầu thị trường đối với từng ngành, nghề và đưa ra định mức sản xuất cho mỗi doanh nghiệp thành viên. Các hiệp hội, liên hiệp hội khi phát triển đến trình độ cao còn tạo môi trường, điều kiện cho doanh nghiệp thành viên tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị, quy trình hóa và chuẩn hóa mọi khâu từ sản xuất, chế biến, đóng gói, bảo quản, đăng ký xuất xứ hàng hóa, phân phối đến bảo vệ quyền lợi chính đáng trong kinh doanh (bảo vệ quyền tài sản, chống cạnh tranh không lành mạnh...), nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các hiệp hội, liên hiệp hội trong nền kinh tế thị trường hiện đại còn lập ra trường đào tạo nguồn nhân lực ngành, nghề của mình theo đặt hàng của từng doanh nghiệp. So với nguồn nhân lực do các cơ sở công lập đào tạo, nguồn nhân lực “đầu ra” do các hiệp hội ngành nghề đào tạo và cung ứng thường bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, nhanh nhạy hơn trước biến động của thị trường lao động. Vì thế, Nhà nước cần nghiên cứu ủy quyền một phần hoạt động đào tạo nghề cho các hiệp hội ngành, nghề, tích cực hỗ trợ cho các hiệp hội mở trường đào tạo nghề.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển các dịch vụ xã hội hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận (non-profit) để chia sẻ một phần trách nhiệm cung ứng dịch vụ sự nghiệp công với nhà nước
Cần nhận thức rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước chỉ làm những gì tư nhân không làm hoặc chưa làm. Bảo đảm các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu thuộc về trách nhiệm của Nhà nước, nhưng Nhà nước có thể ủy quyền cho tư nhân tham gia ở các công đoạn, loại hình dịch vụ khác nhau, nhất là những lĩnh vực hoặc công đoạn dịch vụ có khả năng xã hội hóa cao.
Cần nhận thức rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước chỉ làm những gì tư nhân không làm hoặc chưa làm. Bảo đảm các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu thuộc về trách nhiệm của Nhà nước, nhưng Nhà nước có thể ủy quyền cho tư nhân tham gia ở các công đoạn, loại hình dịch vụ khác nhau, nhất là những lĩnh vực hoặc công đoạn dịch vụ có khả năng xã hội hóa cao.
Đối với những dịch vụ sự nghiệp công được ủy quyền cho tư nhân, nhà nước thực hiện trách nhiệm quản lý của mình bằng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức phi lợi nhuận, bảo đảm các tổ chức này hoạt động đúng tính chất vì mục tiêu phi lợi nhuận, kiểm soát chất lượng dịch vụ thông qua các cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước. Phi lợi nhuận (non-profit) không có nghĩa là không có lợi nhuận, mà vấn đề là thái độ và cách sử dụng lợi nhuận để phục vụ sứ mạng của tổ chức, được điều chỉnh bằng luật pháp, cơ chế, chính sách và mô hình quản trị tổ chức phù hợp. Doanh nghiệp bao giờ cũng đặt sứ mạng cho nó là tối đa hóa lợi nhuận của cổ đông và giá trị sử dụng cho khách hàng. Tổ chức cung ứng dịch vụ phi lợi nhuận lại mang sứ mạng xã hội, được điều chỉnh bởi giá trị đạo đức, nhân văn. Hoạt động cung ứng dịch vụ xã hội phi lợi nhuận của các trường học, bệnh viện, trung tâm,... có ý nghĩa chia sẻ gánh nặng biên chế nhân lực công và tài chính ngân sách, bản chất là thực hiện sự ủy quyền của nhà nước trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Trong điều kiện biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập đang trở thành gánh nặng quá sức chịu tải của ngân sách, việc phát triển các bệnh viện, trường học, trung tâm... hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận do khu vực ngoài nhà nước cung ứng được xem là một giải pháp quan trọng trong quá trình đổi mới, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập và nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Đổi mới chính sách thuế thừa kế theo hướng khuyến khích tư nhân dịch chuyển tài sản thừa kế để đầu tư phát triển dịch vụ xã hội như mở trường học, bệnh viện, trung tâm, quỹ khoa học,... hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Đánh thuế cao đối với tài sản thừa kế, đi kèm với miễn thuế cho những người chuyển tài sản thừa kế để đầu tư phát triển dịch vụ xã hội hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Bằng cách này, Nhà nước sẽ thu hút được nguồn lực tư nhân đầu tư phát triển dịch vụ xã hội phi lợi nhuận, bổ sung cho nguồn lực giới hạn của nhà nước.
Chính sách thuế còn khuyến khích doanh nghiệp tư nhân dịch chuyển một phần lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển các dịch vụ xã hội hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận (giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, từ thiện, nhân đạo...). Những doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ xã hội phi lợi nhuận thì được miễn thuễ, hỗ trợ mặt bằng đất đai và nhận các hỗ trợ khác từ Nhà nước. Trong điều kiện quy mô tài sản doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam còn nhỏ, trước mắt khuyến khích, nhưng cùng với sự trưởng thành, phát triển nhanh chóng của kinh tế tư nhân, trong tương lai chính sách thuế phải điều tiết mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tư nhân tham gia phát triển dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật, trợ giúp xã hội, bảo vệ môi trường, từ thiện, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội khác... Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để hạn chế tình trạng doanh nghiệp “núp bóng” hoạt động phi lợi nhuận để chuyển giá và trốn thuế. Quản lý tài chính của các trường học, bệnh viện, trung tâm... thuộc các tập đoàn kinh tế tư nhân, vốn tuyên bố hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, phải được tách bạch với hoạt động tài chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ đóng vai trò là nhà tài trợ, không can thiệp vào hoạt động chuyên môn và quản lý tài chính theo nguyên tắc phi lợi nhuận của các tổ chức này, nhằm ngăn ngừa hoạt động chuyển giá hoặc trốn thuế.
Phát triển “doanh nghiệp xã hội” là một hướng đi trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm giải quyết việc làm cho một phân khúc thị trường lao động gặp khó khăn khi hòa nhập xã hội, thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự vươn lên, giảm thiểu tình trạng ỷ lại, trông chờ của người nghèo, người yếu thế. Hoàn thiện môi trường pháp lý để tư nhân và các tổ chức xã hội tích cực đầu tư phát triển doanh nghiệp xã hội để giải quyết việc làm cho lao động các dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người yếu thế. Nhà nước tạo mặt bằng đất đai, miễn thuế, kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ lợi nhuận mà doanh nghiệp sử dụng để mở rộng phát triển doanh nghiệp xã hội.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng trước nhà nước và người dân khi nhận ủy quyền cung ứng các dịch vụ xã hội hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận.
Quản lý phát triển các dịch vụ sự nghiệp công gồm có 3 cấu phần: Thu phí (hoặc giá dưới hình thức phí) nhằm bảo đảm nguồn lực tài chính “đầu vào” cho vận hành dịch vụ; tổ chức cung ứng dịch vụ gắn với thiết lập tổ chức bộ máy, nhân sự và phương thức quản trị tổ chức tương ứng; bảo đảm chất lượng dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Xã hội hóa là chuyển giao từ quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ một cách tập trung của Nhà nước sang ủy quyền cho xã hội, có thể chuyển giao cả 3 cấu phần nêu trên hoặc chuyển giao một vài cấu phần cụ thể, để thu hút nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng trong điều kiện Nhà nước gặp giới hạn.
Rà soát, phân loại dịch vụ sự nghiệp công theo các mức sau đây: 1- Những dịch vụ sự nghiệp công không có giá trị gia tăng, được áp dụng dưới hình thức miễn phí hoặc phí sử dụng thấp, Nhà nước vừa chịu trách nhiệm chi trả phí cho người tiêu dùng, vừa thiết lập hệ thống tổ chức bộ máy, nhân sự đứng ra cung ứng dịch vụ, vừa kiểm soát chất lượng dịch vụ; 2- Những dịch vụ công không hoặc ít có giá trị gia tăng, Nhà nước chi trả phí (toàn phần hay một phần) cho người tiêu dùng dịch vụ, kiểm soát chất lượng dịch vụ, nhưng ủy quyền cho các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng đứng ra trực tiếp cung ứng và quản lý dịch vụ thông qua đấu thầu cạnh tranh; 3- Những dịch vụ công có giá trị gia tăng cao, có thể ủy quyền bằng hợp đồng cho các chủ thể ngoài nhà nước đứng ra vừa thu phí để tự trang trải tài chính, vừa trực tiếp tổ chức cung ứng dịch vụ, còn nhà nước đóng vai trò kiểm soát chất lượng dịch vụ; 4- Những dịch vụ công ít có giá trị gia tăng, Nhà nước chi trả một phần phí cho người sử dụng dịch vụ, kiểm soát chất lượng dịch vụ, nhưng ủy quyền cho các tổ chức xã hội thu một phần phí dịch vụ và đứng ra trực tiếp tổ chức cung ứng dịch vụ; 5- Những dịch vụ cộng đồng, do cộng đồng tự huy động nguồn tài chính và đứng ra trực tiếp tự tổ chức cung ứng và tự quản lý toàn diện theo quy định của pháp luật. Dù bất luận loại hình dịch vụ xã hội nào trên đây thì cơ chế tài chính cũng phải hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, Nhà nước tạo điều kiện duy trì nguồn thu cho tổ chức đó không những đủ bù đắp chi phí, bảo đảm mức sống và chất lượng sống của người lao động, mà còn có tái đầu tư để không ngừng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ. Xã hội hóa không chỉ ở khâu nguồn lực tài chính mà cả huy động rộng rãi các lực lượng xã hội tham gia giám sát, đánh giá, quản lý chất lượng dịch vụ, nhất là người thụ hưởng trực tiếp dịch vụ.
Trên cơ sở phân loại đó, cần mạnh dạn ủy quyền toàn phần hoặc một phần cho các chủ thể ngoài nhà nước đứng ra cung ứng một số dịch vụ sự nghiệp công. Xây dựng bộ công cụ đo đạc “trình độ xã hội hóa” và “chất lượng dịch vụ”, không chỉ phản ánh ở yếu tố nguồn lực tài chính mà cả các yếu tố phi tài chính (như nội dung, phương pháp, lực lượng tham gia, hoạt động quản lý, đánh giá chất lượng dịch vụ...). Cần thấy rằng, chất lượng dịch vụ xã hội không hoàn toàn đo lường thông qua giá cả trên thị trường như các hàng hóa thông thường, mà chất lượng đó nhiều khi được đánh giá ở mức độ hài lòng hay không hài lòng của người tiêu dùng dịch vụ. Cho nên, giám sát và đánh giá chất lượng dịch vụ của các lực lượng xã hội đóng vai trò cực kỳ quan trọng, mà tiêu chí phổ biến nhất là phải xây dựng được bộ công cụ đánh giá mức độ hài lòng của người tiêu dùng dịch vụ.
Mở rộng cơ hội cho các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng tham gia cung ứng dịch vụ xã hội và quản lý phát triển dịch vụ xã hội. Nguồn lực nhân dân đóng góp có thể dưới dạng tài chính, mặt bằng đất đai, cơ sở vật chất phục vụ cho việc mở, duy trì và phát triển các dịch vụ xã hội; có thể là lao động tình nguyện khi xây dựng các công trình phục vụ cho lợi ích công cộng; có thể là cử đại diện tham gia vào các ban quản trị đơn vị cung ứng dịch vụ xã hội để giám sát chất lượng, đóng góp ý kiến vào nâng cao năng lực quản trị... Đối với những tổ chức xã hội có mức độ sẵn sàng cao về đổi mới tư duy quản lý, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực, cần được chú trọng ưu tiên trong quá trình ủy quyền cung ứng một số dịch vụ sự nghiệp công. Trong khi ủy quyền các tổ chức xã hội cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, Nhà nước cũng cần coi trọng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, định hình phương thức quản lý phù hợp, tránh hiện tượng thoái thác trách nhiệm quản lý của Nhà nước khi xã hội hóa hoặc quản lý hành chính một cách xơ cứng làm triệt tiêu quyền tự chủ của các tổ chức xã hội trong thực hiện sứ mệnh của tổ chức. Các tổ chức xã hội phải lấy việc bảo vệ và thúc đẩy quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, đoàn viên làm động lực chính cho đổi mới hoạt động. Coi trọng củng cố, tăng cường vai trò của cấp cơ sở để thật sự gắn với cộng đồng, gắn với dân cư, với nhu cầu của hội viên, đoàn viên. Chuyển từ hỗ trợ tài chính ngân sách trực tiếp cho tổ chức xã hội, cho trả lương nhân viên, sang đấu thầu các gói dịch vụ sử dụng ngân sách nhằm phát triển xã hội.
Bốn là, nâng cao tính chuyên nghiệp trong giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, liên hiệp hội, hiệp hội.
Chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội phải không ngừng được hoàn thiện và thực hiện một cách chuyên nghiệp. Phản biện chủ yếu được thực hiện ở giai đoạn dự thảo chính sách, còn giám sát được thực hiện ở giai đoạn tổ chức thực hiện chính sách. Phải có cơ chế để bảo đảm tính cân xứng thông tin giữa các nhóm xã hội trong quá trình phản biện, tác động đến hình thành chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mọi tầng lớp nhân dân, ngăn ngừa và kiên quyết chống “nhóm trục lợi” bất chính.
Tăng cường chủ động phản biện đối với những vấn đề mà Đảng và Nhà nước có nhu cầu phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, những vấn đề mà nhân dân đòi hỏi bức xúc, trên cơ sở khắc phục tình trạng thụ động ngồi chờ các cơ quan nhà nước “xin ý kiến góp ý”. Các cơ quan Đảng, Nhà nước khi đứng trước những vấn đề mới, khó và phức tạp, đụng chạm đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, cần chủ động “đặt hàng” Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan khoa học... để giám định, thẩm định, phản biện có chất lượng. Giám sát xã hội phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp, có nội dung cụ thể, rõ ràng, nhất là những vấn đề có độ vênh giữa chính sách đã ban hành với thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh nằm ngoài khả năng dự báo... để có kiến nghị điều chỉnh trong tổ chức thực thi chính sách, thậm chí cả sửa đổi, bổ sung, hiệu chỉnh hoặc thay đổi chính sách. Phối hợp chặt chẽ giữa giám sát xã hội với giám sát của các cơ quan dân cử, giám sát của dư luận qua báo chí, hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước. Kiến nghị “hậu giám sát” của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội phải được các cơ quan chức năng tiếp thu và xử lý triệt để, có phản hồi kết quả giải quyết, có giải trình trước các cơ quan có trách nhiệm.
Nâng cao hơn tính chuyên nghiệp trong giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các liên hiệp hội, hiệp hội ở cấp Trung ương. Bởi vì ở đây liên quan trực tiếp đến tham gia hoạch định chính sách, luật pháp, bảo đảm nguyên tắc công bằng, không thiên vị của chính sách công, bảo vệ từ gốc và bảo vệ từ xa quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Chú trọng củng cố vai trò các cơ quan khoa học - công nghệ phản biện những vấn đề mang tính chuyên ngành đòi hỏi chuyên môn sâu. Hoàn thiện cơ chế để bảo đảm quyền tham gia ý kiến trực tiếp của người dân trong hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật; quyền giám sát trực tiếp của cộng đồng tại cơ sở đối với những vấn đề thuộc phạm vi “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Phối hợp tốt với báo chí, truyền thông đủ sức tạo dư luận buộc các tổ chức và cá nhân có chức trách phải tiếp thu, giải trình đầy đủ những vấn đề mà Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội đã phản biện và đưa ra kết luận giám sát./.
Giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội là một trong tám mối quan hệ cơ bản đã được Đảng ta tổng kết, phát triển ở tầm lý luận để chỉ đạo quá trình đổi mới toàn diện đất nước.
Trả lờiXóaĐể giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội thì cần phải phối hợp tốt với báo chí, truyền thông đủ sức tạo dư luận buộc các tổ chức và cá nhân có chức trách phải tiếp thu, giải trình đầy đủ những vấn đề mà Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội đã phản biện và đưa ra kết luận giám sát.
Trả lờiXóaCần đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng trước nhà nước và người dân khi nhận ủy quyền cung ứng các dịch vụ xã hội hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận.
Trả lờiXóa