Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CƠ BẢN CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VỀ TÔN GIÁO



Niềm Tin
          Từ ngày Đảng ta ra đời cho tới nay, vấn đề tôn giáo luôn luôn được Đảng ta quan tâm sâu sắc. Bước vào thời kỳ mới, ngày từ những năm đầu của công cuộc đổi mới. Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Nghị quyết số 24/NQ-TW về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” (16/10/1990), ra Chỉ thị 37 “về công tác tôn giáo trong tình hình mới” (02/7/1998). Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[1]. Đại hội XI của Đảng nêu rõ: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật”[2]; đồng thời xác định chủ trương: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3].
          Tiếp đến trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ:
“Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”[4].
Về phía Nhà nước, ngay từ những ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng  hòa ra đời (9/1945), nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì Nhà nước ta luôn xác định và nhất quán thực hiện chủ trương, chính sách công tác tôn giáo, coi đây là vấn đề chiến lược của cách mạng và được cụ thể hóa bằng pháp luật. Ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”. Các Hiến pháp của nước Việt Nam: Điều 10, Hiến pháp 1946; Điều 26, Hiến pháp 1959; Điều 68, Hiến pháp 1980; Điều 70, Hiến pháp 1992; Điều 25, Dự thảo sửa đổi Điều 70, Hiến pháp 1992), đều ghi nhận mọi công dân nước Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Quốc hội khóa 11 Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (số 21/2004/PL-UBTVQH 11), quy định về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 01/3/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP để hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1940/CT-TTg, ngày 31/12/2008 “Về nhà, đất liên quan đến tôn giáo” và nhiều văn bản hướng dẫn của Nhà nước và các bộ, ban, ngành liên quan, tiếp tục khẳng định rõ “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào” và quy định “Tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc tôn giáo được mời tổ chức, người nước ngoài vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế…”
Trong Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định:
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Các vấn đề trên cho thấy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người, là quyền con người, và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi. Hiến định như vậy về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách của Nhà nước ta đối với tín ngưỡng, tôn giáo đã tiến kịp với nhận thức và chính sách chung về tôn giáo của thế giới.
Đặc biệt, ngày 18 tháng 11 năm 2016 Quốc hội đã ban hành “Luật tín ngưỡng, tôn giáo” và Luật có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018. Trong luật quy định rất rõ mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân Việt Nam trong tham gia, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Chẳng hạn, tại điều 6 trong Luật ghi rõ: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tập tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác…”[5]
Như vậy, quan điểm của Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chỉ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn đánh giá cao vai trò, vị trí của các tôn giáo đối với dân tộc và sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Điều đó khẳng định chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhất quán, đã và đang được thực hiện trong thực tế trên đất nước Việt Nam hiện nay.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. CTQG, H. 2003, tr. 48.
[2] Đảng Cộng sản VIệt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 81.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 245.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,  Nxb CTQG, H. 2016, tr. 245.

[5] Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Lao động, 2017, tr. 11.

3 nhận xét:

  1. Từ ngày Đảng ta ra đời cho tới nay, vấn đề tôn giáo luôn luôn được Đảng ta quan tâm sâu sắc. Do đó trước những luận điệu xuyên tạc về sự quan tâm của Đảng với tôn giáo chúng ta phải đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Quan điểm của Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chỉ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn đánh giá cao vai trò, vị trí của các tôn giáo đối với dân tộc và sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

    Trả lờiXóa
  3. Chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhất quán, đã và đang được thực hiện trong thực tế trên đất nước Việt Nam hiện nay.

    Trả lờiXóa