Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

Những nhân tố cần tính đến trong hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế


Tại Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên nhiệm vụ đối ngoại được nêu như một thành tố của chủ đề Đại hội, khẳng định tầm quan trọng của đối ngoại trong tổng thể đường lối phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo. Ảnh: TTXVN
Một số nét về chính sách đối ngoại
Chính sách đối ngoại là tập hợp các chiến lược, quyết định và hành động của một quốc gia nhắm đến các chủ thể bên ngoài phạm vi của hệ thống chính trị trong nước, nhằm đạt được những mục tiêu khác nhau, phù hợp với lợi ích của quốc gia đó. Mục tiêu định hướng ban đầu của chính sách đối ngoại là mở rộng tầm ảnh hưởng của quốc gia trong quan hệ quốc tế, đây là điểm phân biệt giữa chính sách đối ngoại và chính sách đối nội của quốc gia.
Mặc dù quan điểm của các học giả về khái niệm chính sách đối ngoại khá đa dạng, song đều có điểm chung coi chính sách đối ngoại là những chiến lược, mục tiêu và hành động mà một quốc gia thực hiện trong quan hệ với các quốc gia khác. Theo đó, chính sách đối ngoại của một quốc gia là tổng hợp các chiến lược, chính sách mà quốc gia đó sử dụng trong quá trình tương tác với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, kinh tế, văn hóa và xã hội nhằm đạt được những mục tiêu phù hợp với lợi ích của quốc gia(1).
Chính sách đối ngoại của các cường quốc khu vực hoặc thế giới luôn thu hút sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế, bởi chính sách đối ngoại của những quốc gia này có ảnh hưởng và tác động lớn đến hòa bình và ổn định của môi trường an ninh khu vực, cũng như thế giới. Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, các chính sách đối nội, hay các yếu tố thuộc chính trị nội bộ cũng có ảnh hưởng ngày càng gia tăng trong quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia và đến việc hoạch định đường lối đối ngoại của một quốc gia. Chính sách đối ngoại thường được coi là “cánh tay nối dài” của chính sách đối nội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, hay bảo vệ và tối đa hóa lợi ích quốc gia nói chung, thông qua các con đường, như hợp tác, cạnh tranh, xung đột, hoặc thậm chí chiến tranh.
Định dạng những nhân tố cần tính đến trong hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam
Việc hoạch định chính sách đối ngoại của một quốc gia là quá trình phức tạp, đòi hỏi các cơ quan hoạch định chính sách phải xem xét và cân nhắc đồng thời nhiều yếu tố tác động từ cả bên trong lẫn bên ngoài, phù hợp với từng thời điểm. Mỗi quốc gia với thể chế chính trị khác nhau lại có cách cấu tạo bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại khác nhau. Nhìn chung, các nhân tố chủ chốt quyết định chính sách đối ngoại của một quốc gia bao gồm: lợi ích quốc gia - dân tộc, thế và lực của quốc gia trên trường quốc tế, cục diện thế giới và khu vực.
Trong thời kỳ hội nhập toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc xem xét, hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng không nằm ngoài những nhân tố đó.
Thứ nhất, lợi ích quốc gia - dân tộc. Phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc ngày càng trở thành nguyên tắc tối thượng cho mọi chính sách đối ngoại và hoạt động đối ngoại của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Lợi ích quốc gia là kim chỉ nam, là nguyên tắc chỉ đạo việc hoạch định chính sách đối ngoại, chính vì vậy, mọi chính sách và hoạt động đối ngoại của Việt Nam đều phải tính đến và phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc.
Đường lối đối ngoại đổi mới được Đảng ta đề xướng từ năm 1986, liên tục được bổ sung và hoàn chỉnh qua các kỳ đại hội, trong đó đều khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của lợi ích quốc gia trong chính sách đối ngoại của đất nước. Hội nghị Trung ương 3 khóa VII (tháng 6-1992) khẳng định, mục tiêu “hòa bình và phát triển” trở thành chuẩn mực trong hoạt động quốc tế của Việt Nam, phục vụ cho lợi ích cao nhất của dân tộc là “nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng, giữ vững tăng cường ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập và tự do của Tổ quốc”(2). Trên tinh thần đó, “công tác đối ngoại phải phục vụ lợi ích đó của dân tộc..., và coi lợi ích dân tộc là cao nhất và thiêng liêng nhất”(3). Hội nghị Trung ương 8 khóa IX (tháng 7-2003) tiếp tục khẳng định: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của Tổ quốc”(4). Đại hội XI của Đảng (năm 2011) khẳng định mục tiêu của đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ mới là “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” và “vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”(5). Văn kiện Đại hội XII đã đề cập rõ hơn và ở mức cao nhất về mục tiêu đối ngoại, đó là “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia  - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”(6). Như vậy, lợi ích quốc gia luôn đóng vai trò trọng tâm trong việc xác định đường lối đối ngoại, hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Lợi ích quốc gia của Việt Nam trong đối ngoại bao gồm hai nhóm: nhóm các lợi ích sống còn và nhóm các lợi ích phát triển. Nhóm các lợi ích sống còn bao gồm giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; giữ vững hòa bình với bên ngoài, bảo đảm ổn định và trật tự bên trong; bảo đảm cuộc sống an toàn cho nhân dân; bảo đảm an ninh kinh tế của quốc gia; giữ gìn bản sắc dân tộc. Nhóm các lợi ích phát triển bao gồm không ngừng nâng cao khả năng giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; mở rộng không gian phát triển; phát huy bản sắc dân tộc; phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế(7). Lợi ích quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính sách đối ngoại và hoạt động đối ngoại của Việt Nam thời gian tới cần phục vụ hiệu quả hơn các lợi ích của quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Thứ hai, thế và lực của quốc gia trên trường quốc tế. Trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại, mọi quốc gia trên thế giới đều cân nhắc và xem xét yếu tố thế và lực của quốc gia mình. Chính sách đối ngoại được xây dựng trên cơ sở không những phải phù hợp với lợi ích của quốc gia, mà còn phải tương thích với vị thế và sức mạnh tổng hợp của đất nước. 
Xem xét thế và lực của quốc gia là điều cần thiết khi hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam trong những thời kỳ lịch sử nhất định. Ở những giai đoạn khác nhau, vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và toàn cầu sẽ khác nhau, do vậy, việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của nước ta cũng sẽ khác nhau.
Có thể thấy, sau hơn ba thập niên triển khai đường lối đổi mới, Việt Nam hiện nay có vai trò ngày càng tích cực, vị thế ngày càng gia tăng ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có nhiều đóng góp tích cực tại các tổ chức quốc tế, khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Vị thế quốc gia ngày càng được cải thiện sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, thực thi chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.
Bên cạnh vị thế quốc gia, thực lực hay sức mạnh tổng hợp của quốc gia cũng là một nhân tố quan trọng cần tính đến khi hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng; chiêng có to thì cái tiếng mới lớn”(8). Sức mạnh quốc gia hay sức mạnh dân tộc là tổng hòa các sức mạnh, tiềm lực của một quốc gia, dân tộc trên các khía cạnh vật chất lẫn tinh thần, như sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, tri thức, hệ tư tưởng, thể chế chính trị, đường lối, chính sách,...(9). Như vậy, sức mạnh quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là sức mạnh tổng thể của Nhà nước và nhân dân, của sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn của Đảng, là sức mạnh tổng hợp cả “sức mạnh cứng” lẫn “sức mạnh mềm” của quốc gia, là sự kết hợp hài hòa các yếu tố truyền thống và hiện đại, và vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam ở khu vực và thế giới(10). Thế và lực mới tiếp tục tạo thuận lợi cho Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa trong thời kỳ mới.
Thứ ba, cục diện thế giới và khu vực. Bên cạnh các nhân tố bên trong, các yếu tố bên ngoài, như cục diện thế giới và khu vực cũng có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Không một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, ngược lại, mọi quốc gia đều chịu sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ các nhân tố bên ngoài và môi trường xung quanh. Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, sự liên kết giữa các quốc gia ngày càng trở nên chặt chẽ, hợp tác ngày càng gia tăng, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng sâu rộng. 
Về cục diện thế giới và khu vực trong giai đoạn hiện nay có một số đặc điểm nổi bật:
1- Về sự phân bổ quyền lực trên thế giới: Các cường quốc vẫn là những trung tâm quyền lực lớn của thế giới, “sân chơi” chính trị quốc tế chịu sự chi phối rất lớn của những trung tâm quyền lực này. Sự phân bổ quyền lực trên thế giới đã và tiếp tục có những chuyển dịch quan trọng. Nước Mỹ tuy vẫn có sức mạnh vượt trội, song sức mạnh tương đối của Mỹ trên thế giới đang trên đà suy giảm. Sự phục hồi nhanh chóng của Nga, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, vai trò và vị thế ngày càng gia tăng của các cường quốc khu vực khác, như Ấn Độ, Bra-xin, Nam Phi... làm cho khoảng cách về quyền lực của các nước này với Mỹ ngày càng thu hẹp.
2- Về quan hệ giữa các nước lớn: Các cường quốc trên thế giới trong giai đoạn hiện nay vừa hợp tác, vừa cạnh tranh gay gắt. Cuộc đấu tranh giành quyền lực và ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, thậm chí có giai đoạn đối đầu căng thẳng, khiến quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp và khó lường. Quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây mặc dù vẫn có mặt hợp tác nhưng còn hạn chế và chưa thể “tan băng”, tiếp tục đối đầu căng thẳng. “Tam giác quyền lực” Mỹ - Trung Quốc - Nga đang chứng kiến sự xích lại gần nhau của cặp quan hệ Nga - Trung Quốc nhưng chưa đến mức hình thành một quan hệ liên minh để cùng chống sức ép từ Mỹ và các nước phương Tây. Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục xu hướng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế - thương mại. Trong khi đó, những cường quốc khác, như Nhật Bản và Ấn Độ không muốn bị cuốn vào vòng xoáy đối đầu Nga - phương Tây, nỗ lực tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy quan hệ với cả hai bên. 
3- Về các xu thế lớn của thế giới đương đại: Tiến trình toàn cầu hóa mà trước hết là toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế lớn lôi cuốn sự tham gia của mọi khu vực và quốc gia trên thế giới. Bên cạnh tiến trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trên thế giới phát triển ngày càng nhanh chóng, tri thức ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Sự phát triển của công nghệ thông tin làm thay đổi lợi thế cạnh tranh của các nền kinh tế trên thế giới, làm xuất hiện các nền kinh tế tri thức. Những tiến bộ vượt bậc và nhanh chóng của khoa học - công nghệ đang mở ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đưa sự phát triển của xã hội loài người lên một tầm cao mới. Ngoài ra, vai trò của luật pháp và các chuẩn mực quốc tế có xu hướng ngày càng quan trọng trong quan hệ quốc tế, các quốc gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng đồng nghĩa với việc phải tuân thủ các chuẩn mực, “luật chơi” chung ở khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam luôn đặt ưu tiên cao cho việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tranh thủ vốn, kinh nghiệm quản lý và khoa học - công nghệ tiên tiến,... phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đường lối, chính sách đối ngoại Việt Nam hiện nay
Kế thừa những nội dung cơ bản của đường lối đối ngoại qua các kỳ đại hội trước, Đảng ta đã phát triển và có những bổ sung quan trọng về đường lối đối ngoại trong giai đoạn mới. Tại Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên nhiệm vụ đối ngoại được nêu như một thành tố của chủ đề Đại hội, khẳng định tầm quan trọng của đối ngoại trong tổng thể đường lối phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo. Bên cạnh bốn thành tố là sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, sức mạnh toàn dân tộc, công cuộc đổi mới và mục tiêu xây dựng đất nước tại Đại hội XI, chủ đề của Đại hội XII đã bổ sung thêm thành tố thứ năm là “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”. Bước phát triển mới này đã khẳng định hai nhiệm vụ quan trọng nhất của đối ngoại là bảo vệ Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, chính sách và các hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới sẽ nhằm triển khai hai nhiệm vụ trên. 
Về mục tiêu của đối ngoại, Đại hội XII chỉ rõ “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”. Qua đó, Đảng ta khẳng định lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc là đồng nhất, lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam được xác định trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Đồng thời, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc phải là nguyên tắc tối cao của mọi hoạt động đối ngoại, mọi chính sách và hoạt động đối ngoại của Việt Nam phải phục vụ mục tiêu bảo đảm tối cao lợi ích quốc gia - dân tộc.
Về phương châm chỉ đạo các hoạt động đối ngoại, Đại hội XII nêu rõ: “Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân”. Như vậy, Đảng ta đã khẳng định việc thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại phải dựa trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chỉ rõ tính chất hai mặt trong quan hệ với các đối tác, cũng như trong việc xử lý những vấn đề phát sinh để không bỏ lỡ cơ hội hợp tác, đồng thời cũng không được lơ là, mất cảnh giác. 
Về quan điểm chỉ đạo quá trình hội nhập quốc tế, Đại hội XII đã cụ thể hóa định hướng hội nhập quốc tế bằng những quan điểm chỉ đạo cụ thể, gồm: thứ nhất, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị; thứ hai, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh của đất nước; thứ ba, hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế; thứ tư, hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi.
Về nguyên tắc tiến hành các hoạt động đối ngoại, mọi hoạt động đối ngoại phải bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc; đồng thời, phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, từ xác định quan điểm, lập trường của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề quốc tế, xây dựng và triển khai chính sách đối ngoại đến xử lý các vấn đề nảy sinh trong quan hệ với các đối tác. 
Tóm lại, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là sự kế thừa những nội dung chính của đường lối đối ngoại tại những kỳ đại hội trước, đồng thời có những bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện và tình hình mới ở trong nước, khu vực và trên thế giới. Quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới phải phục vụ tối cao lợi ích quốc gia - dân tộc, tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, dựa trên thực lực và vị thế của quốc gia, phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của khu vực và thế giới./.
---------------------------------------------
(1) Đào Minh Hồng, Lê Hồng Hiệp (Chủ biên): Sổ tay thuật ngữ quan hệ quốc tế, Nxb. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013, tr. 53
(2) Nguyễn Mạnh Cầm: “Trên đường triển khai chính sách đối ngoại theo định hướng mới”, trong sách Đổi mới về đối ngoại và hội nhập quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 65
(3) Hồng Hà: “Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của ta”, Tạp chí Cộng sản, tháng 12-1992, tr. 12
(4) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 46 - 47
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 236
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 153
(7) Đặng Đình Quý: “Bàn thêm về lợi ích quốc gia dân tộc trong hoạt động đối ngoại Việt Nam giai đoạn mới”, trong cuốn Đường lối chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới, Phạm Bình Minh (Chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 208 - 209
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 4, tr. 126
(9) Nguyễn Đức Hùng: “Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong tình hình mới”, trong cuốn Đường lối chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới, Phạm Bình Minh (Chủ biên), Sđd, tr. 340
(10) Nguyễn Đức Hùng: “Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong tình hình mới”Sđd, tr.  355 - 356
Phan Thị Thu DungBộ Công an

3 nhận xét:

  1. Chính sách đối ngoại thường được coi là “cánh tay nối dài” của chính sách đối nội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, hay bảo vệ và tối đa hóa lợi ích quốc gia, thông qua các con đường, như hợp tác, cạnh tranh, xung đột, hoặc thậm chí chiến tranh.

    Trả lờiXóa
  2. Mỗi quốc gia với thể chế chính trị khác nhau lại có cách cấu tạo bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại khác nhau để đạt được mục đích cho quốc gia đó.

    Trả lờiXóa
  3. Đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là sự kế thừa những nội dung chính của đường lối đối ngoại tại những kỳ đại hội trước; đồng thời có những bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện và tình hình mới ở trong nước, khu vực và trên thế giới.

    Trả lờiXóa