Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH CHỐNG “CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN, CƠ HỘI, VỤ LỢI” HIỆN NAY



Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ rõ: “Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình; cổ súy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa; đồng thời, cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn”[1]. Vì vậy, mỗi chúng ta cần hết sức tính táo nhận diện cho đúng và tích cực, chủ động kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, lối sống, ích kỷ, hẹp hòi của một số người trong đời sống xã hội nước ta hiện nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác là kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội”[2]. Nó luôn “đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc”[3]. Với hướng tiếp cận đó chúng ta có thể hiểu: Chủ nghĩa cá nhân, cơ hội là những khuynh hướng chính trị, những quan điểm chính trị không theo một định hướng, một đường lối rõ rệt, không có chính kiến, không kiên định với những vấn đề có tính nguyên tắc mà dễ dao động ngả nghiêng, thay đổi lập trường. Đặc tính chung của chủ nghĩa cơ hội là xa rời nguyên tắc, cả nguyên tắc chính trị, nguyên tắc tổ chức nguyên tăc sống trong quan hệ với cộng đồng, với đồng chí, bạn bè.
          V.I.Lê-nin đã đấu tranh kiên quyết chống chủ nghĩa cơ hội, vạch mặt chỉ tên những kẻ cơ hội bằng một loạt tác phẩm. Người ví chủ nghĩa cơ hội như con rắn nước và luôn nhắc nhở những người cộng sản phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác với chủ nghĩa cơ hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì coi chủ nghĩa cá nhân, cơ hội còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm, Người coi nó là “một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”[4]
Ở Việt Nam, tư tưởng cá nhân, cơ hội cũng đã có từ lâu nhưng nó chỉ biểu hiện rõ nét khi chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Thực dân và nhất là khi chúng ta thực hiện nền kinh tế thị trường thì chủ nghĩa cá nhân, cơ hội càng có cơ hội phát triển. Bởi, chính từ mặt trái của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa kích thích chủ nghĩa cá nhân phát triển, đi cùng với nó là chủ nghĩa cơ hội thực dụng cũng phát triển. Tuy nhiên chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thời nay khác xa chủ nghĩa cơ hội cổ điển, nó gian giảo, khôn ngoan, tinh vi,, nguỵ trang kín đáo hơn nhưng xét về động cơ, bản chất thì không thay đổi.
           Trong thực tiễn cuộc sống, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội biểu hiện đa dạng, phong phú, dưới mọi hình thức. Người mang tư tưởng cá nhân, cơ hội luôn có động cơ vụ lợi, có tham vọng rất lớn, cả trong ý nghĩ và hành động. Để đạt được mục đích của mình, họ sẵn sàng tìm mọi cách để luồn lách, len lỏi, chạy chọt, thậm chí dẫm đạp lên cả đạo lý, tình người. Đó là loại người dối trá, gian xảo, thiếu trung thực mang tính bản chất, rất dễ thay lòng đổi dạ, lừa thầy, phản bạn. Sống theo thói đời “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu hết, ông tôi” (Nguyễn Khuyến). Đó là những kẻ vô ơn, bạc nghĩa ăn cháo, đá bát, qua sông dìm đò khi cần người khác giúp đỡ thì họ sum xoe, nịnh bợ, hạ mình cầu xin, thậm chí kiên trì đeo bám buộc người khác phải dủ lòng thương. Nhưng khi đạt mục đích, họ sẵn sàng quay ngược 3600 quên ngay mối quan hệ này để thay vào đó một mối quan hệ mới mà họ có thể lợi dụng được. Kẻ cá nhân, cơ hội không bao giờ là người trung thực, họ sẵn sàng bán rẻ lương tâm, mất hết tình đồng chí, đồng nghiệp, thậm chí cả tình yêu chân chính. Trong quan hệ xã hội họ luôn lấy lợi ích cá nhân làm hệ quy chiếu. Mặc dù có nhiều mối quan hệ nhưng không có mối quan hệ nào bền vững, họ không có bạn thân, không có người tâm đầu ý hợp mà chỉ có những quan hệ tạm thời, hình thành khi mục đích đặt ra và mất đi khi mục đích đã đạt được.
          Những kẻ cá nhân, cơ hội luôn luôn “sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”[5]. Đồng thời, lợi dụng sự sơ hở của cơ chế chính  sách, sự yếu kém trong công tác quản lý để đục khoét của công, biến của công thành của riêng, làm cho Nhà nước thì nghèo đi, còn cá nhân thì giàu lên. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”[6]. Những lúc cách mạng gặp khó khăn, hoặc chuyển giai đoạn là lúc kẻ cơ hội lộ rõ nguyên hình. Những người này thường lười học tập, lười tu dưỡng rèn luyện nhưng trí tuệ lại phát triển theo hướng mưu mẹo mánh khoé, luôn nghĩ ra các thủ đoạn gian ngoan, xảo quyệt để lừa gạt tổ chức, lừa gạt người khác, làm lợi mình hại người. Họ luôn mong muốn có cơ hội nhưng lại không tự tạo ra cơ hội bằng công sức của chính mình mà chỉ muốn giành giật cơ hội ở người khác, cho nên đối thủ của họ là những người thẳng thắn, cương trực, đức độ, tài năng. Khi còn người thẳng thắn thắn, cương trực thì những mánh khoé, mưu mô, tâm địa của kẻ cơ hội dễ bị phơi bày, vạch trần. Vì vậy, nếu những người mang trong mình chủ nghĩa cá nhân, cơ hội ở vị trí lãnh đạo, có trong tay quyền lực thì rất nguy hiểm, họ sẵn sàng dùng quyền lực đẩy người trung thực ra khỏi cơ quan, đơn vị hoặc ít nhất cũng tìm cách răn đe, vô hiệu hoá. Nếu không ở cương vị lãnh đạo thì họ khai thác những yếu kém về năng lực, sự sơ hở trong công tác quản lý, sự thiếu gương mẫu về phẩm chất đạo đức lối sống của người lãnh đạo để lợi dụng thao túng hoặc cài bẫy. Cũng có khi tạo ra một sự thân mật giả tạo rỉ tai thủ trưởng bằng  những lời đường mật, kích động, tâng bốc người này nói xấu người kia đâm bị thóc, chọc bị gạo  gây nhiễu loạn, sai lệch thông tin làm lẫn lộn thật giả, phải trái, đúng sai, để ám hại, hạ bệ những người trung thực. Nhất là thời điểm có đoàn kiểm tra, thanh tra, chuẩn bị thay đổi nhân sự, bố trí sắp xếp đề bạt cán bộ hoặc trước khi bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội.
           Chủ nghĩa cá nhân, cơ hội tồn tại dưới nhiều cấp độ, ở cấp độ thấp nó có mặt mọi lúc, mọi nơi trong mọi lĩnh vực, nó tồn tại một cách vô hình, vô ảnh, nó có cả ở trong mỗi chúng ta mà ta không biết ai cũng căm ghét nó nhưng không ai tự nhận là mình có tư tưởng cá nhân, cơ hội. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy”[7]. Ở cấp độ cao nó có sức mạnh ghê gớm, có thể làm lũng đoạn tổ chức, xoá nhòa danh giới cái tốt, cái xấu. Nó là một thứ giặc nội xâm, một loại vi khuẩn nguy hại, một thứ ung nhọt ẩn náu ngay trong cơ thể Đảng, cơ thể xã hội. Nó vừa hư vừa thực, dấu mặt trá hình, nó đang hàng ngày, hàng giờ đục khoét, gặm nhấm phần tổt trong con người. Trên thực tế mặc dù bị quần chúng oán ghét, kẻ cá nhân, cơ hội đôi khi vẫn được trọng dụng, vẫn thăng tiến rất nhanh. Nếu để những kẻ này chui sâu leo cao, nắm giữ những cương vị chủ chổt trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thì rất nguy hiểm, họ sẵn sàng bán rẻ quyền lợi của quốc gia, dân tộc vì mục đích cá nhân.
Trong những biểu hiện tiêu cực hiện nay thì biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, cơ hội là vấn đề bức xúc nổi cộm nhất vì nó chi phối đời sống chính trị tinh thần trong Đảng, trong xã hội, nó là nguyên nhân của những hiện tượng cục bộ, mất đoàn kết nội bộ; ở đâu chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thắng thế thì sự thật bị bưng bít, bóp méo, nguyên tắc bị vi phạm, cán cân công lý bị bẻ cong, những nhân tố tích cực bị kìm hãm, người ngay thẳng thật thà bị trù dập; chuẩn mực đạo đức bị biến dạng, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị xuyên tạc, lợi dụng, lòng người ly tán, phân tâm. Nếu để chủ nghĩa cá nhân, cơ hội phát triển mạnh, lan rộng sẽ “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”[8]. Vì vậy cuộc đấu tranh “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng không tách rời cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội khác với đấu tranh chống giặc ngoại xâm vì nó không phân biệt gianh giới, chiến tuyến rõ ràng. Chủ nghĩa cá nhân, cơ hội như con lươn đổi màu, nó luôn len lỏi, luồn lách vào các ngõ ngách của cuộc sống, chi phối mọi quan hệ, luôn thay hình đổi dạng, lúc ẩn, lúc hiện. Nhận biết nó đã khó khăn nhưng đấu tranh với nó càng khó khăn hơn nhiều. Những hành vi đen tối của nó đôi khi chưa cấu thành tội phạm để có thể xét xử theo pháp luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, việc tìm kiếm số liệu, chúng cớ để chứng minh những kẻ cá nhân, cơ hội gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên dù khéo léo lẩn tránh đến đâu cũng không thể che được tai mắt quần chúng. Vì vậy, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội trước hết cần phát động quần chúng tạo dư luận rộng rãi để nhận diện, lên án, vạch mặt chỉ tên kẻ cá nhân, cơ hội, “khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”[9].
Làm rõ tính nguy hại và những biểu hiện xấu sa của nó đối với xã hội, với Đảng và Nhà nước. Tăng cường giáo dục rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục tình thương yêu con người, giáo dục truyền thống văn hoá dân tộc, tạo bầu không khí tâm lý lành mạnh, đoàn kết thân ái trong mỗi địa phương, đơn vị. Mỗi đảng viên, cán bộ công chức nhà nước phải thực hiện cho được lời dạy: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Bác Hồ. Tích cực tu dưỡng rèn luyện bản thân, nêu cao tự  phê bình, xa lánh chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, gột rửa mọi biểu hiện tư tưởng cá nhân, cơ hội. Nêu cao trách nhiệm kiên quyết chống tư tưởng hữu khuynh, né tránh hoặc thoả hiệp, làm ngơ để mặc cho những kẻ cá nhân, cơ hội tự do hoành hành.
Thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng, Theo đó, cần đề cao vai trò của các tổ chức đảng, nhất là cấp uỷ, chi bộ, cán bộ chủ trì trong quản lý giáo dục, rèn luyện đảng viên; duy trì thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng; thường xuyên kiểm tra, phát hiện ngăn chặn xử lý kỷ luật những cán bộ Đảng viên thiếu trung thực, có biểu hiện cá nhân, cơ hội. Rà soát xây dựng các qui chế trong tuyển chọn cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước, không để tạo kẽ hở, không để lọt kẻ cá nhân, cơ hội. Theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Cấp ủy các cấp chỉ đạo nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; đồng thời, tiến hành rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”[10]. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, nhất là trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý tài sản công, có cơ chế quản lý ở cấp vĩ mô và vi mô, không để sơ hở cho kẻ cá nhân, cơ hội lợi dụng. Xoá bỏ cơ chế cấp phát xin cho, hạn chế quyền lực của kẻ ban phát cá nhân, cơ hội. Công khai hoá các khoản kinh tế, tài chính, ngân sách. Thực hiện nghiêm 19 điều cấm đối với đảng viên và những điều cấm đối với cán bộ công chức nhà nước, trước hết là đối với cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý; đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong Đảng và trong xã hội.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội là một việc khó khăn, lâu dài. Nhưng không phải không thể làm được, nếu có quyết tâm, đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, nhất định chúng ta sẽ ngăn chặn, hạn chế và đẩy lùi mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội trong đời sống xã hội nước ta hiện nay.     
NIỀM TIN


[1] Số 4-NQ/TW Nghị quyết BCHTWĐ,khóa XII, Hà Nội, 30/10/2016, tr.1.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, NxbCTQG, H, 2011, tr.66.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, NxbCTQG, H, 2011, tr.156.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, NxbCTQG, H, 2011, tr.296.
[5] Số 4-NQ/TW Nghị quyết BCHTWĐ,khóa XII, Hà Nội, 30/10/2016, tr.6.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, NxbCTQG, H, 2011, tr.90.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, NxbCTQG, H, 2011, tr. 606.
[8] Số 4-NQ/TW Nghị quyết BCHTWĐ,khóa XII, Hà Nội, 30/10/2016, tr.2.
[9] Số 4-NQ/TW Nghị quyết BCHTWĐ,khóa XII, Hà Nội, 30/10/2016, tr.14.
[10] Số 4-NQ/TW Nghị quyết BCHTWĐ,khóa XII, Hà Nội, 30/10/2016, tr.12.


3 nhận xét:

  1. Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ tới lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể; nó sinh ra những thói hư, tật xấu như: Lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô… Do đó chúng ta phải đấu tranh để loại bỏ chủ nghĩa cá nhân.

    Trả lờiXóa
  2. Mặc dù hình thức, mức độ biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân có khác nhau; nhưng những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân luôn tìm cách vun vén cho lợi ích cá nhân và gia đình; ít hoặc không quan tâm chăm lo tới lợi ích chính đáng, thiết thực của tập thể, đơn vị và xã hội. Đó là những biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cá nhân, mà chúng ta cần nhận biết để đấu tranh loại bỏ.

    Trả lờiXóa
  3. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh thường xuyên, lâu dài, phức tạp, thậm chí có cả hy sinh, mất mát, đòi hỏi phải thực hiện một cách quyết liệt, triệt để với nhiều biện pháp đồng bộ, kiên trì và liên tục.

    Trả lờiXóa