Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam


Vị trí của bãi Tư Chính/Nam Côn Sơn so với các đảo trên Biển Đông. (Nguồn: thanhnien.vn)
VI PHẠM QUYỀN CHỦ QUYỀN VÀ QUYỀN TÀI PHÁN CỦA VIỆT NAM
Ngày 19/7/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến diễn biến ở khu vực Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực”.
Nội dung được thể hiện trong tuyên bố nói trên là nghiêm túc, phản ánh đúng sự thật khách quan và được trình bày một cách rõ ràng, chặt chẽ.

Qua nghiên cứu, đối chiếu với những quy định của UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, cũng như các tiền lệ pháp lý, đặc biệt là Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế The Hague năm 2016, khẳng định trên của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam có căn cứ pháp lý rõ ràng. Bởi vì, khu vực phía Nam Biển Đông được đề cập là khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, thậm chí có khu vực ở cách đường bờ biển ven bờ lục địa đối diện cũng xấp xỉ khoảng trên dưới 200 hải lý. Chúng tôi chỉ nhấn mạnh đến khái niệm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý ở khu vực này; bởi vì còn có ranh giới ngoài của thềm lục địa có thể mở rộng ra đến 350 hải lý, nếu có hồ sơ chứng minh bờ ngoài của thềm lục địa kéo dài ra ngoài giới hạn 200 hải lý và được Tiểu ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc chấp nhận.

Chủ quyền quốc gia trên biển

Quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền của mình một cách tuyệt đối, đầy đủ, toàn vẹn ở trong vùng nội thủy và thực hiện chủ quyền một cách đầy đủ, toàn vẹn ở trong lãnh hải. Bởi vì, nội thủy được coi là bộ phận đất liền như ao hồ, sông suối, các vùng nước nằm trong đất liền. Lãnh hải cũng được coi là lãnh thổ biển của quốc gia ven biển. Tuy nhiên, tàu thuyền của các quốc gia khác được quyền “đi qua vô hại” trong lãnh hải của quốc gia ven biển, với những quy định kiểm soát chặt chẽ của quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS 1982. Vì vậy, chủ quyền của quốc gia ven biển được thực hiện ở trong lãnh hải của mình là “đầy đủ và toàn vẹn”, chứ không “tuyệt đối” như ở trong nội thủy.

Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất dưới đáy của lãnh hải. Mọi hoạt động của tự nhiên nhân hay pháp nhân của quốc gia khác, cũng như các phương tiện hoạt động trên biển của họ ở trong nội thủy, lãnh hải của quốc gia ven biển, mà không tuân thủ luật pháp của quốc gia ven biển, cũng như luật pháp quốc tế hiện hành, đều bị coi là hành động xâm phạm biên giới, lãnh thổ biển của quốc gia ven biển; quốc gia ven biển có quyền sử dụng mọi biện pháp, kể cả biện pháp quân sự để bảo vệ chủ quyền quốc gia trong phạm vi nội thủy và lãnh hải được xác lập theo đúng qui định của UNCLOS 1982.
Vì vậy, việc Việt Nam tiến hành thăm dò khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK là phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Điều 60 (UNCLOS 1982) quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và Điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa. Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía Nam thành đảo nổi và không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.

Trong khi đó, Trung Quốc xem bãi Tư Chính là một phần của quần đảo Nam Sa thuộc “chủ quyền bất khả xâm phạm” của Trung Quốc. Lập luận ngụy biện này hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS 1982. Quan trọng hơn, phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Hague năm 2016 cũng đã bác bỏ lập luận này. Theo đó, các  bãi cạn Vành Khăn, Cỏ Mây, Cỏ Rong… là những rạn san hô, bãi cát ngầm ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển được Tòa xác định  nằm trong vùng đặc quyền kinh tế theo đề nghị của Philippines.

Tuy nhiên, phán quyết của Tòa không giải quyết vấn đề chủ quyền hay phân định biển. Vậy, có thể hiểu rằng, riêng vấn đề chủ quyền đối với bãi cạn Vành Khăn, Cỏ Mây, Cỏ Rong… Tòa không ra phán quyết, mà các bên liên quan giải quyết về vấn đề chủ quyền lãnh thổ theo nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ. Lúc đó, các bên liên quan sẽ phải chứng minh bãi cạn Vành Khăn, Cỏ Mây, Cỏ Rong... về mặt địa chất, địa mạo là một phần của quần đảo Trường Sa hay chỉ là một bộ phận cấu thành thềm lục địa của một quốc gia ven biển liên quan  theo quy định của UNCLOS 1982.

Tất nhiên, khi bàn thảo về nội dung này, người ta không thể không đề cập đến quần đảo Trường Sa bao gồm những thực thể nào, phạm vi của nó đến đâu. Liên quan đến phạm vi quần đảo Trường Sa, hiện nay chưa có bên liên quan nào công bố chi tiết, chính thức. Nếu nghiêm túc dựa vào các quy định của UNCLOS, đối chiếu với trạng thái tự nhiên của chúng trên thực tế, với một thái độ thật sự cầu thị, thiện chí, khách quan, chắc chắn sẽ tìm ra được những đáp số chuẩn xác nhất. Bởi vì, phán quyết của Tòa trọng tài đã cung cấp và giải thích những khái niệm pháp lý rất chính xác và rõ ràng; có thể được xem như là một phụ lục của UNCLOS 1982, Từ đó, giúp cho chúng ta có căn cứ pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông.
Quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia

Quyền chủ quyền là quyền riêng biệt của quốc gia được thực thi trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là quyền có nguồn gốc chủ quyền , mang tính chất chủ quyền.

Quyền tài phán là hệ quả của chủ quyền và quyền chủ quyền, có tác dụng bổ trợ tạo ra môi trường để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền. Như vậy, quyền tài phán gắn bó chặt chẽ với lãnh thổ quốc gia. Tuy vậy, quyền tài phán cũng có thể thực thi ở nơi mà quốc gia đó không có chủ quyền. Chẳng hạn, quyền tài phán có thể được áp dụng trên tàu thuyền, phương tiện treo cờ của quốc gia đó khi chúng đang hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia khác. Quyền tài phán theo nghĩa rộng bao gồm:

- Thẩm quyền đưa ra các quyết định, quy phạm;

- Thẩm quyền giám sát việc thực hiện;

- Thẩm quyền xét xử của tòa án đối với một lĩnh vực cụ thể; theo nghĩa hẹp đó là thẩm quyền pháp định của tòa án khi xét xử một người hay một việc.

Khi thực hiện các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình, quốc gia ven biển có nghĩa vụ tôn trọng quyền lợi của các quốc gia khác, không được có hành vi cản trở quyền tự do hàng hải và tự do hàng không của tàu thuyền và các phương tiện bay, quyền tự do đặt cáp và ống dẫn dầu ngầm; không được có hành vi phân biệt đối xử trong việc các quốc gia khác thực hiện các quyền được UNCLOS 1982 quy định.
CHỦ TRƯƠNG VÀ PHƯƠNG THỨC ỨNG XỬ CỦA VIỆT NAM
Khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trên cho thấy lập trường pháp lý và chủ trương chính trị của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, rõ ràng, thể hiện thiện chí của một quốc gia thành viên có trách nhiệm của UNCLOS 1982, khi trên thực tế, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam phát hiện những hoạt động phi pháp của nhóm tàu Hải Dương 08.

Về đấu tranh ngoại giao, Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.

Căn cứ vào tính chất, mức độ và phạm vi xảy ra vi phạm và xuất phát từ thiện chí, tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng khu vực và quốc tế, Việt Nam đã cân nhắc một cách thận trọng trước khi áp dụng những hình thức đấu tranh chính trị, pháp lý, truyền thông thích hợp, khá mạnh mẽ và đúng thủ tục pháp lý hiện hành. Nội dung các văn kiện ngoại giao đã phản ánh đầy đủ lập trường nói trên của Việt Nam. Tuy nhiên, không nhất thiết phải được công bố công khai. Đó là một thực tế thông thường trong cách ứng xử giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Dù công bố hay không, giá trị pháp lý vẫn không thay đổi.

Về ứng xử của các lực lượng chấp pháp của Việt Nam tại hiện trường, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết: “Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.

Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa  được xác định phù hợp với quy định của UNCLOS 1982,  quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc: Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định.

Điều 73, UNCLOS 1982, quy định:
Trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước.

Khi có một sự bảo lãnh hay một bảo đảm đầy đủ khác thì cần thả ngay chiếc tàu bị bắt và trả tự do ngay cho đoàn thủy thủ của chiếc tàu này.

Các chế tài do quốc gia ven biển trù định đối với những vụ vi phạm các luật và quy định về mặt đánh bắt trong vùng đặc quyền về kinh tế không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác.

Trong trường hợp bắt hay giữ một tàu thuyền nước ngoài, quốc gia ven biển thông báo ngay cho quốc gia mà tàu mang cờ biết, bằng các con đường thích hợp, các biện pháp được áp dụng cũng như các chế tài có thể sẽ được tuyên bố sau đó.
Các quốc gia khác, có biển và không có biển, có 3 quyền khi đi vào vùng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của quốc gia ven biển, bao gồm: quyền tự do hàng hải, hàng không, quyền tự do đặt dây cáp, ống dẫn dầu ở đáy biển của vùng thềm lục địa. Tuy nhiên, nếu các quốc gia thực hiện những quyền này mà ảnh hưởng đến các hoạt động thăm dò khai thác, kinh tế hoặc nghiên cứu khoa học của quốc gia ven biển thì phải được sự cho phép của quốc gia ven biển. Nếu không được phép là vi phạm EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển.
Hơn nữa, theo UNCLOS 1982, việc phát hiện và xử lý các sai phạm có khả năng xảy ra hay đã xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các lực lượng chấp pháp trên biển của quốc gia ven biển cũng phải tuân thủ các thủ tục pháp lý chặt chẽ, không được phép xử lý một cách tùy tiện, đặc biệt là hạn chế hoặc thậm chí nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp bằng sức mạnh để cưỡng bức, không qua xét xử của các cơ quan tư pháp…/.
TS. Trần Công Trục
_________________________________________________
Bài đăng TCTG số 8/2019

3 nhận xét:

  1. Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982 và pháp luật Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  2. Theo UNCLOS 1982, việc phát hiện và xử lý các sai phạm có khả năng xảy ra hay đã xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các lực lượng chấp pháp trên biển của quốc gia ven biển cũng phải tuân thủ các thủ tục pháp lý chặt chẽ, không được phép xử lý một cách tùy tiện, đặc biệt là hạn chế hoặc thậm chí nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp bằng sức mạnh để cưỡng bức, không qua xét xử của các cơ quan tư pháp

    Trả lờiXóa
  3. Căn cứ vào tính chất, mức độ và phạm vi xảy ra vi phạm và xuất phát từ thiện chí, tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng khu vực và quốc tế, Việt Nam đã cân nhắc một cách thận trọng trước khi áp dụng những hình thức đấu tranh chính trị, pháp lý, truyền thông thích hợp, khá mạnh mẽ và đúng thủ tục pháp lý hiện hành.

    Trả lờiXóa