Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

Lại bàn về tự do báo chí 1


Vậy tự do báo chí là gì? Vấn đề tự do báo chí được giải quyết như thế nào ở thế giới và Việt Nam, trong lịch sử cũng như hiện tại? Thực chất của những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ tình hình tự do báo chí của nước ta là gì? Trong loạt bài này, chúng tôi xin được thêm một lần nữa trao đổi, ngõ hầu góp phần làm rõ phần nào những câu hỏi đó.
Lịch sử vấn đề tự do báo chí
Sự ra đời của báo chí là kết quả quá trình phát triển văn hóa của nhân loại, trong đó đặc biệt là những thành tựu về kỹ thuật in ấn. Nhưng chính bối cảnh của cuộc cách mạng tư sản ở phương Tây và cùng với tiến trình công nghiệp hóa, mở rộng thị trường mới là điều kiện, là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển và thể hiện sức mạnh của báo chí với tính chất là một phương tiện truyền thông mới. Trong cuộc đấu tranh một mất, một còn giữa một bên là các thế lực phong kiến, quý tộc bảo thủ và nhiều khi là cả sự sát cánh của các tăng lữ, với một bên là giai cấp tư sản đang lên cùng với nhu cầu phát triển nền kinh tế hàng hóa, báo chí ngay lập tức trở thành một quyền lực xã hội đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, các nhà nước quân chủ lúc đó đã giành lấy báo chí, giữ lấy nó như một thứ vũ khí mạnh mẽ để bảo vệ quyền lực của mình. Tự do báo chí ra đời trong bối cảnh đó và tất nhiên do chính giai cấp tư sản phát động. Ban đầu, tự do báo chí được hiểu là quyền tự do in ấn và xuất bản các tờ báo mà giai cấp tư sản lúc đó đòi được chia sẻ công bằng với nhà nước phong kiến bảo thủ đang nắm giữ độc quyền. 
Một số nhà tư tưởng tư sản từng giải thích về tự do báo chí như tự do hàng hóa. Người ta có thể tự do sản xuất các hàng hóa để đưa ra thị trường tiêu thụ thì cũng có thể tự do in ấn, xuất bản các tờ báo để bán cho người đọc. Người dân đã biết chọn cho mình thứ hàng hóa tốt thì cũng có thể chọn cho mình những ý kiến hay, những tư tưởng tốt trong báo chí tự do (Giôn Min-tơn 1608 - 1674, Giôn Xtu-át Min 1806 - 1873). Tuy nhiên, giới phong kiến quý tộc và các nhà nước bảo thủ không hiểu như thế. Họ tìm mọi cách nắm lấy báo chí và biến báo chí thành một thứ công cụ sắc bén, một thứ quyền lực mạnh mẽ để bảo vệ vị thế xã hội và các lợi ích của mình. Trong khi nhà nước phong kiến sử dụng pháp luật và cả bạo lực để ngăn cản quyền tự do báo chí của giai cấp tư sản và nhân dân lao động thì một bộ phận tôn giáo cũng đứng về phía chính quyền, hòa giọng vào “dàn đồng ca” lên án tự do báo chí, tự do ngôn luận. Trong Thông điệp Mi-ra-ri-vốt ngày 15-8-1832, Giáo hoàng Grê-gô-ri-ô XVI đã lên án mạnh mẽ và hoàn toàn loại bỏ tự do ngôn luận, tự do báo chí ra ngoài vòng pháp luật của xã hội. Thông điệp viết: Cái châm ngôn sai lầm và phi lý, hay nói cho đúng, sự rồ dại: tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, cái tự do ghê tởm nhất, tai hại nhất, mà bao giờ người ta cũng ghê sợ.
Khi giành được chính quyền, giai cấp tư sản lại đi theo vết xe đổ của nhà nước phong kiến quý tộc, giành lấy cho riêng mình độc quyền về báo chí, ngăn cản tự do báo chí ở chính quốc và đàn áp báo chí tự do ở các quốc gia, lãnh thổ thuộc địa. Cuộc đấu tranh giành tự do báo chí của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa đã phải trả giá cả bằng xương máu và nước mắt. Phải đến giữa thế kỷ XX, với kết quả của cuộc đấu tranh kiên trì, quyết liệt của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới cùng với những tiến bộ văn hóa, văn minh nhân loại, quyền tự do báo chí và cùng với nó là quyền tự do ngôn luận, mới được khẳng định và trở thành một giá trị chuẩn mực quốc tế. Điều 19 trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217A (III), ngày 10-12-1948, nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới”.
Ngày nay, quyền tự do báo chí không đơn thuần chỉ là quyền tự do in ấn, xuất bản các sản phẩm báo chí mà còn được mở rộng một cách toàn diện, bao gồm quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người làm báo; quyền tự do ra báo, thành lập các cơ quan truyền thông đại chúng; quyền tự do tiếp cận thông tin báo chí; quyền tự do truyền phát thông tin, biểu đạt quan điểm và quyền được bảo vệ và đối xử công bằng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cần phải nói rằng, lâu nay rất nhiều người vì mục đích nào đó mà thường chỉ nhấn mạnh các quyền tự do làm báo, tự do ra báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí mà quên đi quyền được bảo vệ một cách công bằng, đạo đức trên báo chí, truyền thông. Hơn thế nữa, người ta cũng vô tình hay hữu ý mà không nhắc đến vai trò của pháp luật trong điều chỉnh hoạt động báo chí phục vụ cho mục đích chung, hài hòa của xã hội và phúc lợi của nhân dân. 
Hai câu hỏi thực tế về tự do báo chí
Khi bàn về tự do báo chí, một số người thường hay trích dẫn một câu trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của nước Pháp rằng, “Tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Vì thế, bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do”; hoặc viện dẫn Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1791 rằng, Quốc hội không được làm luật liên quan đến bất cứ tôn giáo nào, hoặc ngăn cản sự tự do tín ngưỡng, hoặc ngăn cản sự tự do ngôn luận, tự do báo chí, hoặc quyền của người dân được hội họp hòa bình, và kiến nghị chính quyền để giải quyết khiếu nại. Đồng thời, người ta cũng coi đó là biểu tượng của nền tự do báo chí ở Mỹ và phương Tây nói chung. Xin nói ngay rằng, những luận điểm đặt ra trong hai trích dẫn đó là hoàn toàn đúng, là thể hiện giá trị tích cực, tiến bộ của nhân loại. Nhưng vấn đề là ở chỗ, từ những luận điểm ấy đến thực tế xã hội có khoảng cách không? Cần hiểu như thế nào cho đúng về thực chất của những luận điểm đó? Từ đây có hai câu hỏi thực tế cần phải làm rõ: Thứ nhất, phải chăng trên thực tế báo chí ở nước Mỹ và phương Tây tự do tuyệt đối, không có bất cứ một hạn chế, ràng buộc nào? Thứ hai, phải chăng báo chí Mỹ và phương Tây chỉ thông tin những gì là sự thật, phi chính trị, là hoàn toàn khách quan, không thiên vị? 
Câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất là không, hoàn toàn không!
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, tự do báo chí là thiêng liêng, là cần thiết cho cuộc sống, là một biểu hiện cho tiến bộ và một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhưng trong toàn bộ lịch sử nhân loại, khi mà xã hội còn có mâu thuẫn về chính trị, bất bình đẳng về lợi ích thì chưa bao giờ tự do báo chí là tự do chung chung, tự do cho mọi người, tự do vô bờ bến. Ngược lại, tự do báo chí bao giờ cũng là và chắc chắn là tự do cho ai, tự do vì mục đích gì. Chính vì thế, nhiều nhà lãnh đạo cách mạng tư sản trước đây đã quyết liệt đấu tranh, thậm chí bị tù đày vì đòi được chia sẻ quyền tự do báo chí với các thế lực phong kiến, quý tộc, nhưng khi giành được chính quyền về tay mình, chính họ lại ngăn cản và không ngần ngại đàn áp tự do báo chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. V. I. Lê-nin đã chỉ ra rằng, giai cấp tư sản hiểu tự do báo chí là quyền tự do ra báo của nhà giàu, là quyền của bọn tư bản chiếm đoạt báo chí... Chính phủ công nông hiểu tự do báo chí là giải phóng báo chí khỏi ách tư bản..., tức là mang lại cho nhân dân lao động quyền tự do báo chí một cách đầy đủ.
Mặt khác, theo thực tế pháp lý ở tất cả các quốc gia trên thế giới, vấn đề có tính nguyên tắc là tự do luôn gắn liền với trách nhiệm, quyền lợi luôn gắn liền với nghĩa vụ. Mối quan hệ phổ biến này nhằm mục tiêu chính đáng và khách quan là bảo đảm cho tự do của mỗi người không làm mất đi hay ảnh hưởng tiêu cực đến tự do của người khác và của cộng đồng. Đây cũng chính là nguyên tắc căn bản mà Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc đã khẳng định mạnh mẽ. Sau khi xác quyết các quyền tự do và quyền con người nói chung, Điều 29 của Tuyên ngôn này khẳng định: “Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Nói cách khác, quyền tự do nói chung, tự do báo chí, ngôn luận nói riêng của mỗi người là thiêng liêng, là quan trọng, nhưng không có nghĩa là vì những quyền đó mà người ta có thể làm gì cũng được. Vấn đề là con người sống trong một cộng đồng xã hội, vì thế, tự do của mỗi con người cụ thể không thể tách rời tự do của cả cộng đồng. Hơn thế nữa, chính sự tự do của mọi người, của cả cộng đồng là điều kiện bảo đảm cho tự do của mỗi người. Vì thế, những quyền tự do của mỗi người không thể không bị hạn chế bởi pháp luật nhằm bảo đảm cho tự do của những người khác, bảo đảm lợi ích chung cho cả cộng đồng. 
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của nước Pháp cũng thể hiện về các quyền tự do của con người và công dân Pháp theo nguyên tắc ấy. Điều khoản thứ tư của Tuyên ngôn nêu rõ: “Tự do bao gồm khả năng làm bất cứ điều gì mà không gây hại cho người khác. Như thế, việc thực hiện các quyền tự nhiên của mỗi cá nhân chỉ bị giới hạn sao cho các cá nhân khác trong xã hội cũng được hưởng những quyền tương tự. Những giới hạn này được quy định duy nhất bằng luật pháp”. Liên quan đến tự do báo chí và tự do ngôn luận, Điều 11 trong Tuyên ngôn này cũng xác định: “Tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Vì thế, bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”. Như vậy, tự do báo chí, tự do ngôn luận, bất luận trong trường hợp nào cũng là tự do có hạn định, không thể vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật.
Trở lại trường hợp của nước Mỹ, tuy không có luật riêng về báo chí nhưng Mỹ lại có nhiều điều luật từ các luật khác của Quốc hội, nhiều quy định có tính pháp lý của tòa án, của các cơ quan liên bang khác và của các bang, trong đó có những quy định, những yêu cầu giới hạn đối với hoạt động báo chí, đối với quyền và trách nhiệm của công dân liên quan đến báo chí. Ví dụ, Ðiều 2.385 Chương 115, phần 18 (Title 18), Bộ luật của Mỹ (U.S.Code) quy định: Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hay bạo lực. Năm 1953, Bộ Luật này đã được bổ sung điều khoản cho phép xét xử việc đăng tải các tài liệu mà chính phủ cho là bí mật. Chưa kể, các tổ chức báo chí ở Mỹ cũng có những quy định riêng, yêu cầu người làm báo và các cơ quan báo chí phải tuân thủ những nguyên tắc cụ thể trong hoạt động báo chí. Quy tắc báo chí Mỹ theo tinh thần “lý thuyết trách nhiệm xã hội của báo chí” xác định 7 yêu cầu hoạt động nghề nghiệp là: 1- Trách nhiệm; 2- Tự do báo chí; 3- Sự độc lập; 4- Lòng thành, sự xác thực, đúng đắn; 5- Sự vô tư; 6- Sự bảo đảm tôn trọng thanh danh; 7- Giữ thuần phong mỹ tục.
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hoạt động báo chí ở Mỹ và các nước phương Tây đã ít nhiều cởi mở hơn thời kỳ trước. Tuy nhiên, bằng hệ thống luật pháp, những chính sách và mức độ khác nhau, chính quyền Mỹ và các nước phương Tây vẫn quản lý chặt chẽ báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngoài ra, với sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường báo chí, truyền thông, hầu như tự do xuất bản báo chí và thành lập các tổ chức truyền thông hiện đại chỉ là quyền tự do của các ông chủ những tập đoàn tài phiệt giàu có, của những người có tiền, có của, có quyền lực trong tay. Không có chuyện những người nghèo hay tổ chức của họ có thể xuất bản báo chí hoặc duy trì hoạt động của một cơ quan truyền thông. Đặc biệt, các chính quyền phương Tây chưa bao giờ đối xử nhẹ tay đối với thông tin báo chí và những người làm báo bất đồng chính kiến, không “ăn cánh” với họ, có tư tưởng không đồng thuận với họ và nhất là đụng chạm đến lợi ích của các ông chủ và của nhà cầm quyền. Vụ Ét-uốt Snâu-đơn là một trong số những ví dụ sinh động và xác thực cho tình trạng đó. 
Tháng 6-2013, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) E. Xnâu-đân đã tiết lộ cho một loạt tờ báo ở Mỹ và châu Âu về một chương trình rộng lớn của Chính phủ Mỹ nhằm theo dõi thông tin điện tử của người dân, và đặc biệt là Chương trình do thám toàn cầu, trong đó cơ quan tình báo Mỹ và Anh đã bí mật giám sát các cuộc điện thoại của 35 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có cả Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken và ông Đ. Mét-vê-đép khi đó đang làm Tổng thống Nga. Vụ việc đã phơi bày ra ánh sáng mặt trái đen tối đến mức khó tưởng tượng của nền dân chủ, tự do kiểu Mỹ và làm chấn động cả thế giới. Ngay lập tức, Cơ quan An ninh nội địa Mỹ (NSA) và Lầu Năm góc tuyên bố E. Xnâu-đân đã đánh cắp 1,7 triệu trang tài liệu mật liên quan đến hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ và các chiến dịch quân sự của Mỹ. Anh ta bị cáo buộc ba tội: Ăn cắp tài sản chính phủ, truyền tin trái phép các thông tin quốc phòng và cố ý tiết lộ tài liệu tình báo mật cho người không được phép. Theo luật pháp của nước Mỹ, với những tội danh ấy, E. Xnâu-đân sẽ phải đối mặt với mức án tổng cộng 30 năm tù. E. Xnâu-đân đã phải chạy trốn khỏi nước Mỹ và hiện nay vẫn đang tị nạn ở Nga. Mặc dù việc Chính phủ Mỹ theo dõi thông tin của người dân và giám sát điện thoại của các nguyên thủ quốc gia khác là việc làm sai trái, phạm pháp và đi ngược lại những nguyên tắc của quan hệ ngoại giao, nhưng họ không những không nhận lỗi, mà còn trở thành người luận tội và truy đuổi E. Xnâu-đân. Ngược lại, E. Xnâu-đân hành động theo đúng chuẩn mực của Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp nước Mỹ, được giới thiệu nhận giải thưởng Nô-ben Hòa bình, nhưng anh ta vẫn bị coi là tội nhân và khó có đường trở về Mỹ - Tổ quốc mình.
Vậy nên, nói báo chí Mỹ và phương Tây là tự do vô bờ bến, các nhà nước ở đó không bao giờ can thiệp là cách nói vô căn cứ, một thứ xáo ngữ phi thực tế!
Trở lại với câu hỏi thứ hai, phải chăng báo chí Mỹ và phương Tây chỉ thông tin những gì là sự thật, là phi chính trị, khách quan, không thiên vị? 
Câu trả lời là không, hoàn toàn không!
Một thực tế không thể phủ nhận là Chính phủ Mỹ và các nước phương Tây thường bưng bít và ngăn chặn báo chí đưa những những thông tin về các sự kiện khách quan mà bất lợi cho họ hoặc các đồng minh. Vụ thảm sát ở Mỹ Lai trong Chiến tranh Việt Nam là một ví dụ điển hình về tình trạng đó. Ngày 16-3-1968, trong cuộc càn quét vào thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, một đơn vị lục quân Mỹ đã nổ súng giết hại 504 dân thường không có vũ khí trong tay, phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người già. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể. Trong khi đó, báo cáo của quân đội Mỹ lại ghi rằng họ đã “tiêu diệt 128 binh lính kẻ thù mà không chịu bất cứ thương vong nào”. Phải đến cuối năm 1969, tức là hơn một năm sau, một người lính Mỹ biết được vụ thảm sát này qua lời kể của những kẻ trực tiếp tham gia mới tố cáo, lôi vụ thảm sát đó ra ánh sáng và nhân loại mới được biết đến một tội ác dã man chống lại con người của quân đội Mỹ. 
Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh Péc-xích năm 1991, bộ máy tuyên truyền của quân đội Mỹ đã chuẩn bị và tổ chức rất chặt chẽ việc đưa tin để bảo đảm sự an toàn và có lợi cho họ. Các nhà báo được họ lựa chọn cẩn thận và bảo đảm mọi điều kiện sống, làm việc khi đi theo quân đội. Nhiệm vụ còn lại của họ là đưa tin theo những gì mà bộ máy tuyên truyền của quân đội Mỹ đã “xào nấu”. Giôn R. Mac A-thua, nhà báo Mỹ, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Mặt trận thứ hai: Kiểm duyệt và tuyên truyền về chiến tranh vùng Vịnh 1991”, đã nhận xét: Các hãng tin Mỹ, như FOX, CNN, ABC, CBS, NBC ít khi đưa được tin chính xác về diễn biến thực tế các trận đánh, vì hầu hết các bài và hình ảnh đều được biên soạn tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Ca-ta và Cô-oét. Các phóng viên hầu hết đều ở phía sau chiến tuyến viết bài, đưa tin dựa vào các tin và tài liệu do quân đội Mỹ cung cấp. Cũng chính trong thời kỳ này, xe tăng Mỹ đã nã đạn vào một khách sạn ở Thủ đô Bát-đa (I-rắc), nơi có hơn 100 nhà báo đang làm việc, làm cho 11 người chết, hàng chục người khác bị thương. Năm 1999, NATO không kích vào Đài Truyền hình quốc gia Nam Tư RTS ở Thủ đô Bê-ô-grat, giết chết 16 nhà báo... Những thông tin này đều bị chính quyền Mỹ kiểm soát, không để lọt ra trên báo chí của Mỹ.
Một ví dụ khác, vụ biếm họa nhà tiên tri Mô-ha-met. Cuối năm 2005, tờ báo Jyllands-Posten của Đan Mạch đăng 12 bức biếm họa về nhà tiên tri Mô-ha-met của đạo Hồi, trong đó có bức vẽ nhà tiên tri Mô-ha-met với quả bom đã châm ngòi đặt trong khăn xếp trên đầu. Trên quả bom còn có ghi một tín điều của Hồi giáo. Sau đó một số tờ báo của 40 nước ở châu Âu đã đăng lại bức tranh này, trong số đó có tờ tuần báo trào phúng Charlie Hebdocủa Pháp. Sau vụ việc này, bạo loạn đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là những nước có đông tín đồ Hồi giáo. Những người phản đối việc đăng tải những bức vẽ này cho rằng đó là sự sỉ nhục và lăng mạ Hồi giáo. Những người ủng hộ lại cho rằng việc một tờ báo in hình biếm họa hay đăng tải cái gì chăng nữa là quyền tự do báo chí chính đáng. Lạ lùng là chính phủ nhiều nước phương Tây lại lên tiếng ủng hộ và đứng ra bảo vệ, thậm chí khuyến khích các tòa báo, bất chấp những nguyên tắc về chống lạm quyền tự do đã được ghi trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc mà họ đã công nhận. Những vụ bạo loạn chống lại việc đăng tải biếm họa nhằm vào Hồi giáo đã không giúp cho các cơ quan báo chí châu Âu, nhất là tờ tuần báo trào phúng Charlie Hebdo có một bài học cần thiết về việc “lạm dụng quyền tự do” “gây hại cho người khác”, “lăng mạ tôn giáo”. Trong các năm 2011, 2013 và 2015, mỗi năm Charlie Hebdo đều có một số báo chuyên biệt đăng tải những bài viết và biếm họa liên quan đến Hồi giáo. Việc làm đó đã gây nên sự phẫn nộ trong dư luận người theo Hồi giáo. Và ngày 7-1-2015, một số phần tử quá khích đã tấn công trụ sở tuần báo trào phúng Charlie Hebdo giữa trung tâm Pa-ri. Vụ xả súng đã khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có 5 họa sĩ nổi tiếng của nước Pháp. 
Vụ xả súng ở tòa soạn Charlie Hebdo rõ ràng là hành động khủng bố cần phải lên án. Nhưng phải chăng để thực thi quyền tự do báo chí, người ta có thể tự do xúc phạm bất cứ ai, nhất là lăng mạ những điều thiêng liêng trong niềm tin tôn giáo? Nếu tự do báo chí cho người này nhưng lại làm tổn hại đến người khác, làm cho người khác không có tự do, thậm chí bị tổn thương, thử hỏi đó có phải là thứ tự do báo chí cần thiết cho con người và xã hội không? 
Ở trong nước, các chính phủ phương Tây quản lý, sử dụng báo chí truyền thông nhằm phục vụ cho lợi ích và làm đẹp hình ảnh của họ. Còn đối với các quốc gia bất đồng chính kiến, không ăn cánh hoặc yếu thế thì họ tìm cách can thiệp hoặc lũng đoạn tình hình bằng thông tin báo chí. Năm 1950, CIA bắt đầu thực hiện Chương trình “Kiểm soát nhận thức” (mind control), sử dụng các phương tiện thông tin báo chí để can thiệp vào nội tình các quốc gia không cùng chính kiến. Theo đó, họ thành lập và rót tiền cho Đài Châu Á tự do (RFA) để xây dựng các chương trình phát thanh tiếng địa phương, nhằm tuyên truyền chống các nước ở châu Á đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Cho đến nay, RFA vẫn hoạt động với chương trình theo 9 thứ tiếng, không chỉ là phát thanh mà còn bằng in-tơ-net. 
Đài Châu Âu tự do (RFE) được thành lập từ năm 1949, do Quốc hội Mỹ chu cấp kinh phí hoạt động, nhằm chống phá Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa Đông và Trung Âu trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hiện RFE có hai trụ sở ở Pra-ha (Séc) và ở Oa-sinh-tơn (Mỹ), với các chương trình phát thanh bằng 28 thứ tiếng và nhằm vào Nga, một số nước ở Trung Á, Nam Á và Trung Đông.
Bằng lực lượng báo chí khổng lồ, ảnh hưởng rộng khắp toàn thế giới, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của tiền bạc và công nghệ tiên tiến, báo chí Mỹ và phương Tây hầu như chi phối lĩnh vực truyền thông, áp đặt dư luận xã hội cả thế giới. Và bằng con đường báo chí, Mỹ và phương Tây đã phát động những cuộc bạo loạn còn được gọi dưới cái tên mỹ miều là những cuộc “Cách mạng màu” ở một số quốc gia. Vụ Ru-ma-ni năm 1989 là một ví dụ điển hình cho việc sử dụng truyền thông báo chí để kích động bạo loạn, lật đổ. Vụ việc bắt đầu từ thành phố nhỏ Ti-mi-xoa-ra với 25 vạn dân ở vùng Tran-xi-va-ni-a, vùng đất nghèo nhất châu Âu. Trong một cuộc biểu tình của người dân, chủ yếu là cán bộ, công chức và người về hưu đòi chính quyền cải thiện đời sống, một số phần tử quá khích đập phá các cửa hàng, xe cộ đã bị lực lượng an ninh bắt giữ để duy trì trật tự. Truyền thông trong nước Ru-ma-ni chỉ đưa tin đơn giản như một cuộc gây rối. Vụ việc tưởng như đã yên lặng. Nhưng báo chí phương Tây lập tức vào cuộc. Mặc dù không chứng kiến sự kiện, nhưng báo chí phương Tây đã đưa tin cuộc biểu tình gây rối ở Ti-mi-xoa-ra như “một vụ thảm sát đẫm máu”. Đài Châu Âu tự do mặc dù chỉ “nghe nói” thôi nhưng đã đưa ra số người chết lên đến khoảng từ 4.000 đến 20.000. Đó là một con số chỉ có người đặc biệt giàu trí tưởng tượng mới có thể nghĩ ra, bởi vì nó lớn hơn nhiều lần số người tham gia biểu tình. Cùng với đó là một làn sóng những tin giả để bôi nhọ Ni-cô-la Xô-xét-xcu và chế độ đương thời. Và chính thông tin báo chí đã trở thành mồi lửa cho một đám cháy dữ dội, chất kích thích sự cuồng loạn của những đám đông vô chính phủ. Kết quả là chỉ hai tuần sau, Ni-cô-la Xô-xét-xcu, người có công đưa đất nước Ru-ma-ni từ tàn phá và nghèo đói sau chiến tranh trở thành một quốc gia hòa bình, phát triển, đã bị giết hại một cách hèn hạ. Sau gần 30 năm, viên đại úy I. Bô-e-ru đã tham gia vụ xử bắn Ni-cô-la Xô-xét-xcu hối hận: “Cuộc sống của những người dân nơi đây càng tồi tệ hơn sau khi ông Ni-cô-la Xô-xét-xcu bị lật đổ. Nếu như những người đó biết tôi là ai thì có lẽ họ sẽ xé xác tôi. Tôi lấy làm tiếc vì phải nói điều đó… Chúng tôi có nhiều người giàu, nhưng cạnh đó có cả sự bần hàn cùng cực. Nước chúng tôi thiếu một tầng lớp trung lưu. Dưới thời ông Ni-cô-la Xô-xét-xcu cũng có tình trạng làm ăn gian lận, trí trá, nhưng ít lắm, còn bây giờ nạn tham ô, nhũng nhiễu lan tràn khắp cả nước”(1). Đương nhiên là những điều như viên đại úy I. Bô-e-ru thừa nhận không bao giờ được báo chí phương Tây nhắc tới. 
Còn rất nhiều những ví dụ, vô số những bằng chứng cho sự không khách quan, thái độ thiên vị và những hoạt động phục vụ cho những âm mưu chính trị của báo chí Mỹ và phương Tây. Mặc dù giới chức chính quyền và các cơ quan báo chí chính thống không bao giờ công khai thừa nhận nhưng thực ra không khó gì để người ta có thể nhận ra. Hơn nữa, trong một số trường hợp, chính những nhân vật có thẩm quyền nhất lại thú nhận cho dù “không ai khảo”. Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã gọi một số hãng truyền thông là “rác rưởi” vì sản xuất “tin tức giả”. Ngày 18-2-2017, ông ta đã viết rằng: “Truyền thông tin tức giả (các đơn vị yếu kém NYTimes, @NBCNews, @ABC, @CBS, @CNN) không phải là kẻ thù của tôi, đó là kẻ thù của người dân Mỹ!”.
Tóm lại, trả lời “không” cho hai câu hỏi thực tế đã đặt ra trên đây cũng là dễ hiểu. Bởi bản chất của tự do vốn luôn luôn là tự do cho ai, tự do vì mục đích gì và tự do trong khuôn khổ nào. Đối với tự do báo chí cũng vậy. Tự do báo chí cho mọi công dân, vì thỏa mãn nhu cầu thông tin trao đi và nhận lại và những mục đích tốt đẹp của con người và xã hội, luôn là điều mong muốn chung của mọi dân tộc, mọi quốc gia. Nhưng tự do cho mình, cộng đồng mình mà ảnh hưởng xấu đến người khác và cộng đồng khác, đâu còn là tự do. Bởi vậy, tự do báo chí phải đặt trong khuôn khổ pháp luật và những quy tắc đạo đức xã hội. Duy trì trong khuôn khổ ấy, trong những quy tắc ấy, báo chí là động lực thúc đẩy phát triển xã hội, là phương tiện phục vụ tích cực cho con người. Bỏ qua những khuôn khổ ấy, những quy tắc đạo đức ấy, báo chí rất có thể trở thành vô chính phủ, vật gây hại với văn hóa và con người, thậm chí trở thành công cụ chính trị chống phá lẫn nhau giữa các thế lực, đảng phái, nhà nước, giữa các quốc gia, dân tộc./. (Còn nữa)
---------------------------------------
(1) “Nhìn lại sự kiện ngày 25-12-1989 ở Romania”, Baomoi.com, 19-01-2018
Tạ Ngọc TấnGS, TS, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
Nguồn: TCCS

3 nhận xét:

  1. Tự do báo chí mục đích là phục vụ cho mọi công dân, vì thỏa mãn nhu cầu thông tin trao đi và nhận lại và những mục đích tốt đẹp của con người và xã hội; đây luôn là điều mong muốn chung của mọi dân tộc, mọi quốc gia.

    Trả lờiXóa
  2. Ngày nay, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước ta trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các cơ quan báo chí cách mạng.

    Trả lờiXóa
  3. Tự do báo chí phải đặt trong khuôn khổ pháp luật và những quy tắc đạo đức xã hội; có như vậy báo chí mới là động lực thúc đẩy phát triển xã hội, là phương tiện phục vụ tích cực cho con người; bằng không báo chí rất có thể trở thành vô chính phủ, vật gây hại với văn hóa và con người, thậm chí trở thành công cụ chính trị chống phá lẫn nhau giữa các thế lực, đảng phái, nhà nước, giữa các quốc gia, dân tộc.

    Trả lờiXóa