Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

VỀ LUẬN ĐIỆU: “SỰ ĐỐI LẬP GIỮA TÔN GIÁO VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY”



Thiện Trí
Trong tác phẩm Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo, V.I. Lênin đã từng vạch rõ: “Khắp nơi, bọn tư sản phản động đã chú trọng, và ở nước ta hiện nay chúng cũng bắt đầu chú trọng khêu lên những sự thù hằn tôn giáo, để làm cho quần chúng chú ý về phía đó, khiến họ không để ý đến những vấn đề chính trị và kinh tế thật sự quan trọng và chủ yếu[1]. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vấn đề tôn giáo được chúng coi là “mảnh đất màu mỡ”, là ngòi nổ trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, Bạo loạn lật đổ chống phá cách mạng Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân để chúng lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta đó chính là sự đối lập về thế giới quan của tôn giáo và thế giới quan duy vật biện chứng trong nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là cơ sở để khoét sâu khoảng cách mâu thuẫn giữa chế độ ta với tôn giáo. Thế giới quan của tôn giáo là thế giới quan “lộn ngược”, “tt cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”[2]. Tính chất duy tâm, thần bí của tôn giáo đối lập với khoa học, thế giới quan duy vật biện chứng của hệ tư tưởng Mác – Lê-nin.
Lợi dụng sự đối lập này, các thế lực thù địch đi sâu tuyên truyền, gieo rắc tâm lý cho rằng, chủ nghĩa xã hội không chấp nhận tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo, từ đó tạo ra khoảng cách, sự đối kháng giữa tôn giáo với Đảng, Nhà nước và chủ nghĩa xã hội; trên cơ sở đó, kích động tôn giáo chống lại chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng thời, tìm mọi cách phục hồi, công khai hoá cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”; nhóm “Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp” miền Trung; các nhóm “Gia đình Phật tử” ly khai. Tiến hành các hoạt động nhằm thực hiện âm mưu thành lập các tổ chức “Văn phòng công giáo đối lập”, “Hội đồng Liên tôn”, “Hiệp hội thông công tin lành các dân tộc thiểu số”, “Ủy ban liên tôn đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo”, “Liên tôn chống cộng”.
Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch còn kết hợp vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền. Chúng thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông xuyên tạc tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhằm khoét sâu sự đối lập giữa tôn giáo và chế độ chính trị của nước ta. Báo cáo về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại khu vực ASEAN năm 2017 của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) lại tiếp tục vu cáo Việt Nam “hạn chế tự do tôn giáo”, “kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa gọi là bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì đoàn kết dân tộc” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng cứ làm như là hành động của chúng là vì tín đồ, vì sự tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho nên mới chống lại Đảng, Nhà nước. Vậy, bản chất thật sự của vấn đề đó là gì ?
Nếu nhìn nhận phiến diện, siêu hình thì đúng là có sự đối lập giữa thế giới quan tôn giáo và thế giới quan cách mạng của Đảng. Sự đối lập đó, không có nghĩa là phải xóa bỏ tôn giáo, đòi hỏi có cách nhìn sâu sắc, toàn diện, lịch sử, cụ thể hơn. Chúng ta cần hiểu rằng, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tôn giáo tất yếu đồng hành cùng dân tộc. V.I.Lênin cho rằng, trong một xã hội dựa trên sự áp bức vô hạn và chính sách ngu dân đối với quần chúng công nhân, sẽ thật là vô lý, nếu tưởng rằng người ta có thể đánh tan được những thiên kiến tôn giáo chỉ bằng tuyên truyền không thôi, mà phải xóa bỏ nguồn gốc thật sự của nó, chế độ tư hữu tư liệu sản xuất. Người cũng đã chỉ dẫn rất lịch sử, cụ thể là  đối với những người vô sản nào mà còn giữ những tàn tích nào đó của những thiên kiến cũ của mình, thì chúng ta không cấm và cũng không nên cấm họ gần gũi đảng ta. Chúng ta bao giờ cũng sẽ tuyên truyền thế giới quan khoa học; chúng ta cần phải đấu tranh chống tính chất không triệt để của một số "tín đồ Thiên chúa giáo" nhưng như thế không hề có nghĩa là phải đưa vấn đề tôn giáo lên hàng đầu, vì đó không phải là chỗ của nó, và cũng không có nghĩa là vì những vấn đề không quan trọng hoặc những chuyện hão huyền, là những cái, do chính quá trình phát triển kinh tế, sẽ nhanh chóng mất hết mọi ý nghĩa chính trị và sẽ rất mau bị bỏ xó[3].
Kế thừa tư tưởng của các nhà kinh điển Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định sự đồng hành của tôn giáo với chủ nghĩa xã hội và có tinh thần rất biện chứng về việc vào Đảng của những người có đạo: “Có anh em hỏi một người Công giáo có vào Đảng Lao động được không? Có. Người Công giáo nào vào cũng được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỷ luật của Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kỹ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật, nhưng trong điều kiện hiện tại, người theo đạo vẫn vào Đảng được”[4]. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chưa bao giờ có tư tưởng xóa bỏ, kỳ thị hay áp bức tôn giáo mà luôn nhất quán nhận thức: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sự thực là Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật mới về tôn giáo trong đó đã ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo (2016), được đa số chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong nước và các tổ chức quốc tế đồng tình hưởng ứng và thừa nhận. Tính đến năm 2018, cả nước có 42 tổ chức tôn giáo thuộc 15 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động với hơn 25 triệu tín đồ chiếm 27% dân số, 55 nghìn chức sắc, hơn 133 nghìn chức việc, 29.977 ngàn cơ sở thờ tự. Sau 15 năm thực hiện NQ số 25/NQ-TW, số lượng cơ sở thờ tự tăng hơn 15,2%, số chức sắc tăng hơn 55%, số chức việc tăng 69%, tín đồ tăng 35%. Đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 7.916 cơ sở thờ tự tôn giáo, thuyên chuyển, bổ nhiệm 18.819 chức sắc và 54.794 chức việc theo quy định pháp luật. Không đất nước nào có hàng vạn nhà chùa, nhà thờ, thánh thất từ miền núi cao đến hải đảo như ở Việt Nam. Những con số đó chứng minh sự nhất quán về đường lối, chủ trương, chính sách cũng như thực tiễn tình hình tôn giáo ở nước ta hiện nay, thể hiện rõ một quốc gia tự do tôn giáo như Hiến pháp đã khẳng định. Mới đây, trong bản Báo cáo về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại khu vực ASEAN năm 2017 của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF), đã phải thừa nhận điều đó.
Như vậy, có thể khẳng định việc tuyên truyền, hình thành các tổ chức tôn giáo nhằm chống Đảng, chống chế độ với lý do tôn giáo đối lập với chủ nghĩa xã hội, và chủ nghĩa xã hội không chấp nhận tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo, hạn chế hoạt động tôn giáo là sự lừa bịp các tín đồ một cách trắng trợn. Bản chất thực sự là âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Bản chất đó từ trước đến nay không hề thay đổi, với phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, xảo quyệt thâm độc hơn. Mục đích của chúng là lợi dụng tôn giáo để tập hợp liên kết lực lượng, thành lập các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập làm đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm phá hoại khối đại đoàn kết, chia rẽ đồng bào tôn giáo, tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước và quốc tế hóa vấn đề tôn giáo để can thiệp vào chủ quyền và công việc nội bộ nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.
Chúng ta cần nhận thức tuyên truyền, giáo dục  và quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, đường lối chính sách và pháp luật của Nhà nước nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Quan tâm chăm lo xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở địa phương vùng đồng bào có đạo, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa; Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh gắn với củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; Kịp thời nắm bắt tình hình và xử lý hiệu quả các vấn đề, sự kiện liên quan đến tôn giáo; Đấu tranh kiên quyết luận điệu sai trái, nhất là các luận điệu tôn giáo đối lập với chủ nghĩa xã hội và vu khống, xuyên tạc Đảng, Nhà nước ta kỳ thị các tôn giáo; công khai vạch trần các âm mưu thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chống phá sự nghiệp cách mạng./.




[1] V.I.Lênin, “Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo”, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2005, tr.174-175.
[2] C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 20, Nxb CTQG, H. 1994, tr.437.
[3] V.I.Lênin, “Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo”, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2005, tr.174.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H, 2002, tr.115.

1 nhận xét: