Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

MỘT SÔ QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, PHẢN KHOA HỌC CỦA CHỦ NGHĨA XÉT LẠI




Tg: Vĩnh Chân

Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết về sự giải phóng và phát triển. Học thuyết ấy luận giải sự giải phóng triệt để và phát triển toàn diện con người, xây dựng một xã hội mới của con người, do con người và vì con người. Đó là học thuyết mang tính nhân văn, cao cả nhất.
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở thành vũ khí lý luận sắc bén trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân trên toàn thế giới, đem lại những thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, xây dựng thành công mô hình xã hội mới - chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Trước những thắng lợi to lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, sự thắng thế của lực lượng cách mạng, tiến bộ, những thế lực phản cách mạng tìm mọi cách để chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin, cản trở sự thâm nhập và lan rộng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Những thế lực đòi xét lại, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin đã xuất hiện ngay từ lúc C. Mác, Ph. Ăngghen, V. I. Lênin còn sống và đã phát triển mạnh khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, thậm chí đến tận ngày nay.
Trong thời kỳ hiện nay, để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin chúng ta cần có nhận thức đúng về thực chất và đấu tranh một cách quyết liệt với mọi biểu hiện của chủ nghĩa xét lại, không để cho bất kỳ học thuyết, tư tưởng nào làm cho chúng ta “lầm đường, lạc lối”.
Có rất nhiều hình thức mà các thế lực phản động, phản cách mạng đã đưa ra để chống chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó có hai hình thức cơ bản nhất đó là xét lại đòi bác bỏ chủ nghĩa Mác và nhân danh là bổ sung, phát triển cho phù hợp với điều kiện mới nhưng thực chất lại bóp méo, xuyên tạc làm mất đi bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác.
Chủ nghĩa xét lại là trào lưu tư tưởng chính trị thù địch với chủ nghĩa Mác – Lênin, xuất hiện trong nội bộ phong trào công nhân và cộng sản dưới chiêu bài “phê phán”, “xét lại”. Về thực chất, chủ nghĩa xét lại là một biến tướng của chủ nghĩa cơ hội. Cơ sở xã hội của chủ nghĩa xét lại là bộ phận được hưởng đặc quyền trong giai cấp công nhân - tầng lớp công nhân quý tộc, công nhân quan liêu. Cơ sở tư tưởng của chủ nghĩa xét lại là cuộc đấu tranh giữa hệ tư tưởng tư sản và hệ tư tưởng cộng sản trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân. Nguồn gốc của chủ nghĩa xét lại là do sự thắng lợi của cách mạng, của chủ nghĩa Mác - Lênin làm cho kẻ thù tức tối và khoác cái áo nhà mácxít để đấu tranh chống lại quyết liệt. Chủ nghĩa xét lại xuất hiện còn do trong hàng ngũ những người cách mạng có những phần tử phản bội, không vững vàng, yếu đuối, bị lợi dụng, không đủ khả năng nhận thức đúng những hiện tượng mới của thực tại, những thay đổi trong sách lượng của các đảng cộng sản. Ngoài ra, việc các đảng tư sản cầm quyền áp dụng các phương pháp của chủ nghĩa tự to, chính sách cải cách, chủ nghĩa dân tộc cũng là cơ sở làm xuất hiện chủ nghĩa xét lại.
Ngay từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa xét lại đã trở thành một hiện tượng quốc tế, đòi xét lại học thuyết của C. Mác. Chúng tuyên bố rằng chủ nghĩa duy vật từ lâu đã bị cuộc sống bác bỏ, và chúng đề nghị quay trở lại chủ nghĩa duy tâm của E. Cantơ. Quan niệm biện chứng về cách mạng về phát triển đã bị chúng đề nghị thay bằng thuyết tiến hoá. Chúng cũng tuyên bố rằng những những mâu thuẫn giai cấp đang giảm và mờ nhạt đi, rằng chế độ dân chủ tư sản, quyền đầu phiếu phổ thông sẽ thủ tiêu miếng đất đấu tranh giai cấp. Bọn xét lại phủ nhận cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản, đưa ra khẩu hiệu “Mục đích cuối cùng không là gì cả, phòng trào là tất cả”. Đến giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công ở một số nước vào những năm đầu thế kỷ XX, bọn xét lại mưu toan đẩy các đảng cộng sản vào con đường sai lầm là phủ nhận và bôi nhọ tất cả những thành tựu của chủ nghĩa xã hội và phong trào cộng sản, tuyên truyền tư tưởng cải lương, đòi tự do lập các nhóm phái và thậm chí đòi thủ tiêu các đảng mácxít-lêninnít. Đến nửa cuối những năm 60 của thế kỷ XX chủ nghĩa xét lại được khôi phục ở Tiệp Khắc với mưu toan đẩy nước này chệch khỏi con đường xã hội chủ nghĩa; phủ nhận quy luật chung trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; chống lại tư tưởng về tính tất yếu cách mạng xã hội chủ nghĩa, chuyên chính vô sản; chống lại những nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản; kết hợp sùng bái khoa học kỹ thuật với việc phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, đề cao trí thức và sinh viên...
Sau khi Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xét lại lại tích cực hoạt động trở lại trong phong trào công nhân và cộng sản quốc tế. Chúng chống lại lý luận và thực tiễn cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa xã hội hiện thực, đòi bác bỏ những thuật ngữ của chủ nghĩa Mác - Lênin trong các văn kiện của các đảng cộng sản.
Việt Nam, cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trước tác động của cuộc khủng hoảng của các nước chủ nghĩa xã hội trên thế giới, những tư tưởng xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin đã xuất hiện tạo ra những diễn biến phức tạp trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Các phần tử cơ hội, xét lại phủ nhận những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng lý luận về chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ; phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xa rời những nguyên lý của đảng cộng sản; tuyên truyền tư tưởng về dân chủ tư sản; phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân... Tuy nhiên, dù được ngụy trang dưới bất kỳ hình thức nào thì chủ nghĩa xét lại cũng không thể thay đổi được bản chất với những toan tính có mục đích của nó. Đó là biến tướng của chủ nghĩa cơ hội với ý đồ cản trở sự phát triển của lịch sử nhân loại.
Ngoài việc xét lại, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, các thế lực phản động, phản cách mạng còn lấy danh nghĩa là phát triển sáng tạo cho phù hợp với điều kiện mới để lợi dụng bóp méo, xuyên tạc làm mất đi bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Việc bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác là nhiệm vụ của bất kỳ một người mácxít chân chính nào, do sự thay đổi không ngừng của thực tiễn cách mạng quy định. Ngay C. Mác và Ph. Ăngghen cũng đã nhiều lần bổ sung, phát triển những quan điểm của mình trên tất cả các lĩnh vực cho phù hợp với thực tiễn cách mạng và sự phát triển của phong trào công nhân. V. I. Lênin cũng đã bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác lên một tầm cao mới trong khi lãnh đạo cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. Nhiều vấn đề lý luận quan trọng như chủ nghĩa duy vật, lý luận về chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, các hình thức kinh tế quá độ của những nước chưa qua chế độ tư bản chủ nghĩa,... đã được V.I.Lênin phát triển một cách sâu sắc. Chẳng hạn, về mặt triết học, trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, V.I.Lênin đã đưa ra định nghĩa vật chất nổi tiếng, khắc phục cuộc khủng hoảng trong khoa học tự nhiên, đưa chủ nghĩa duy vật phát triển lên một trình độ mới. Đặc biệt, trong tác phẩm này V.I.Lênin đã làm rõ tính đảng của triết học và phê phán thái độ không đảng phái trong triết học. V.I.Lênin phê phán những nhà triết học dùng “những lời bậy bạ, rắc rối, huênh hoang và kiêu căng, và vô số những mưu toan “phát hiện ra” một đường lối “mới” trong triết học và tìm ra một phương hướng mới” (1), muốn vượt tất cả mọi khuynh hướng triết học trước kia. Những nhà triết học đó “bịa ra những chủ nghĩa triết học mới, cái lối dùng những lời xảo trá cầu kỳ rắc rối để xoá mờ thực chất của vấn đề”(2) và thể hiện thái độ không đảng phái trong triết học như E. Makhơ và Avênariút. V. I. Lênin cho rằng “cái tham vọng ngu dại muốn “vượt lên trên” chủ nghĩa  duy vật và chủ nghĩa duy tâm, muốn khắc phục sự đối lập “cũ kỹ” ấy, nhưng kỳ thật, thì cả đám người đó cứ mỗi lúc một sa vào chủ nghĩa duy tâm và kiên quyết tiến hành đến cùng một cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa  duy vật” (3).
Trong quá trình bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn kiên định và bảo vệ đến cùng những nguyên lý căn bản trong học thuyết của chủ nghĩa Mác. Trên cơ sở những nguyên lý căn bản, Lênin đã vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, làm cho những nguyên lý đó có sức sống mới. Đó là sự vận dụng sáng tạo. Sự sáng tạo đó phù hợp với bản chất cách mạng của chủ nghĩa Mác. Còn sự sáng tạo đi đến sự bóp méo, làm mờ bản chất, xa rời những nguyên lý căn bản, về thực chất là biểu hiện rõ nét của chủ nghĩa xét lại. Từ đây, chúng ta có cơ sở để dễ dàng phân biệt những nhà mácxít chân chính và những phần tử cơ hội chủ nghĩa trong phong trào công nhân, khoác áo, nhân danh chủ nghĩa Mác để làm tổn lại cho phong trào, cho cách mạng.
Hiện nay, có nhiều nhà lý luận, nhà tư tưởng tư sản đưa ra những tư tưởng, lý luận, thuật ngữ như xã hội siêu công nghiệp”, “các cơ quan siêu quốc gia”,  “các nhà hợp nhất”, “phương tiện hợp nhất”, “siêu đấu tranh”, “ý thức hệ toàn cầu”…của Alvin Toffler; “dung hợp giai cấp” của phái Phrăng Phuốc;... Các học giả mệnh danh là “chủ nghĩa Mác mới” ở các nước phương Tây từ những năm 20 của thế kỷ XX đến nay, như Lucacs, Korsch, Hor Kheimer, Gramsi đã phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Họ cho rằng sứ mệnh lịch sử đó thuộc về trí thức tiên tiến. Hay, chủ nghĩa Mác mới ở Anh lại lấy xung đột văn hoá thay thế cho đấu tranh giai cấp... Tất cả những lý luận, tư tưởng của các học giả thuộc các trường phái trên đây xét đến cùng đều nhằm phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều đáng lưu ý là một số tư tưởng trên đây lại được một số những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin ở nước ta ca tụng, tán dương, tạo điều kiện cho những tư tưởng đó có điều kiện tác động tới ý thức hệ giai cấp, ảnh hưởng tới việc xây dựng hệ tư tưởng chính trị. Hiện nay, những vấn đề lý luận mà một số người nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin đang đòi xét lại hoặc phát triểnsùng bái vai trò của đội ngũ trí thức trong phát triển của nền kinh tế tri thức của “văn minh hậu công nghiệp”, “văn minh trí tuệ”, “văn minh tin học”, cho rằng ngày nay sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã thuộc về trí thức; phủ nhận lý luận đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản. Họ cho rằng lý luận đấu tranh giai cấp đã lỗi thời, xã hội không còn đấu tranh giai cấp, không còn chuyên chính vô sản, chỉ còn sự hợp tác, thống nhất, sự tương trợ thuần tuý lẫn nhau, v.v..
Như trên đã nói, đúng là sự phát triển của thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với điều kiện mới như thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, về mô hình chủ nghĩa xã hội mới, về vai trò của nhà nước trong điều kiện toàn cầu hoá, về xây dựng nhà nước pháp quyền, lý luận xã hội dân sự, tổng kết những thành tựu trong khoa học tự nhiên để phát triển quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, về sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản... và đặc biệt sự phát triển của các khoa học liên ngành đòi hỏi phải mở rộng chủ nghĩa Mác - Lênin như triết học chính trị, triết học giới... Tuy nhiên, dù phát triển ở những nội dung nào thì những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin phải được lấy làm xuất phát điểm. Xa rời những nguyên lý này chắc chắn những nguyên lý luận sẽ bị lệch lạc, mất định hướng, bị sa vào chủ nghĩa xét lại. Để làm được điều này đòi hỏi những nhà lý luận, đảng viên đảng cộng sản phải có bản lĩnh chính trị, dám đấu tranh không khoan nhượng bảo vệ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, không được dao động, mất lập trường, yếu đuối, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá từ bên trong. Ngoài ra, các nhà lý luận, đảng viên đảng cộng sản phải có khả năng nhận thức đúng những thay đổi của thời đại, những thay đổi trong sách lược của các đảng cộng sản. Nếu không có khả năng nhận thức đúng sự thay đổi của thời đại sẽ dẫn đến những nhận xét, đánh giá sai lầm, điều này dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, quay lại bác bỏ những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Thế giới đã có nhiều biến đổi, chủ nghĩa xét lại cũng có nhiều biến tướng khác nhau. Các đảng cộng sản trên thế giới cần phải nhận thức rằng chừng nào chủ nghĩa đế quốc còn tồn tại thì hệ tư tưởng tư sản và tiểu tư sản vẫn có thể thâm nhập vào phong trào cộng sản, biểu hiện ra ở nhiều hình thức của chủ nghĩa xét lại. Để đấu tranh chống các hình thức xét lại đòi hỏi các đảng cộng sản phải tăng cường công tác tư tưởng của đảng, nâng cao bản lĩnh cách mạng của đảng viên, đồng thời lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tạo cơ sở vật chất để đẩy lùi chủ nghĩa xét lại dưới mọi hình thức./.








(1) V. I. Lênin toàn tập, tập 18, Nxb Tiến bộ Mátxcơva 1910, tr. 416.
(2) V. I. Lênin toàn tập, tập 18, Nxb Tiến bộ Mátxcơva 1910, tr. 416.
(3) V. I. Lênin toàn tập, tập 18, Nxb Tiến bộ Mátxcơva 1910, tr. 423.

1 nhận xét:

  1. Những kẻ lật sử là những kẻ phản bội Tổ quốc, bán rẻ lương tâm; chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ

    Trả lờiXóa