Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

TIÊU DIỆT BỆNH KINH NGHIỆM VÀ GIÁO ĐIỀU

Hồng Hạc

Bệnh giáo điều là khuynh hướng tư tưởng cường điệu hóa vai trò của lý luận, coi nhẹ thực tiễn, tách rời lý luận khỏi thực tiễn, thiếu quan điểm lịch sử - cụ thể. Biểu hiện căn bệnh này thường xuất hiện dưới dạng “hàn lâm”, “kinh viện”, xa rời thực tiễn, coi trọng sách vở (đến mức lạm dụng sách); nghiên cứu học tập lý luận nhưng không “tiêu hóa” được sách. Việc coi trọng (đến mức sùng bái) sách vở “kinh điển” chính là do đọc sách quá ít hoặc không đọc đến nơi đến chốn... Lối học tập đó sẽ dẫn đến sự hình thành trong tư duy một hình thức cực đoan. Trích dẫn dần dần để thay thế cho suy nghĩ, cho lập luận lôgic. Những bài viết thoạt nhìn có vẻ giống như lý luận nhưng thực chất chỉ là tổng số những trích dẫn, sao chép suy nghĩ của người khác.

Hoặc lý luận chỉ là tổng số những công thức máy móc, đơn điệu, phiến diện, làm cho lý luận biến thành “màu xám”, không có sức sống, xa rời thực tiễn, không giúp ích gì trong việc lý giải, chỉ đạo thực tiễn. Từ đó, xuất hiện tư tưởng coi thường lý luận hoặc nói một đằng, làm một nẻo. Nói chỉ là nói lý luận suông, làm thì theo kinh nghiệm vụn vặt của cá nhân. Bệnh giáo điều hiện nay vẫn tồn tại không ít trong một bộ phận cán bộ, đảng viên gây hậu quả không nhỏ cho quá trình tổ chức triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Bệnh kinh nghiệm là khuynh hướng tư tưởng tuyệt đối hóa kinh nghiệm, coi thường lý luận khoa học. Biểu hiện cụ thể: thỏa mãn với vốn kinh nghiệm của bản thân, ngại học lý luận, không chịu khó nâng cao trình độ lý luận; tiếp xúc với lý luận ở trình độ tư duy kinh nghiệm từ đó đơn giản hóa, thông tục hóa, kinh nghiệm hóa lý luận, cố gắng “đẽo gọt” lý luận cho vừa với khuôn khổ, kích thước kinh nghiệm của mình; coi thường lý luận, không tin vào lý luận và không chịu khó vận dụng lý luận vào thực tiễn. Nguyên nhân của bệnh kinh nghiệm cũng là do không hiểu, không thấy được vai trò to lớn của lý luận khoa học đối với thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn chứng: “Có những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Cố nhiên, những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Họ quên rằng: kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi. Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ.”.

Cách khắc phục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều là tuân thủ nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong nhận thức và hành động với các yêu cầu cơ bản:

Một là, cần thay đổi nhận thức về việc học tập lý luận nhằm nâng cao trình độ tư duy lý luận, chống giáo điều về lý luận, tăng tính thực tiễn trong học tập lý luận. 

Tăng tính thực tiễn là gắn các tri thức lý luận với thực tiễn công tác, thực tiễn đất nước, làm cho thống nhất giữa lý luận và thực tiễn nhằm tăng hiệu quả hoạt động thực tiễn công tác của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán việc học tập lý luận mà không gắn với thực tiễn của cán bộ, đảng viên, là coi việc học tập lý luận chỉ để gắn cái “mác”, để có cái “bằng”, học tập để nói cho “có vẻ” lý luận; học lý luận để biết “dăm câu ba chữ” dùng làm “trang sức” hoặc để lòe người khác, chứ không để nâng cao trình độ lý luận, nâng cao trình độ tư duy lên tầm lý luận; giải thích và chỉ đạo, hướng dẫn thực tiễn bằng lý luận.

Hai là, cần vận dụng lý luận một cách sáng tạo và hiệu quả vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác.

Học tập lý luận cốt là vận dụng vào thực tiễn, phục vụ cải tạo thực tiễn, nếu không sẽ trở nên giáo điều về lý luận. Vận dụng ở đây không đơn giản là dùng những kiến thức lý luận đã học để áp dụng vào thực tế mà để phân tích, mổ xẻ thực tiễn. Phải đem những điều học được để phân tích và giải quyết các vấn đề thực tế trong công tác của bản thân mình và của Đảng, như vậy thì việc nghiên cứu, học tập, vận dụng lý luận mới có hiệu quả. Khi đem những kiến thức lý luận áp dụng vào thực tiễn phải phân tích những điều kiện cụ thể của thực tiễn để lựa chọn lý luận nào và kinh nghiệm thực tiễn nào vào cải tạo thực tiễn.

Ba là, thường xuyên tổng kết kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận, làm giàu tri thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải biết tổng kết kinh nghiệm thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác “… công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”[1]. Người nhấn mạnh: “… cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ dồi dào thêm”[2]. Đó chính là quá trình tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận. Làm được như vậy có nghĩa là làm cho lý luận được “bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động”./.

 



[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, tr.283

[2] Sđd, tr.511


2 nhận xét:

  1. có duyên mới nhận được ưu ái nhìn nhận điều này ! dễ gì , cũng như nói con người quý giá khi có phẩm chất "Lương Thức" vậy thì tội phạm đã không còn trên thế gian này !

    Trả lờiXóa