Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

NỀN KINH TẾ VIỆT NAM ĐỘC LẬP TỰ CHỦ TRONG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ HIỆN NAY

Kỳ Anh

Hiện nay, khoa học công nghệ phát triển, xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi các nền kinh tế có những mối quan hệ phụ thuộc nhiều hơn, đi cùng với đó là các vấn đề về chính trị, tranh giành lợi ích quốc gia, gây ảnh hưởng lẫn nhau, đặc biệt là các nước lớn đối với các nước nhỏ. Do đó, vấn đề giữ vững tinh thần độc lập tự chủ luôn là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách của các nước đang phát triển khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên nền kinh tế nước ta đang có nguy cơ lệ thuộc nước ngoài: Nguồn cung ứng đầu vào sản xuất trong ngành dệt may, một số nguyên phụ liệu chúng ta đã phải nhập 50 - 60% từ thị trường Trung Quốc và có tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công. Các công trình xây dựng hạ tầng giao thông vay vốn và mua sắm vật tư từ Trung Quốc. Những vấn đề đó đang tác động mạnh mẽ lên đường lối độc lập tự chủ trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong tham gia hội nhập, các quốc gia có thể chấp nhận các "luật chơi" về kinh tế, nhưng không chấp nhận mọi sự can thiệp, áp đặt từ bên ngoài về văn hoá, chính trị… Hội nhập kinh tế quốc tế là để phát triển, song không có nghĩa là phải xóa bỏ cái đặc thù, bản sắc dân tộc. Đương nhiên, làn sóng toàn cầu hoá ít nhiều tác động và làm mờ nhạt bản sắc dân tộc, nhất là khi dân tộc quốc gia ấy không đủ mạnh để chống lại xu hướng đó. Trước làn sóng hội nhập, mỗi quốc gia, dân tộc, khu vực đều có những phản ứng khác nhau. Vấn đề đặt ra là nước ta đón nhận và tham gia với tư thế nào để bản sắc dân tộc không bị mờ nhạt, chủ quyền dân tộc vẫn được giữ vững.

Chúng ta chỉ giữ vững được độc lập tự chủ khi có đủ bản lĩnh, nội lực. Nhưng để có đủ bản lĩnh, phát huy cao nhất tiềm lực vốn có của dân tộc thì phải hiểu sâu sắc luật lệ của WTO, nắm bắt đầy đủ môi trường kinh tế, luật pháp cũng như xu hướng chính trị của đối tác; nhận thức, dự báo được những biến động đó, rút ra những bài học của các nước đi trước; đổi mới và có sự bứt phá tư duy hội nhập; đấu tranh, thương lượng trên cơ sở bảo đảm độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Độc lập tự chủ trong hội nhập cũng có nghĩa là biết học tập, tiếp thu kinh nghiệm của các nước; trên cơ sở đó, cải biến, sáng tạo những giá trị mới, mang đậm bản sắc, phong cách dân tộc.

Độc lập tự chủ trong tiến trình hội nhập có nghĩa là xuất phát từ lợi ích và điều kiện cụ thể của đất nước, giữ vững, kiên trì mục tiêu phát triển của đất nước, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên yếu tố hàng đầu. Tăng trưởng là quan trọng nhưng không phải chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, bất chấp hậu hoạ có thể xảy ra. Khi chúng ta “mở cửa” đối với bên ngoài, kinh tế - xã hội đất nước sẽ có sự xáo trộn, có sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại; giữa phát triển và nhân danh sự phát triển. Do đó, cần tỉnh táo và xử lý đúng đắn, tránh tình trạng "hội" nhưng không "nhập" được với thế giới.

Chính vì thế, cần nhận thức rõ thế và lực cũng như những hạn chế yếu kém của chúng ta hiện nay; đổi mới sâu sắc và tự chủ trong nhận thức, tư duy và hành động, biến những cái riêng, đặc thù của ta thành lợi thế, mũi nhọn chủ lực. Phát huy các giá trị truyền thống, tiếp thu những thành quả khoa học - công nghệ hiện đại, phù hợp với đặc điểm và điều kiện đất nước; tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài kết hợp với nội lực tạo thành sức mạnh, nắm bắt thời cơ, vận hội cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bắt kịp với sự phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, cần tránh xu hướng nóng vội, chủ quan hay chần chừ, do dự bởi nếu vậy, khi bước vào thị trường kinh tế quốc tế rộng lớn sẽ bị thiệt hại nhiều hơn là được lợi; cần chủ động tạo nguồn nhân lực có phẩm chất, năng lực, trình độ, bản lĩnh vững vàng cho sự hội nhập; chuẩn bị tốt về pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, trong sạch cho đầu tư, kinh doanh, phát huy tối đa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân; tránh đầu tư dàn trải, không thích hợp.

Độc lập tự chủ trong tiến trình hội nhập là một quá trình sáng tạo không ngừng, biết học cái gì, học như thế nào và biến những cái học được thành của mình; biến sự thiệt thòi của người khác thành lợi thế chiến lược trong sự tiết kiệm thời gian, tăng tốc phát triển. Đó là một cách hội nhập thông minh. Suy cho cùng, hội nhập theo đúng nghĩa của nó là một dòng chảy đa chiều, “có đi có lại”, thẩm thấu và phụ thuộc lẫn nhau. Sự lệ thuộc một chiều, tiêu cực, thụ động và quá mức vào thế giới bên ngoài sẽ làm cho nền kinh tế lâm vào tình trạng bị động, phi tự chủ, đứng trước nguy cơ bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển./.

 


1 nhận xét: