Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM LÀ MÔ HÌNH CỦA NHÀ NƯỚC TƯ SẢN

 

Gió biển

Hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục công kích, xuyên tạc mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đang xây dựng. Chúng luôn rêu rao cho rằng, nhà nước pháp quyền là mô hình của nhà nước tư sản, Việt Nam xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền thực chất là đi theo mô hình của nhà nước tư sản.

Luận điệu trên đã dùng thuật ngụy biện để xuyên tạc bản chất nhà nước pháp quyền xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Nhà nước pháp quyền là biểu hiện của một trình độ phát triển dân chủ. Do vậy nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước. Nhà nước pháp quyền được nhìn nhận như một cách thức tổ chức nền dân chủ, cách thức tổ chức nhà nước và xã hội trên nền tảng dân chủ. Điều này có ý nghĩa là nhà nước pháp quyền gắn liền với một nền dân chủ. Tuy không phải là một kiểu nhà nước được xác định theo lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, nhưng không thể xuất hiện trong một xã hội phi dân chủ.

Ý tưởng về một chế độ pháp quyền đã xuất hiện từ rất xa xưa, thậm chí từ thời cổ đại bởi các nhà tư tưởng phương Tây, hay tư tưởng pháp trị tại Trung Hoa cổ đại, nhưng mãi đến khi nhà nước tư sản ra đời, với sự xuất hiện của nền dân chủ tư sản, nhà nước pháp quyền mới từ nhà nước ý tưởng dần trở nên một nhà nước hiện thực. Như vậy, chỉ từ khi xuất hiện dân chủ tư sản, mới có cơ hội và điều kiện để xuất hiện nhà nước pháp quyền. Do vậy trên thực tế tồn tại khái niệm nhà nước pháp quyền tư sản. Nhà nước pháp quyền không những có thể xây dựng tại các quốc gia tư bản mà vẫn có thể xây dựng tại các quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền với tính chất là một cách thức tổ chức và vận hành của một chế độ nhà nước và xã hội có thể xây dựng trong điều kiện chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa.

Do đó, khi xem xét, đánh giá sự ra đời của nhà nước pháp quyền tư sản cũng phải có quan điểm khoa học. Một là, thừa nhận thành tựu của nhà nước pháp quyền tư sản đối với lịch sử phát triển nhà nước. Hai là, cũng thấy nó không phải là một kiểu nhà nước mới xuất hiện ngoài lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về kiểu nhà nước. Nhà nước pháp quyền chỉ là một đặc trưng của các nhà nước trong xã hội hiện đại. Đặc trưng này có cả trong nhà nước tư sản và trong nhà nước xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Việt Nam xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phù hợp với quy luật phát triển và xu thế của thời đại.

 

 

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa