Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

KHÔNG MẮC MƯU LUẬN ĐIỆU CHO RẰNG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG LÀ ĐỂ "XOA DỊU DƯ LUẬN"

 

Phương Ngọc

Thực tế cho thấy, việc phòng, chống tham nhũng không chỉ có ở Việt Nam mà diễn ra ở tất cả các nước trên thế giới, bởi tham nhũng là “con đẻ quái thai” của bất kỳ chế độ và nhà nước nào. Ngay như Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), nơi những “nhà dân chủ”, “nhà báo tự do” tự phong bất mãn trong nước rất sủng ái cũng xảy ra rất nhiều vụ tham nhũng.

Như đã biết, trong công tác phòng, chống tham nhũng, Đảng ta đã có chủ trương xử lý thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị và quy định. Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và đã sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn cùng nhiều văn bản liên quan khác.

Từ sau Đại hội XII tới nay, với chủ trương xử lý tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; cuộc chiến phòng, chống tham nhũng đã thu được kết quả tốt, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bản chất của tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận, là tham lam, là trộm cướp”.  Như vậy, mấu chốt của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân phát tác và hệ thống pháp luật kiểm soát quyền lực chưa tốt. Đó là hành vi phản đạo đức, đi ngược lại bản chất của chế độ chính trị chứ không phải do thể chế chính trị sinh ra. Muốn có một bộ máy nhà nước tinh, gọn, mạnh như nghị quyết của Đảng gần đây đã xác định thì việc quyết liệt phòng, chống tham nhũng là đương nhiên, không phải bàn cãi.

Ở Việt Nam hiện nay, phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thực sự chứ không phải là chiêu trò “xoa dịu dư luận” hoặc đấu đá phe nhóm quyền lực như những đối tượng bị “ngáo” bởi tư tưởng dân chủ phương Tây vẫn huyễn hoặc, lừa bịp dư luận.

Rõ ràng, đây là những âm mưu thâm độc, nguy hiểm với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi và mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần phải đề cao cảnh giác, nhận diện, kiên quyết đấu tranh.

 

1 nhận xét:

  1. Nếu mọi người dân đều tỉnh táo, sáng suốt trong sàng lọc thông tin, nhận diện và ứng xử phù hợp trước những thông tin xấu độc thì các thế lực thù địch không dễ bề lợi dụng để chống phá.

    Trả lờiXóa