(TG) - Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình là công việc rất quan trọng. Bởi đây chính là cơ sở để từng tổ chức đảng xác định quyết tâm và đề ra các biện pháp đủ mạnh nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém. Để làm tốt công việc ấy đòi hỏi cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc khách quan, toàn diện trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
NGUYÊN TẮC KHÁCH QUAN, TOÀN DIỆN THEO QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN
Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta chỉ rõ: “Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ...”
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, đó là: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả; chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...”
Theo Ban Chấp hành Trung ương, nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, khuyết điểm trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Đúng như Ban Chấp hành Trung ương đánh giá, trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII việc nhận diện mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại các địa phương, cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là tình trạng vi phạm nguyên tắc khách quan, toàn diện trong nhận thức và hoạt động thực tiễn khi phân tích, nhận diện về mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ chỗ đánh giá chưa đúng, nhận diện chưa đầy đủ nên chưa xác định rõ quyết tâm và thiếu các biện pháp đủ mạnh để khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Nguyên tắc khách quan đặt ra yêu cầu khi đánh giá, phân tích sự vật, hiện tượng nào đó chúng ta phải phản ánh trung thực với tất cả những bản chất vốn có của nó. Chúng ta tuyệt đối không được lấy ý muốn chủ quan để áp đặt, gán ghép cho sự vật, hiện tượng cái mà nó không có. Mọi biểu hiện tô hồng hoặc bôi đen sự vật, hiện tượng đều là vi phạm nguyên tắc khách quan.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, thế giới tồn tại như một thể thống nhất. Các sự vật, hiện tượng vừa tồn tại tách biệt với nhau và có tính độc lập tương đối, vừa có sự liên hệ qua lại, thâm nhập và chuyển hóa lẫn nhau. Bất cứ sự vật, hiện tượng nào trên thế giới đều tồn tại trong mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác. Để có được nhận thức đúng đắn về sự vật, hiện tượng, quan điểm toàn diện đòi hỏi, một mặt chúng ta phải xem xét nó trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, các yếu tố, các thuộc tính khác nhau của chính sự vật, hiện tượng đó. Mặt khác, chúng ta phải xem xét nó trong mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác. Do vậy khi nhận thức về sự vật, hiện tượng, chúng ta phải có quan điểm toàn diện, tránh quan điểm phiến diện chỉ xét sự vật, hiện tượng ở một mối liên hệ đơn lẻ mà đã vội vàng kết luận về bản chất hay về tính quy luật của nó. |
HỆ LỤY DO VI PHẠM NGUYÊN TẮC KHÁCH QUAN, TOÀN DIỆN
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, chỉ có quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc khách quan, toàn diện mới giúp chúng ta phân tích, đánh giá, nhận diện đầy đủ về sự vật, hiện tượng, trên cơ sở đó có quyết tâm và biện pháp giải quyết đúng đắn, hiệu quả các vấn đề.
Trong thực hiện Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, cũng vậy, đánh giá đúng, nhận diện đầy đủ về mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” tại địa phương, cơ quan, đơn vị là cơ sở để chúng ta xác định quyết tâm và đề ra biện pháp đủ mạnh nhằm tạo chuyển biến tình hình. Thế nhưng, hiện nay, việc quán triệt và thực hiện nguyên tắc khách quan, toàn diện trong nhận diện, đánh giá tình hình cũng như đề ra các chủ trương, giải pháp đang nổi lên nhiều vấn đề đáng bàn.
Thực tiễn cho thấy rất rõ tình trạng cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tại địa phương, cơ quan, đơn vị quán triệt và thực hiện chưa tốt nguyên tắc khách quan, toàn diện trong đánh giá, nhận diện về mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” diễn ra khá phổ biến, biểu hiện dưới nhiều hình thức và để lại nhiều hệ lụy.
Đáng chú ý là tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu có chức, có quyền mắc bệnh gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị. Những cán bộ, đảng viên mắc căn bệnh này thường nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng theo cảm tính chủ quan, coi ý kiến của mình luôn đúng, thiếu tôn trọng ý kiến tập thể. Khi dân chủ trong sinh hoạt đảng không được tôn trọng và phát huy, đánh giá, nhận định chỉ dựa vào ý kiến của một người hoặc một nhóm người có quyền quyết định mà không nghiên cứu kỹ lưỡng, không mổ xẻ, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, thấu đáo tình hình thực tế thì thường dẫn đến tình trạng ảo tưởng, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ mà không tính hết những khó khăn, trở ngại phát sinh do cả yếu tố khách quan và chủ quan và chắc chắn những chủ trương, quyết sách ban hành sẽ không phù hợp, kém hiệu quả.
Cũng do quán triệt và thực hiện không tốt nguyên tắc khách quan, toàn diện mà trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình ở không ít cấp ủy, tổ chức đảng thường nể nang, né tránh theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”, tránh “vạch áo cho người xem lưng” hoặc xử lý sai phạm theo kiểu “nặng nhẹ tùy người”, “giơ cao đánh khẽ”... Đặc biệt là tình trạng cán bộ, đảng viên mắc “bệnh thành tích”, “giấu khuyết điểm” vẫn chưa được khắc phục triệt để. Do bị ảnh hưởng của căn bệnh ấy mà mọi thành tích, yếu kém của các tập thể, cá nhân không được nhìn nhận một cách công tâm, khách quan, toàn diện mà thường mang tính áp đặt chủ quan, không phản ánh đúng sự thật khách quan. Tình trạng này không chỉ khiến cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu không thấy hết được vấn đề, không xác định được quyết tâm và biện pháp đủ mạnh để khắc phục những hạn chế, yếu kém mà còn khiến cấp trên nếu thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát cũng bị che mắt, khó nắm bắt, không hiểu đúng thực trạng tình hình cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và làm cho cấp dưới suy giảm niềm tin, giảm sút ý chí quyết tâm phấn đấu.
Cũng vì thiếu công tâm, không khách quan, toàn diện trong nhận diện vấn đề nên cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách mảng công tác nào thì luôn tìm cách che đậy các khuyết điểm, bảo vệ cho mảng công tác của mình. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý lồng ý chủ quan của mình vào xem xét, đánh giá về sự vật, hiện tượng. Họ nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng chỉ qua lăng kính chủ quan của một người hoặc một nhóm người có thẩm quyền. Chắc chắn cách nhìn nhận, đánh giá như vậy thì không thể thấy hết được vấn đề và biện pháp đề ra cũng không thể phù hợp, hiệu quả.
ĐẨY LÙI CĂN BỆNH CHỦ QUAN, PHIẾN DIỆN
Muốn nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình, đòi hỏi mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải giữ vững và vận dụng đúng nguyên tắc khách quan, toàn diện của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Làm gì và làm như thế nào để quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc khách quan, toàn diện hay nói cách khác là để phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh chủ quan, phiến diện một chiều trong nhận thức và hoạt động thực tiễn?
Để tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này không hề đơn giản.
Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phải không ngừng học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một trong những phẩm chất quan trọng của người cán bộ cách mạng là phải có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả”. Người cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cần phải có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực. Muốn có phương pháp, tác phong làm việc khoa học thì cán bộ, đảng viên phải có lý luận cách mạng và tri thức khoa học. Trình độ lý luận cách mạng và tri thức khoa học chính là nền tảng cho phương pháp, phong cách tư duy khoa học. Sự non kém về lý luận là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho cán bộ, đảng viên thiếu tư duy biện chứng, vi phạm nguyên tắc khách quan, toàn diện trong nhận diện mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Khi không nhận diện đầy đủ về tình hình và mức độ thì khó mà có quyết tâm, hành động đúng đắn. Do vậy, trong thực hiện Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, yêu cầu đầu tiên đối với đội ngũ cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải thường xuyên học tập, rèn luyện, đặc biệt là nâng cao trình độ lý luận, tri thức khoa học để không ngừng hoàn thiện phương pháp, tác phong tư duy, làm việc khoa học thiết thực, đáp ứng với nhiệm vụ được giao.
Mặt khác, các cấp ủy đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phải đề cao ý thức dân chủ, phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội. Mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể cũng là biểu hiện của phương pháp, tác phong làm việc khoa học trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Đề cao dân chủ sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên chống được căn bệnh gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, chủ quan, phiến diện trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, phát huy tốt tính năng động, sáng tạo, tích cực của quần chúng nhân dân trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng nói chung, trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nói riêng.
Cùng với đó, để kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý kiên quyết, nghiêm minh những biểu hiện chủ quan, phiến diện, áp đặt ý kiến cá nhân gây tổn hại đến lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đặc biệt là kiểm soát quyền lực cá nhân người đứng đầu và những cán bộ lãnh đạo, quản lý có thẩm quyền ban hành quyết định về chủ trương, chính sách.
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải thường xuyên tự giác rèn luyện cho mình phương pháp, tác phong công tác khoa học, thiết thực và hiệu quả. Bởi đây là cơ sở nền tảng giúp cán bộ, đảng viên quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc khách quan, toàn diện, tránh mắc vào căn bệnh chủ quan, phiến diện. Nếu thiếu phương pháp, tác phong công tác khoa học, thiết thực, hiệu quả thì căn bệnh chủ quan, phiến diện rất dễ tái phát.
Cùng với phát huy ý thức tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi người, các cấp ủy, tổ chức đảng, cần quan tâm giáo dục, động viên tinh thần cầu thị, thái độ khiêm tốn tích cực học hỏi và tạo mọi điều kiện để cán bộ, đảng viên chủ động tiếp cận, cập nhật kiến thức mới, làm giàu tri thức, năng lực trí tuệ cho bản thân. Có trình độ lý luận, tri thức khoa học và tư tưởng tiến bộ là cách tốt nhất để cán bộ, đảng viên tôn trọng nguyên tắc khách quan, toàn diện, tự mình đấu tranh phòng ngừa, loại bỏ mọi biểu hiện chủ quan, phiến diện trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.
Phùng Kim Lân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét