Điều này đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cảnh báo có một bộ phận cán bộ, đảng viên mang biểu hiện: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể”.

Một loại “vi trùng độc hại” phá hủy nhân cách từ bên trong

Trong hơn 9 thập niên lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta đã giáo dục, rèn luyện một lớp thế hệ cán bộ, đảng viên kiên trung, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Có rất nhiều câu chuyện về lối sống cao đẹp của cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Điển hình như câu chuyện trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kể về Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) nảy ra sáng kiến cho vật liệu lót đường trước, rồi mới cho đất đá vào thì đường mới chịu được sức nặng của đoàn xe. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã triệu tập đảng viên họp và yêu cầu dỡ nhà, chặt tre lót đường cho xe qua. Được Đảng bộ xã hưởng ứng, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã về dỡ nhà mình trước. Khi dỡ nhà, có người đến hỏi: “Sao ông dỡ nhà?”. Đồng chí trả lời: “Vì miền Nam ruột thịt, vì chiến trường đang thiếu vũ khí chiến đấu, tôi không thể đứng nhìn đoàn xe không qua được. Xe chưa qua, nhà không tiếc!”. Sau đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho người nhà cùng với bộ đội, thanh niên xung phong, vác gỗ, tre ra để làm nền đường.

Những tình cảm, trách nhiệm vì dân, vì nước vẫn được phần đông cán bộ, đảng viên giữ gìn, phát huy trong thời đại mới. Tuy nhiên, những năm qua, cũng đã xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên có lối sống thực dụng. Một trong những biểu hiện dễ thấy của người cán bộ, đảng viên có lối sống này là sống vị kỷ, xem lợi ích của mình là tối thượng, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Những người này thường “vui trước thiên hạ, lo sau thiên hạ”, họ luôn tìm mọi cách thu vén, thậm chí tranh đoạt lợi ích cho riêng mình, bất chấp việc đó có ảnh hưởng đến người khác và tập thể hay không.

Cán bộ, đảng viên có lối sống thực dụng thường có tham vọng rất lớn, hám công danh, địa vị; họ tìm mọi cách để đạt được mục tiêu chính trị, leo lên các vị trí chức vụ cao, sẵn sàng “chạy” dưới mọi hình thức để dễ bề kiếm chác. Trong công việc, ngoài mặt thì họ tỏ ra tích cực, trách nhiệm, nhưng đằng sau đó, họ lại làm cho xong việc, làm cho có, cốt “đánh trống ghi tên”; khi gặp khó khăn, người có lối sống thực dụng thường dễ thoái chí, bàn lui, không dám làm, tìm cách đùn đẩy, co cụm sống trong “khoảng an toàn”; khi có thành tích thì tranh công, khi có khuyết điểm thì tìm cách đổ lỗi, không dám nhận trách nhiệm về mình. Thậm chí, người có chức vụ, quyền hạn đã dung dưỡng, bao che cho sai trái, tiêu cực, từ đó tạo ra những nhóm lợi ích để trục lợi. Trong ứng xử, người có lối sống thực dụng chỉ chú tâm vào mối quan hệ đem lại giá trị cho họ, các mối quan hệ có giá trị lợi dụng càng lớn thì càng tỏ vẻ chặt chẽ, thân thiết, nhưng khi mối quan hệ đó không còn mang lại lợi ích cho họ thì nhanh chóng nhạt phai.  

Đấu tranh, đẩy lùi lối sống thực dụng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn 

Trong những dịp được gặp gỡ, trò chuyện với các thế hệ đảng viên đi trước, khi được hỏi về lối sống thực dụng hiện nay, các bậc tiền bối đều cảm thấy lo lắng về tác hại của lối sống này đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ. Nhiều đảng viên lão thành từng cảnh báo rằng, nếu cán bộ, đảng viên có lối sống thực dụng sẽ rất nguy hại với tổ chức, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, làm giảm uy tín, hình ảnh của cán bộ, đảng viên trong lòng nhân dân.  

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao”. Yếu tố tác động, gây ra tính chất nguy hiểm trên đều có sự “góp mặt” của lối sống thực dụng đã và đang hiện hữu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Nêu gương thực hành đạo đức cách mạng-"ngọn lửa" thiêu rụi lối sống ích kỷ, thực dụng

Lối sống thực dụng bắt đầu hình thành từ trong tư tưởng, nhận thức, đến một giai đoạn nhất định, nó sẽ được thể hiện thông qua hành động của chủ thể. Từ chỗ cán bộ, đảng viên sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Đảng, của dân tộc, khi bị tác động bởi lối sống thực dụng nếu không có sự trui rèn đạo đức, lối sống, con người bắt đầu xuất hiện những tư tưởng đắn đo giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa cống hiến và hưởng thụ, từng bước tạo ra sự chuyển hóa từ bên trong, khiến cho người mang lối sống này không còn là chính họ của ngày hôm qua.

Chúng ta rất quen thuộc với câu nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đây là lời nói dân gian nhưng trong đó chứa đựng tình cảm, sự tin tưởng của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên và thể hiện trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với nhân dân. Muốn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình và góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, cán bộ, đảng viên phải thật sự gương mẫu về mọi mặt, nhất là về đạo đức, lối sống.

Cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng thì lối sống thực dụng sẽ không có cơ hội phát sinh, phát triển. Bởi vì, đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng, là thước đo phẩm chất của người cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(1). Đạo đức cách mạng là bài thuốc hữu hiệu, đặc trị “vi trùng độc hại”-lối sống thực dụng. Để diệt tận gốc “vi trùng độc hại” này, phương thức tối ưu nhất đó là cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc rằng: Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp.

Điều quan trọng nhất là cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp nói phải đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức. Đây là hành động cơ bản thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Thực tế trong Đảng ta hiện nay, có không ít cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, nói và làm có những khoảng cách, thậm chí trái ngược nhau. Không ít quan chức tự cho mình cái quyền được nói “làm những điều tôi nói, không được nói điều tôi làm”, thậm chí có người rất hay "lên mặt" rao giảng, dạy dỗ người khác bằng những từ đại ngôn, hoa mỹ, nhưng hành động, việc làm lại trái những nguyên tắc của Đảng, thậm chí còn làm ô danh Đảng. Người cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, chỉ huy muốn thu phục quần chúng, muốn quần chúng tin theo phải thực sự mẫu mực về phương pháp, tác phong làm việc, lời nói gắn liền với việc làm, hành động cụ thể, mang lại ích nước, lợi dân.

Mục tiêu, lý tưởng cách mạng của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Để hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng cao đẹp ấy, các thế hệ cha ông ta đã không tiếc xương máu hy sinh để giành và giữ vững nền độc lập dân tộc, tạo cơ sở, tiền đề xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta được sống trong hòa bình, có cơ hội phát triển toàn diện, những thành tựu to lớn của đất nước hôm nay đã được viết bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước, của lớp lớp cán bộ, đảng viên kiên trung với lối sống cao đẹp, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân, làm mọi việc để góp phần cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là lương tâm, bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay.

CHU XUÂN ĐẠI THẮNG

(1) Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.292.