Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH - QUAN ĐIỂM NHẤT QUÁN CỦA ĐẢNG TA

 

Tiên Phong

          Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thường lợi dụng, xuyên tạc, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo về tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước. Trong đó, Đảng nhấn mạnh: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quan điểm nhất quán của Đảng dựa trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và cơ sở thực tiễn từ lịch sử cách mạng Việt Nam.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nếu nước được độc lập mà dân vẫn không được hưởng tự do hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì. Giành được độc lập dân tộc, nhất định phải đưa dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội, bởi những giá trị đích thực của độc lập dân tộc chỉ có thể đạt được trong chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là tiền đề chính trị tiên quyết để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội càng được xây dựng vững mạnh thì độc lập dân tộc, với những giá trị đích thực của nó, càng được củng cố, bảo vệ vững chắc. Với tầm nhìn thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc - từ thân phận nô lệ thành một dân tộc độc lập, tự do và góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

          Một là, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn khách quan của lịch sử Việt Nam

          Các phong trào yêu nước ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX theo lập trường phong kiến hay dân chủ tư sản, tiểu tư sản đều có mục tiêu giành độc lập cho dân tộc nhưng lại sai lầm trong xác định đường lối, con đường phát triển và phương pháp đấu tranh, qua khảo nghiệm của lịch sử đều lần lượt thất bại. Chỉ có xu hướng yêu nước theo lập trường của giai cấp vô sản, gắn giải phóng dân tộc với chủ nghĩa xã hội được khẳng định cả về phương diện khoa học và thực tiễn, được phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam chấp nhận và thực hiện. Chính thực tiễn lịch sử đã khách quan lựa chọn con đường cách mạng vô sản là con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Sự phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản đã đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam đi đến thành công, nhân dân đã giành lại và củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc, là cơ sở vững chắc để phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

          Hai là, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cách mạng Việt Nam

          Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được thể hiện xuyên suốt qua các giai đoạn (1930-1945) đến tiến trình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975). Sau nhiều thập kỷ đấu tranh gian khổ, dân tộc Việt Nam đã giành lại trọn vẹn nền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc (30-4-1975), mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc - thời kỳ cả nước cùng quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những giá trị của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được thể hiện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh mới, những tiềm năng, lợi thế của cả hai miền đất nước được huy động, tập trung cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là điều kiện cực kỳ quan trọng, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

          Ba là, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là động lực mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam

          Độc lập dân tộc, tinh thần dân tộc luôn là động lực to lớn của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhằm xây dựng đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mục tiêu đó phù hợp với lợi ích chung của cả đất nước, lợi ích của các giai cấp, tầng lớp xã hội và mỗi cá nhân. Đảng tiếp tục phát huy chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường; không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát huy thế mạnh của đất nước trong điều kiện đã giành được độc lập, thống nhất để đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

           Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, nếu chỉ "kiên định" một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định mà "đổi mới" một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, "đổi màu". Cho nên, kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần, trách nhiệm đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc xugn quanh vấn đề này./.

1 nhận xét:

  1. Nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

    Trả lờiXóa