Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

CỦA CHO KHÔNG BẰNG CÁCH CHO

 

Xây Dựng

Đoàn kết, nhân văn là những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, những giá trị đó được hun đúc từ ngàn năm lịch sử, được hình thành từ mảnh đất luôn phải đối phó với thiên tai, địch họa. Những ngày này, khi mưa bão, lũ chồng lũ, sạt lở đất ở các tỉnh Miền Trung gây ra những tổn thất to lớn về người và của. Trong hoạn nạn, gian khó, người dân Việt Nam ở cả nước đều hướng về Miền Trung mong một phần chia sẻ với dân ở đây. Hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên vận động mọi người tham gia từ thiện và đích thân dầm mình trong mưa, lũ đến với bà con, và những đoàn xe dài nối đuôi nhau hướng về Miền Trung, nhưng cụ già, em nhỏ đem từ quyển sách, manh áo ấm,.. đến các điểm vận động ở khắp nơi trên cả nước mới thấy được tinh thần đoàn kết, nhân văn của người dân đất Việt như thế nào.

Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin, hình ảnh mang tính tích cực thì cũng không ít những hình ảnh, thông tin đi ngược lại khiến cho không ít người trên cả nước cũng như người dân ở Miền Trung chạnh lòng. Họ đưa hình ảnh, live stream về người dân vứt bỏ bánh, vứt bỏ quần áo, hoặc những cái áo, cái quần được tặng “gây cười ra nước mắt”. Đặc biệt hơn, là thông tin về cán bộ thôn ở Thôn Ngọa Cương, Cảnh Hóa, Quảng Trạch, Quảng Bình thu lại tiền hỗ trợ, giúp đỡ mà các nhà từ thiện thông qua ca sĩ Thủy Tiên. Chưa rõ thực hư thế nào, nhưng các tài khoản trên mạng xã hội luôn mang trong đầu tư tưởng tiêu cực đã tập trung vào bé xé ra to, quy kết nhằm hạ uy tín của đội ngũ cán bộ ở vùng bị ảnh hưởng lũ lụt. Tìm hiểu của một số người trong cuộc thì được biết đó là cách làm của cán bộ thôn “Người vác tù và hàng tổng” với mong muốn tấm lòng từ thiện được san sẻ đều khắp cho mọi người.

Trong thế giới thông tin hiện nay, các vấn đề đều sẽ được làm sáng tỏ, song thiết nghĩ trong hoạt động từ thiện, ngoài cái “Tâm” cũng cần có cách làm phù hợp, nếu không quà của các tấm lòng từ thiện không đến đúng nơi, đúng chỗ, hoặc được chia sẻ có nơi thì quá nhiều và có những nơi thì quá khó khăn, rồi từ đó gây ra những hiểu lầm, hiểu sai làm tổn thương, tủi thân cả những người cho và người nhận. Thế mới biết, các cụ nhà ta nói đúng: “Của cho không bằng cách cho”./.

 

 

1 nhận xét: