Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

VỀ THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN Ở HOA KỲ


Cương Trực

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - quốc gia luôn tự coi mình là “thành trì bất khả xâm phạm” của nhân quyền, được đứng trên thế giới để đánh giá, phán xét tình hình thực hiện dân chủ, nhân quyền ở các quốc gia khác. Hãy xem xét nhân quyền trong chính “thành trì” này khi thực hiện Công ước chống tra tấn.
Trước hết, về quy định pháp lý, Đạo luật Chống tra tấn trong Bộ luật liên bang của Hoa Kỳ định nghĩa, tra tấn là một “hành vi cố ý gây đau đớn và khổ đau nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người trong khoảng thời gian người đó bị bắt giam hay quản lý”. Hoa Kỳ cũng là một trong 156 quốc gia phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Theo đó, bất cứ ai tại Hoa Kỳ thực hiện, hay cố tìm cách thực hiện hành vi tra tấn sẽ bị phạt tù tối đa 20 năm và “nếu dẫn đến làm chết người đối với bất cứ ai khi thực hiện những hành vi bị cấm trong điều khoản này, sẽ bị tử hình hoặc phạt tù trong một số năm nhất định hoặc tù chung thân”. Đồng thời, Điều 4 thuộc Công ước Chống tra tấn của Liên hợp quốc cũng quy định “mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều cấu thành tội phạm theo luật hình sự của nước mình”. Đồng thời, “mỗi quốc gia thành viên phải trừng trị những tội phạm này bằng những hình phạt thích đáng tương ứng với tính chất nghiêm trọng của chúng”.
Tuy nhiên, ngày 09.12.2014, Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ đưa ra kết luận về Chương trình Thẩm vấn tù nhân của CIA nêu rõ tổ chức này đã không trung thực với Nhà Trắng và công chúng về các kỹ thuật thẩm vấn tù nhân nghi có liên quan đến vụ tiến công khủng bố ngày 11.9.2001. Hành động tra tấn của họ tàn nhẫn hơn so với những gì cơ quan này thừa nhận. Trong đó, CIA đã sử dụng các biện pháp như: sử dụng âm thanh lớn, dội nước đá, lạm dụng tình dục, giam giữ các tù nhân hoàn toàn trong bóng tối tại các phòng giam riêng biệt với những điều kiện sinh hoạt hà khắc… Bản báo cáo đề cập đến trường hợp một nghi can bị trói đứng bằng xích vào tường trong vòng 17 ngày và một số tù nhân bị bắt thức gần 180 giờ trong tư thế đứng hay những tư thế khó khăn khác. Đồng thời, đề cập đến cái chết của Gul Rahman, nghi can người Ápganixtan, nghi bị chết do suy giảm thân nhiệt trong năm 2002 sau khi bị đánh đập, lột trần từ thắt eo và bị trói trên nền bêtông ở nhiệt độ gần bằng không.
Vậy mà, cho đến nay, sau khi bản báo cáo của Thượng viện Hoa Kỳ được công bố gần 3 năm, Hoa Kỳ vẫn chưa phát động bất cứ hoạt động truy tố nào đối với các mật vụ của CIA hay những người có liên quan trong Chương trình Thẩm vấn của CIA, bất chấp những lời kêu gọi từ ngay trong lòng Hoa Kỳ và trên thế giới yêu cầu họ phải truy tố những người có liên quan. Sự kiện này đã “tố cáo” Hoa Kỳ đi ngược lại với những giá trị nhân quyền, đi ngược lại những quy định luật pháp của chính Hoa Kỳ và quốc tế về bảo vệ nhân quyền. Thay vì liên tục đi rao giảng nhân quyền trên thế giới, Hoa Kỳ cần nhìn lại chính mình để có cách hành xử đúng mực hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét