Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

THỰC CHẤT CHẾ ĐỘ ĐA ĐẢNG Ở CÁC NƯỚC TƯ BẢN CHỦ NGHĨA


Cương Trực
Bàn về dân chủ, một số người cho rằng, quốc gia chỉ có một đảng là không dân chủ và họ coi chế độ đa đảng ở các nước tư bản chủ nghĩa là dân chủ. Tuy nhiên, trên thực tiễn, chế độ đa đảng có thực sự dân chủ?
Thực chất của chế độ đa đảng ở các nước tư bản là các chính đảng khác nhau cùng tranh quyền lãnh đạo nhưng dù ai nắm quyền thì quyền lực nhà nước đều nằm trong tay giai cấp tư sản. Chế độ đa đảng là một bộ phận hữu cơ của chế độ chính trị nhà nước tư bản chủ nghĩa, đó là sự phản ánh về mặt chính trị của cuộc đấu tranh vì lợi ích kinh tế giữa các tập đoàn tư bản trong nội bộ giai cấp tư sản và đều phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản.
Chế độ đa đảng ở các nước tư bản chủ nghĩa kiên trì chế độ tư hữu, tôn thờ triết học thực dụng, coi dân chủ, tự do, nhân quyền và quan niệm giá trị của giai cấp tư sản là “chân lý vĩnh hằng” và là “cái gốc của đất nước”. Các đảng luân phiên chấp chính là một thủ đoạn của giai cấp tư sản dùng để bảo vệ sự thống trị lâu dài của họ. Đó là chiêu bài lừa bịp nhân dân lao động, tạo ra ảo tưởng dân chủ đối với chế độ nghị viện và chế độ bầu cử của giai cấp tư sản, có lợi cho việc bảo vệ nền thống trị của giai cấp tư sản và chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong tranh cử, các chính đảng đưa ra những công kích lẫn nhau, trương lên những khẩu hiệu, chính sách và hứa hẹn mới nhằm mê hoặc cử tri cho cử tri một sự mãn nguyện giả tạo; tập trung sự chú ý của nhân dân vào việc thay chính phủ và chọn người lãnh đạo mà sao nhãng những lợi ích thiết thân, sao nhãng cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản.
Ph. Ăng ghen đã từng vạch trần một cách chính xác bản chất chế độ đa đảng của giai cấp tư sản: “Chúng ta có thể nhìn thấy ở đó hai băng nhóm lớn các nhà đầu cơ chính trị. Chúng luân phiên nắm chính quyền và điều hành chính quyền này bằng những thủ đoạn nhơ bẩn nhất nhằm vào những mục đích bỉ ổi nhất, còn quốc dân thì bất lực trong việc đối phó với hai tập đoàn chính khách lớn này. Bọn người này bề ngoài là phục vụ quốc dân, nhưng thực tế lại là thống trị và cướp bóc quốc dân”.
Hoa Kỳ là quốc gia điển hình thực hiện hai đảng luân phiên nắm quyền, cũng là nơi rêu rao tính ưu việt của chế độ đa đảng. Tuy nhiên, nếu xem xét cụ thể sẽ thấy rõ, Đảng Cộng hòa là đảng được sự hậu thuẫn của các tập đoàn vũ khí, tập đoàn dầu khí…, còn Đảng Dân chủ lại là đảng được sự hậu thuẫn của các tài phiệt tài chính. Cả hai đảng đều là đảng của giai cấp tư sản, đều đại diện lợi ích cho giai cấp tư sản. Dù là Dân chủ hay Cộng hòa đều thống nhất về bản chất thuộc về giai cấp tư sản.

Như vậy, dù là hai hay nhiều đảng, quyền lực nhà nước không bao giờ thuộc về  đại đa số nhân dân lao động. Dân chủ là mục tiêu phấn đấu, là một yếu tố cần thiết mà mỗi quốc gia đều nỗ lực hướng tới. Dân chủ đích thực phải dựa trên lợi ích của quốc gia, dân tộc, của toàn thể nhân dân, chứ không phải ở chỗ có nhiều đảng phái tồn tại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét