Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2023

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM CHO RẰNG CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ Ở VIỆT NAM LÀ KHÔNG BÌNH ĐẲNG

Gió biển

Các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị ở cả trong nước và nước ngoài thường xuyên chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta vẫn xuyên tạc rằng: Một mặt, Đảng, Nhà nước ta chủ trương phát triển kinh tế thị trường, phát triển kinh tế nhiều thành phần, đa dạng các hình thức sở hữu; doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhưng mặt khác, Nhà nước ta lại xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế thì như vậy là có sự phân biệt đối xử, không thể bình đẳng.

Với những luận điệu đưa ra như trên, thực chất chúng đã xuyên tạc quan điểm, đường lối chính sách của Đảng ta. Việc thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần là theo quy luật kinh tế, không phải là chủ quan của Đảng. Đảng ta xác định, trong phát triển kinh tế, một mặt phải thừa nhận sự tồn tại khách quan của nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu, phải tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát huy vai trò đối với sự phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, phải bảo đảm kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là phân biệt, đối xử hay hạn chế các thành phần kinh tế khác, mà phải hoàn thiện cơ sở pháp lý để tất cả các thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân được tiến hành sản xuất kinh doanh bình đẳng. Giữa kinh tế nhà nước và các thành phần kinh tế khác có mối quan hệ hữu cơ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước càng phát triển thì đóng góp vào ngân sách càng lớn, tức là làm cho bộ phận phi doanh nghiệp của kinh tế nhà nước phát triển. Với vai trò chủ đạo là thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, sự phát triển của khu vực kinh tế nhà nước thậm chí còn là một trong những tiêu chí đánh giá sự hoàn thành vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước. Sự phát triển năng động, hiệu quả của khu vực kinh tế ngoài nhà nước cũng là nhân tố vừa trực tiếp, vừa gián tiếp thúc đẩy khu vực kinh tế nhà nước phát triển.

Những luận điệu như vậy không phải là không có tác động đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm một số người băn khoăn, ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội; làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; ảnh hưởng tới việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức sâu sắc và tích cực tuyên truyền cho người nhân hiểu rõ về đường lối, quan điểm của Đảng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét