Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

Đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về vai trò của công tác chính trị trong quân đội nhân dân Việt Nam

(TG) - Mặc dù ý nghĩa, vai trò của công tác chính trị trong quân đội nhân dân Việt Nam là vô cùng quan trọng và không thể phủ nhận, song với âm mưu đòi “phi chính trị hóa” quân đội, phá hoại chủ trương xây dựng cũng như sự lãnh đạo của Đảng ta đối với quân đội, tiến tới phá hoại sự ổn định chính trị - xã hội và cuối cùng là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, các thế lực chống đối, thù địch vẫn không ngừng sử dụng các thủ đoạn, chiêu trò để xuyên tạc, chống phá, nhất là về vai trò của công tác chính trị trong quân đội nhân dân Việt Nam.

Ảnh minh họa

NHẬN DIỆN CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

 Hiện nay, các thế lực chống đối và thù địch đang tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông, internet, blog, mạng xã hội, các đài phát thanh chương trình Việt ngữ, báo, tạp chí, nhà xuất bản tiếng Việt, các website; lập nên những “diễn đàn” (forum) hòng tập hợp những phần tử bất mãn, chống đối và cả những kẻ đã bị kỷ luật giờ quay lại chống phá… nhằm “tập hợp ý kiến”, nhân danh “đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, “phản biện xã hội”, “hiến kế cho Đảng”… Từ đó, trích dẫn, bình luận và  phát tán những thông tin xấu, độc nhằm chống phá, xuyên tạc về vai trò của công tác chính trị trong quân đội nhân dân Việt Nam. Có thể nhận diện luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch qua các nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất, các thế lực thù địch cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng công tác chính trị là nhằm mục đích biến quân đội thành “công cụ bạo lực tiêu diệt tất cả những ai chống lại Đảng”(!?). Họ sử dụng các kỹ thuật cắt xén, lắp ghép hình ảnh của các cuộc hành quân, tập trận, hình ảnh hỗ trợ lực lượng an ninh trong công tác phòng, chống bạo loạn, trấn áp tội phạm… để rồi dựng lên câu chuyện quân đội “được Đảng điều đi để dập tắt một cuộc biểu tình của nhân dân”(!?) và “sẵn sàng dùng lực lượng đó để đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến”(1).

Lịch sử gần 80 năm với những chiến công mang tầm vóc thời đại của Quân đội nhân dân Việt Nam đã cho thấy: Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của Quân đội ta đó chính là nhờ có công tác lý luận chính trị trong quân đội. Có thể khẳng định, ngay từ khi được thành lập, những chiến công, những thành quả các mạng mà quân đội Nhân dân Việt Nam có được thì ngoài về con người và vũ khí còn phải kể đến vai trò của công tác lý luận chính trị. Việc Đảng ta đã ban hành Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (1944) để từ đó hình thành nên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay) đã cho thấy công tác lý luận chính trị “không chỉ có giá trị định hướng dẫn dắt mọi hoạt động của Đội mà nó còn đánh dấu bước hoàn chỉnh lý luận xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền ở Việt Nam”(4). Đây cũng là cơ sở đầu tiên dẫn đến hai chiến thắng liên tiếp là Phai Khắt và Nà Ngần vào ngày 24 và 25/12/1944. Chiến thắng này đã tác động mạnh mẽ, gây tâm lí hoang mang, lo sợ trong hàng ngũ quân địch, đồng thời cổ vũ tinh thần cách mạng của quân chúng nhân dân, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ vùng dậy đạp đổ xiềng xích của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Trải qua thời gian, từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (1944) cho đến các văn kiện ở các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc sau này đều đã khẳng định: Công tác chính trị với nền tảng là Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp cho cán bộ và chiến sĩ trang bị thế giới quan khoa học, phương pháp luận đúng đắn, niềm tin cộng sản; ngày càng nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”... Từ đó, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Công tác này đã kịp thời định hướng tư tưởng cho bộ đội trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động.

Là đội quân từ “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”, nếu trong thời chiến, những chiến thắng hiển hách của quân đội ta đều là những chiến thắng trước kẻ thù xâm lược và phá hoại (thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Khơ-me Đỏ ở biên giới Tây Nam; Trung Quốc ở biên giới phía Bắc…) thì trong thời bình, đó là sự dũng cảm, mưu lược đầy trí tuệ và khoa học trước những nhiệm vụ mới. Đó là Dự báo và nắm chắc đúng tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh, trong quan hệ đối nội và đối ngoại; luôn chủ động để đất nước không bị động, bất ngờ về chiến lược, đồng thời không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; luôn giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ tốt với các nước láng giềng; bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững; luôn là lực lượng xung kích đi đầu và thể hiện trách nhiệm cao trong việc giúp dân, giúp nước trong phòng chống đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ... Đặc biệt, trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế với mục tiêu hòa bình, ổn định để cùng phát triển, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ cao cả, như: giúp nhân dân Campuchia, nhân dân Lào trong sự nghiệp đấu tranh chống quân xâm lược, giải phóng dân tộc; cử các đội tình nguyện thực thi các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi (thông qua các Bệnh viện dã chiến các cấp) và gần đây nhất là cử Đoàn cứu hộ, cứu nạn gồm 76 cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã đến Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ hỗ trợ nước bạn khắc phục hậu quả thảm họa động đất... Những việc làm này đã góp phần khẳng định uy tín, vị thế, tinh thần trách nhiệm, năng lực tác chiến của Quân đội ta và khẳng định với thế giới: Quân đội Nhân dân Việt Nam là đội quân không chỉ bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Tổ quốc mà còn hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả. Do đó, cái gọi là “công cụ” để “tiêu diệt tất cả những ai chống lại Đảng” chỉ là những chiêu trò vu khống, xuyên tạc mà các thế lực thù địch đã và đang tiến hành.

Thứ hai, hoàn toàn ấu trĩ và sai lầm khi cho rằng: vì được trang bị công tác chính trị của Đảng nên quân đội Việt Nam đã mất đi vai trò “trung lập” cũng như mất đi sức mạnh, sức chiến đấu

Theo Từ điển Tiếng Việt, “trung lập” có nghĩa là một tổ chức, một tập thể hoặc cá nhân nào đó “đứng ở giữa hai bên đối lập, không theo hoặc không phụ thuộc vào bên nào”. Chiếu theo nghĩa này thì “quân đội trung lập” là khi “không theo hoặc không phụ thuộc” vào một trong “hai bên đối lập”, và quân đội của một quốc gia chỉ “trung lập” khi quốc gia đó đang có sự tồn tại của “các bên đối lập” tranh giành nhau về quyền lực, lợi ích, vị thế xã hội…

Xét trong bối cảnh tổng thể hiện nay, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một khối thống nhất về mặt dân tộc, lịch sử, kinh tế... Hệ thống chính trị của Việt Nam gắn bó chặt chẽ với nhau, cùng chung mục đích xây dựng, phát triển đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội, do Đảng Cộng sản lãnh đạo: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”(5)… Như vậy, ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có cái gọi là “hai bên đối lập”!

Ở Việt Nam, trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng: “Cả lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng Quân đội bao giờ cũng mang bản chất giai cấp và chịu sự lãnh đạo của giai cấp đã tổ chức ra nó; đó là cơ sở để xác định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ, các mối quan hệ của Quân đội. Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, luôn mang trong mình bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và tỉnh nhân dân sâu sắc, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân”(6) … Như vậy, quân đội xét ở bất kỳ góc độ nào cũng không thể có cái gọi là “quân đội trung lập”! Điều này, đã từng được Lênin chỉ rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị, đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ, giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản…”(7).

Rõ ràng là “Quân đội không thể và không nên trung lập”. Vậy thì, sức mạnh, sức chiến đấu của quân đội có phụ thuộc vào yếu tố “trung lập” hay là phụ thuộc vào các yếu tố khác? Khi bàn về sức mạnh, sức chiến đấu của quân đội, Ph.Ăngghen cho rằng: “Toàn bộ việc tổ chức và phương thức chiến đấu của quân đội, và do đó thắng lợi hay thất bại rõ ràng là phụ thuộc vào các điều kiện vật chất, nghĩa là điều kiện kinh tế”(8)Như vậy, sức mạnh, sức chiến đấu cho quân đội được hình thành trước hết là do “điều kiện kinh tế” và sau đó là nhiều yếu tố khác gắn với từng hoàn cảnh lịch sử và từng quốc gia riêng biệt. Từ lý luận của Ăngghen, đối chiếu vào lịch sử và thực tiễn hoạt động của Quân đội Nhân dân Việt Nam, chúng ta thấy: Sức mạnh của quân đội cách mạng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật, cách đánh, truyền thống dân tộc… trong đó, con người và vũ khí là yếu tố cơ bản nhất. Đặc biệt, yếu tố giữ vai trò quyết định đến sức mạnh chiến đấu của quân đội là yếu tố chính trị tinh thần: “Quân đội muốn nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ sẵn sàng chiến đấu; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới thì phải lấy vững mạnh về chính trị và chuẩn mực “Bộ đội cụ Hồ” làm cơ sở”(9).

 

Thứ ba, chỉ là chiêu trò đánh tráo khái niệm khi cho rằng một số cán bộ, sĩ quan trong quân đội vi phạm kỷ luật là “sai phạm của cả hệ thống”, là “căn bệnh chung do quy trình đào tạo bổ nhiệm cán bộ tạo ra”.

Thời gian qua, đã có một số sĩ quan cấp tướng và nhiều cán bộ khác của quân đội được giao trọng trách nhưng đã mắc những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng; làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương quân đội và gây bức xúc trong xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sai phạm này, tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản và sâu xa nhất đó là do ý định chủ quan của chính những người vi phạm. Cụ thể: Những người vi phạm này, hoặc là họ lợi dụng việc được nhà nước, quân đội giao nhiệm vụ để cấu kết, sai phạm; hoặc là mắc bệnh công thần, kiêu ngạo, đến chủ nghĩa cá nhân, xa rời tổ chức, coi thường kỷ luật Đảng, kỷ cương phép nước. Họ không ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình, đòi hỏi thái quá ở tổ chức, tự cao, tự đại nên đã nảy sinh tiêu cực. Những người này là những người suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống; thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu thường xuyên rèn luyện đạo đức... và hoàn toàn không phải là đại diện cho cho quân đội, cho hệ thống chính trị Việt Nam!

Thực tế đã cho thấy: lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội và các cựu chiến binh, cựu quân nhân vẫn luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; luôn giữ gìn và phát huy truyền thống cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Những trường hợp sai phạm như trên chỉ là cá biệt, là “con sâu làm rầu nồi canh” và đã phải nhận những hình thức kỷ luật đích đáng. Điều này đã cho thấy quan điểm nhất quán của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và rộng hơn là của Đảng và Nhà nước ta: Vừa kiên quyết xử lý sai phạm một cách công khai, nghiêm minh để giữ cho được lòng tin của nhân dân, giữ cho được bản chất trong sạch của chế độ, vừa giữ vững những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của quân đội.

Như vậy, việc một số cán bộ, sĩ quan trong quân đội vi phạm kỷ luật  hoàn toàn không phải là sai phạm của “cả hệ thống” mà chỉ là sai phạm của cá nhân. Việc đổ thừa cho quy trình đào tạo bổ nhiệm cán bộ mà Đảng, Quân ủy trung ương, thực chất chỉ là chiêu trò lèo lái dư luận, đánh tráo khái niệm nhằm chia rẽ và phá hoại của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, việc các thế lực thù địch, phản động lấy hình thức/nguyên cớ để quy chụp, phủ nhận còn cho thấy rằng, họ hoặc cố tình, hoặc rất kém hiểu biết về thực tiễn sinh động đang diễn ra. Bởi lẽ, trước hoặc cùng một sự vật sự việc nhưng lại mang một tư duy hẹp hòi, định kiến thì hẳn nhiên những người này sẽ không hoặc khó có thể nhìn thấy điểm tốt, điểm tích cực của sự vật, sự việc ấy.

*          *

*

Rõ ràng, các quan điểm sai trái, xuyên tạc về vai trò của công tác chính trị trong quân đội nhân dân Việt Nam mà các thế lực thù địch đang tiến hành, về bản chất đó là sự chia rẽ và phá hoại nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng ta đối với quân đội, vô hiệu hóa vai trò của quân đội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, để đập tan âm mưu phản động này, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác chính trị trong quân đội: Kịp thời định hướng tư tưởng cho bộ đội trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động; giữ vững được bản lĩnh chính trị, giữ vững kỷ cương, kỷ luật một cách nghiêm minh… và hơn hết: “Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân; tách rời sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta sẽ mất phương hướng chiến đấu, phân rã về chính trị, tư tưởng, tổ chức, không còn sức mạnh để chiến thắng quân thù. Bài học đắt giá về sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây vẫn còn nguyên giá trị”(10). Đây cũng chính là một trong những cơ sở quan trọng để góp phần vào việc xây dựng một nước Việt Nam “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đặt trong bối cảnh lịch sử gần 80 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặt trong mối quan hệ biện chứng “cá – nước” giữa Quân đội và Nhân dân Việt Nam, và xét trong mối quan hệ với thế giới, chúng ta hoàn toàn có cơ sở khẳng định rằng: Công tác lý luận chính trị trong Quân đội không phải là hoạt động giáo lý khiến cho người chiến sĩ u mê, chỉ biết có mỗi việc cầm vũ khí; cũng không phải là sự ràng buộc để làm cho quân nhân sợ sệt… như những luận điệu xuyên tạc và xảo trá của các thế lực thù địch, chống đối "nhai đi nhai lại"; mà ngược lại: “Bản chất công tác đảng, công tác chính trị là hoạt động lãnh đạo. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, ứng tác chính trị chính là giữ vững và phát huy sự lãnh đạo của tặng đối với các mặt hoạt động, các nhiệm vụ của Quân đội, góp phần xây dựng tổ chức, con người vững mạnh, thiết thực xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị(11)”./.

Là bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng, mặt hoạt động cơ bản của công tác đảngcông tác chính trị trong quân đội nhân dân Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc góp phần xây dựng nhân cách và phẩm chất người quân nhân cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác chính trị đã trở thành một trong những cơ sở vững chắc để quân đội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc gắn với từng bối cảnh lịch sử.

TS. Bùi Tiến Sỹ
ThS. Trần Văn Quang
Học viện Chính trị khu vực III 

--------------------

(1) (2) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/danger-of-determination-not-to-politicize-military-12192019140153.html.

(3) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-the-tradition-and-honor-of-the-people-s-army-still-the-same-as-before-12202022125105.html.

(4) Nguyễn Văn SựSự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cột mốc đánh dấu sự phát triển của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Tạp chí Tuyên Giáo điện tử, ngày 21/12/2019.

(5) (6) (9) (10) (11) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr. 28430-431, 440, 430-431, 433.

(7)  V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva 1979, t.12, tr. 136.

(8)  C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1994, t. 20, tr.241.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét