Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

CÁC NGUYÊN THỦ QUỐC GIA “BÁT PHỐ” Ở VIỆT NAM - HÌNH ẢNH NÓI LÊN SỰ TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI TRÊN DẢI ĐẤT HÌNH CHỮ S

Hồng Hạc

Nhiều lãnh đạo thế giới khi tới Việt Nam rất thích ra phố tiếp xúc với nhân dân và trải nghiệm văn hóa địa phương. Điều mà họ không dễ dàng có được ở nhiều nơi từng đặt chân đến…

Hình ảnh lãnh đạo cấp cao của một nước lớn, thoải mái thong dong đi dạo trên phố phường Việt Nam, ghé vào quán xá ven đường thưởng thức ẩm thực đường phố... từ lâu đã không có gì mới mẻ hay lạ lẫm với người Việt Nam. Giữa tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm Việt Nam lần đầu trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao của Mỹ. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện. Dù lịch trình làm việc dày đặc, tối 15/4, ông Blinken vẫn có một khoảng thời gian thư giãn để đi dạo và ăn tối tại Hà Nội. Ông vào quán nhạc jazz Bình Minh ở số 1 Tràng Tiền, cùng thưởng thức âm nhạc với một người bạn vong niên, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Sau đó, ông cùng một nhóm thân tín, dùng bữa tối tại quán Cơm Tay Cầm tọa lạc ở một con ngõ nhỏ gần Nhà hát Lớn Hà Nội, ngõ Tràng Tiền. Một thực đơn đậm chất địa phương với nem tôm, cơm trắng, tôm rim nước dừa, được chính vị Ngoại trưởng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ chọn và đặt trước. Ngoài ra ông Blinken còn chủ động gọi thêm các món khác khi trực tiếp thưởng thức tại nhà hàng…

Những trải nghiệm này sau đó được ông viết trên Twitter: “Bạn không thể không thử ẩm thực Việt khi thăm Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam có những hương vị rất tươi mới và chúng ta đã thấy ảnh hưởng của nó trên nhiều nhà hàng ở khắp nước Mỹ. Cảm ơn Cơm Tay Cầm đã cho tôi được nếm thử đồ ăn tuyệt vời của các bạn…”. “Quá ngon!”- đó là nhận xét của ông Blinken về bữa ăn đó, bằng tiếng Việt! Có thể nói rằng, việc một lãnh đạo cấp cao của một nước lớn, thoải mái thong dong trên phố phường Việt Nam, thưởng thức ẩm thực đường phố như ông Blinken không có gì mới mẻ hay khác lạ với người Việt Nam.

Ba thập kỷ trước, năm 1993, lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia phương Tây đến Việt Nam kể từ sau năm 1975- Tổng thống Pháp Francois Mitterrand cũng đã dạo quanh khu phố cổ Hà Nội, giữa những người dân Hà Nội, không bị ngăn cách bởi quá nhiều cảnh vệ…

Mùa Hạ năm 2016, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khiến cả thế giới ‘phát sốt” với hình ảnh bận áo sơ mi, ngồi trên một chiếc ghế nhựa xanh đặc trưng của các quán ăn đường phố Hà Nội, bên cạnh một chiếc bàn thấp đặt hai suất bún chả đầy đặn và bắt mắt – món ăn dân dã đặc hương vị Việt Nam, và cụng bia với vị đầu bếp lừng danh Anthony Bourdain.

Hình ảnh về bữa trưa của vị Tổng thống Mỹ tại quán bún chả Hương Liên - một quán ăn nhỏ bình dân trên phố Lê Văn Hưu, Hà Nội đã là tâm điểm bàn tán đầy thú vị trong một thời gian dài. Trong bữa ăn này, ông Obama đã dùng 1 cú đúp - có nghĩa là hẳn 2 suất bún chả, điều đó có nghĩa là, chẳng cần phải bình luận thêm về món ăn này đã để lại ấn tượng thế nào cho vị Tổng thống Hoa Kỳ.

Năm 2016, trong khuôn khổ chuyến công du Việt Nam, Hoàng tử Anh William đã cuộc đi dạo quanh khu phố cổ trung tâm Hà Nội. Giữa cuộc 'bát phố' vị Hoàng tử đẹp trai và đầy quyền uy ghé vào một tiệm cà phê vỉa hè ở phố Thuốc Bắc. Bên ly cà phê thơm, Hoàng tử William đã có cuộc trò chuyện thân mật với ca sĩ Hồng Nhung, nhạc sĩ Thanh Bùi, diễn viên Xuân Bắc...rồi sau đó lại tiếp tục thư giãn tản bộ tham quan đền Ngọc Sơn.

Tháng 11/2017, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Và người dân ở thành phố miền Trung tuyệt đẹp của Việt Nam đã được chứng kiến cảnh các quan chức cấp cao của thế giới đầy thân thiện, gần gũi ngồi bên vỉa hè thưởng thức một món ăn đường phố giữa những người dân lao động.

Độc giả thế giới khi đó cũng thực sự thú vị khi được xem hình ảnh lan tỏa về sự hào hứng của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull khi ông nếm thử một ổ bánh mì kẹp thịt có giá 10.000 đồng của một hàng bán rong ngoài phố… Hình ảnh những nguyên thủ, chính khách cấp cao của các cường quốc hàng đầu thế giới tận hưởng sự thanh bình ở Việt Nam, dù là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng hay bất cứ một địa danh nào của Việt Nam không chỉ cho thấy sức hút của ẩm thực hay văn hóa đường phố Việt Nam, mà còn chứng tỏ rằng Việt Nam là một đất nước hết sức an toàn và tự do.

Sự ổn định chính trị trên dải đất hình chữ S, bầu không khí dân chủ cởi mở, cũng như thái độ chân thành, thân thiện của người dân Việt Nam không kể giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo, giới tính, lứa tuổi… chắc chắn là lý do khiến tất cả các vị khách đến nơi đây, từ thường dân tới quan chức cấp cao, đều có thể thoải mái khám phá ẩm thực cũng như văn hóa bản địa. Những đặc điểm này chắc chắn không thể có tại một đất nước mất tự do, dân chủ, nhân quyền như các cáo buộc nêu ra trong Báo cáo Nhân quyền Thường niên năm 2022 mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hồi tháng 3/2023 năm nay.

Tương tự, các thông tin sai, thiếu khách quan do không có đầy đủ thông tin hoặc do sự phiến diện của nguồn cung cấp thông tin cũng dẫn đến sự nhìn nhận đánh giá không đúng thực tế về tự do tôn giáo ở Việt Nam trong Báo cáo Thường niên về tình hình Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2023 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ và Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2022 được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tháng 5/2023 vừa qua.

Vậy từ đâu Việt Nam đã xây dựng được sự tự do dân chủ, sự bình yên như một vòm cây xanh mát lá và rực rỡ thắm tươi hoa mà thế giới đã thấy?

Đó là bởi tinh thần chú trọng xây dựng khối đoàn kết các dân tộc.Là một quốc gia đa dân tộc, ngay từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng từ “Khối Đoàn kết các dân tộc” như một kim chỉ nam, làm nền tảng tạo nên sức mạnh và đặt nền móng cho sự ổn định đất nước. Cả 54 dân tộc của Việt Nam dù mang những đặc điểm văn hóa khác nhau nhưng luôn “như cây một cội, như con một nhà”, tương thân, tương ái giúp nhau cùng phát triển, xây dựng một quốc gia vững mạnh. Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước nâng cao chất lượng sống, kiến tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, theo tinh thần nhất quán “không để ai bị bỏ lại phía sau.” Một Việt Nam sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với nhau, khi từng đoàn xe chở nhu yếu phẩm đổ về miền Trung ruột thịt trong những đợt bão lũ căng thẳng. Một Việt Nam đoàn kết chống dịch như chống giặc, mà đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần làm “phên dậu” ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh ngay từ biên giới Tổ quốc. Nhờ đó, Việt Nam là quốc gia sớm đẩy lùi sự phát triển mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19 ở giai đoạn đầu.

Đây cũng là bằng chứng rõ ràng về những nỗ lực tích cực và hiệu quả của Việt Nam trong việc xây dựng sự đoàn kết, tự do và nhân quyền trong đất nước từ chiến lược từ đầu, nhất quán, dài hạn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam đem lại thành quả một nước Việt Nam có nền tảng chính trị xã hội hết sức ổn định, nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, Hạnh phúc. Một Việt Nam an toàn, thân thiện và lôi cuốn bởi văn hóa truyền thống độc đáo, đa sắc màu trên nhiều bình diện-nơi đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra những khoảnh khắc tuyệt vời thú vị của các nguyên thủ thế giới.../.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét