(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời đấu tranh và hiện thực hóa khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Người sớm hoạch định những định hướng chiến lược phát triển đất nước, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường. Những quan điểm, chỉ dẫn và thực hành của Người về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải (ngày 25-12-1958) - Ảnh: hochiminh.vn
1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường
Vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường khi nào và ở đâu cũng có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, con người muốn tồn tại, cần phải sống hòa hợp với tự nhiên, mặt khác còn phải biết cải tạo, chinh phục tự nhiên để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống. Môi trường, tài nguyên thiên nhiên tạo cơ sở vật chất để phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần làm phong phú cuộc sống tinh thần của con người.
Môi trường có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển xã hội và ổn định chính trị của đất nước, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng CNXH. Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước, thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh […]. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”(1). Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường được thể hiện chủ yếu ở những nội dung sau:
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề trồng cây gây rừng gắn với bảo vệ rừng, giữ cân bằng sinh thái tự nhiên
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm quan tâm đến môi trường và bảo vệ môi trường. Trong thờikỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc, hằng năm, vào dịp đầu Xuân, thời tiết thuận lợi cho cây cối sinh sôi, phát triển, Người phát động phong trào “Tết trồng cây”: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Phong trào thi đua trồng cây do Người phát động đã dần trở thành một thói quen, nếp sinh hoạt tốt đẹp của nhân dân ta mỗi dịp Tết đến Xuân về, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế và cải thiện môi trường sống.
Để cổ vũ phong trào trồng cây, Người đã viết nhiều bài đăng trên báo Nhân Dân, như Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở (ngày 30-5-1959), Tết trồng cây (28-11-1959), Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu (19-1-1960), Bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết phong trào sản xuất nông lâm, ngư nghiệp năm 1959 (18-2-1960), Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây (25-3-1960),Tết trồng cây (28-1-1961), Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây (01-1-1965), Tết trồng cây (05-2-1969)...
Người căn dặn bộ đội, chiến sỹ phải hạn chế tối đa việc chặt cây, phá rừng, săn bắn chim thú: “Chiến tranh, bộ đội thường phải trú quân trong rừng nên phải hướng dẫn cho anh em tận dụng hang động, hạn chế tối đa việc chặt cây, phá rừng. Chặt cây động rừng, muông thú không có nơi ở phải bỏ đi lang thang. Bộ đội ở rừng gặp thú rừng là đương nhiên. Trong tay lại có súng, có đạn nên việc sát hại thú rừng là dễ xảy ra lắm… Ta lại còn săn bắn nữa thì nay mai đất nước hòa bình, giang sơn đâu còn là rừng, rừng đâu còn muông thú? Thế chẳng khác gì đất không có người, sông không có cá”(2).
Mục đích trồng cây gây rừng góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, mang lại lợi ích kinh tế, cảnh quan đẹp, vừa bảo đảm an ninh, quốc phòng, vừa mang tầm chiến lược lâu dài; lợi ích của những hoạt động này không chỉ có ý nghĩa với cuộc sống của mỗi cá nhân, từng gia đình mà là của toàn xã hội; có ý nghĩa không chỉ với một quốc gia mà là lợi ích toàn cầu. Theo người, toàn thể nhân dân, từ cụ già đến em nhỏ, nhất là các đoàn viên, thanh niên, các cơ quan, đoàn thể... đều nên tham gia phong trào “Tết trồng cây”.
Nói chuyện với hơn 2000 đồng bào, cán bộ, bộ đội đảo Cô Tô (Hải Ninh, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh), Người căn dặn: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm tươi đẹp”(3). Người nhắc nhở nhân dân trồng cây ven biển để bảo vệ đê, làm rừng phòng hộ, chống gió cát, chống xói mòn…, chú ý hiệu quả chứ không phải chỉ là kêu gọi phong trào, làm cho có: “Trồng cây nào, tốt cây ấy”, coi đó là “một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục”, “một việc quan trọng chuẩn bị cho công việc xây dựng nông thôn mới nay mai”(4).
Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Người nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”(5). Người coi đó là hành vi “đem vàng đổ xuống biển”, làm thất thoát tài nguyên của đất nước, gây nhiều hệ lụy cho cuộc sống con người và các thế hệ mai sau.
Trong Thư gửi Đại hội hợp tác xã và đội sản xuất tiên tiến miền núi và trung du, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Hợp tác xã nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng. Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán. Vì vậy đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình”(6).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho việc trồng cây lan tỏa rộng khắp, trở thành một nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam. Ngay cả khi sang thăm các nước, hoặc đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, khách quốc tế đến thăm Việt Nam, Người cũng đều tổ chức trồng cây lưu niệm, thể hiện tình hữu nghị, ý thức làm đẹp môi trường sống, nhân dân thế giới yêu mến gọi đó là “cây Bác Hồ”. Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã có những nhận xét rất sâu sắc về Người: “Hồ Chí Minh đã sớm thể hiện sự quan tâm của Người đối với các vấn đề liên quan đến môi trường và tới mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên trong sự phát triển của một quốc gia. Người ủng hộ sự cần thiết phải chống thiên tai, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng môi trường sinh thái và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng rừng, thủy lợi và cải thiện chất đất…Người còn kêu gọi mọi người “trồng và bảo vệ rừng, như bảo vệ ngôi nhà của mình”. Để nêu gương, Người đã tạo ra một môi trường tự nhiên tuyệt vời quanh nơi ở của mình và chăm sóc cây cối, hồ cá, và chim chóc, nhấn mạnh là chúng cần được bảo vệ bởi chúng là những báu vật của thiên nhiên”(7).
Thứ hai, Hồ Chí Minh chú trọng việc xây dựng công trình thủy lợi để điều hòa nước, xây dựng đời sống mới với môi trường sống lành mạnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến vấn đề nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp và điều hòa khí hậu, quan tâm xây dựng công trình thủy lợi. Với bộ quần áo nâu sẫm màu, mái tóc bạc phơ, mang đôi dép cao su, tác phong giản dị và gần gũi, Người thường xuyên đi đến các địa phương, thăm và kiểm tra các công trình thủy lợi, xắn quần, lội ruộng, cùng tát nước, cùng đạp guồng nước chống hạn, chống úng, xuống sát chân đê ân cần thăm hỏi và hướng dẫn bà con đắp đê chống lụt…
Người từng nói trong lần về thăm Hưng Yên: “Cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Ta đã có đất, nhưng còn thiếu nước. Có đất phải có nước”(8). Từ lời dạy đó của Người, sau ba năm, công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải được hoàn thành, tạo được mạng lưới thủy lợi rộng khắp vùng, tạo nên những cánh đồng phì nhiêu mỗi năm hai vụ, từng bước xóa hẳn nạn đói giáp hạt hằng năm, tiến tới có thóc dự trữ, góp phần đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu trên thế giới những năm đổi mới.
Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1947, giữa bộn bề công việc kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Đời sống mới dưới bút danh Tân Sinh. Bắt tay vào xây dựng đời sống mới, nếp sống mới, lối sống mới, Người quan tâm giáo dục, động viên cán bộ, nhân dân đấu tranh bài trừ hủ tục; nhắc nhở, giáo dục nhân dân biết giữ gìn vệ sinh: ăn sạch, uống sạch, ở sạch, mặc sạch: “Sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn”(9). Để xây dựng môi trường sống lành mạnh, phải chú ý: “đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi”(10).
Người dạy thiếu niên, nhi đồng luôn phải ghi nhớ thực hiện “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”, để rèn luyện nếp sống tốt đẹp, giữ gìn môi trường xung quanh sạch đẹp, văn minh. Đối với cán bộ, công nhân làm việc trong môi trường nhà máy, hầm mỏ, công trường, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh. Trong lần Nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy dệt Nam Định (24-4-1957)(11), Người nhắc nhở anh chị em trong sản xuất phải đeo khẩu trang chống bụi bông, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương tuyệt vời về phong cách ứng xử, lối sống hòa hợp với thiên nhiên. Theo Người, môi trường sống là yếu tố quan trọng bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ sống, học tập, lao động và chiến đấu. Người luôn gần gũi với thiên nhiên, hòa mình với chim muông cây cỏ, với môi trường sống xung quanh, coi thiên nhiên như người bạn thân thiết, là nguồn cổ vũ, động viên.
Khi ở chiến khu, Người chọn những nơi “trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui”, nhà “thoáng, ráo, kín, mát”... Kháng chiến thắng lợi, trở về Hà Nội, Người sống và làm việc trong ngôi nhà sàn giản dị nằm giữa vườn cây xanh mát. Người trồng rất nhiều loại cây cối trong vườn, chăm chút vun trồng. Phong cách sống giản dị, tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, hòa đồng với thiên nhiên, có ý thức dành dụm tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau của Người là tấm gương sáng cho thế hệ sau học tập và làm theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, đến tận lúc chuẩn bị đi về cõi vĩnh hằng, Người vẫn nghĩ đến những điều có lợi cho nước, cho dân: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn”(12). Như vậy, cách đây hơn nửa thế kỷ, Người đã có tầm nhìn về việc sử dụng những nguồn năng lượng sạch để bảo vệ môi trường, đó cũng là cách tiết kiệm tài nguyên đất đai cho hiện tại và con cháu mai sau. Người còn mong muốn: “Trên mộ, nên xây 1 cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”(13). Dẫu sắp không còn trên đời này nữa, Người vẫn luôn nghĩ đến những điều tích cực cho người sống, nhắc nhở việc trồng cây để làm đẹp môi trường.
2. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường soi sáng công cuộc xây dựng đất nước phát triển bền vững
Môi trường là vấn đề toàn cầu, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Hiện nay, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu là vấn đề nóng được đặt trên bàn nghị sự quốc tế, là mối đe dọa đến an ninh con người, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… của tất cả các quốc gia.
Việt Nam hiện cũng đang phải đối diện với nhiều vấn đề môi trường gay gắt: Thiên nhiên nước ta vốn bị tàn phá bởi chiến tranh trước đây, nay còn bị phá hoại bởi hoạt động vô ý thức, thiếu kế hoạch trong việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái gia tăng vì chất xả thải ra môi trường của các nhà máy; nồng độ bụi ở đô thị vượt quá nhiều lần chỉ tiêu cho phép; các hoạt động khai thác mỏ, vật liệu xây dựng, vàng, đá quý… cũng đã và đang huỷ hoại dần môi trường sinh thái… Thêm vào đó, Việt Nam được đánh giá là một trong năm nước chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu(14). Đó là những vấn đề nóng bỏng, thách thức đối với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.
Chính phủ Việt Nam sớm nhận rõ vấn đề hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường trong mục tiêu phát triển bền vững, từ năm 1991, Chính phủ đã thông qua kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững 1991-2000, sau đó được lồng ghép xuyên suốt các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đến hiện nay.
Thực tế những năm đầu đổi mới, chúng ta vẫn chưa có sự quan tâm đầy đủ đến vấn đề môi trường, vì thế: “Khoảng cách giữa đổi mới chính sách kinh tế và đổi mới chính sách văn hoá, xã hội bộc lộ rõ nét, nhiều vấn đề xã hội nổi lên. Trong chỉ đạo, thường chú ý nhiều hơn các chỉ tiêu vật chất mà ít chú ý các chỉ tiêu về phát triển xã hội và bảo vệ môi trường”(15).
Tại Đại hội XII, sau 30 năm đổi mới, Đảng ta xác định: “bảo đảm sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững”, “Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên”(16).
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg Về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó xác định 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững của toàn cầu(17). Chính phủ Việt Nam khẳng định rõ chủ trương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.
Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đã bổ sung thành tố “bảo vệ môi trường” trong mối quan hệ lớn “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”(18). Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tiếp tục khẳng định: “Phát triển nhanh và bền vững […] phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”(19). Điều này thể hiện nhận thức đầy đủ và toàn diện của Đảng và Nhà nước về các trụ cột của phát triển bền vững theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là các yếu tố căn bản cấu thành sự phát triển bền vững, một định hướng phát triển tất yếu, khách quan, phù hợp với xu thế chung hiện nay của các quốc gia, xu hướng phát triển tiến bộ của nhân loại và thời đại, chú trọng sự hài hòa, toàn diện của các yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường.
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản: Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân về bảo vệ môi trường, từ đó dẫn đến sự thay đổi nhận thức và hành vi của từng cá nhân, cộng đồng; hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững; tập trung khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề…; quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; phát triển, nâng cao chất lượng rừng; tăng độ che phủ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đó là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm giải quyết hiệu quả những khó khăn vượt khỏi khả năng của một quốc gia…
Trong thời gian tới, ngoài các nhiệm vụ định hướng trên, cần tập trung vào một số giải pháp như: Tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của môi trường sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên; giải quyết hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường theo chủ trương của Đảng; nền sản xuất xã hội cần phải thực hiện thêm chức năng tái sản xuất các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; triển khai thực hiện đầy đủ Luật Bảo vệ môi trường…
__________________
(1), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội , 2011, tr.283, 536.
(2) Báo Pháp luật Việt Nam, số 106 (3828), ngày 4-5-2009.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.129.
(5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.165, 294.
(7) Katherine Muller-Marin “Những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực hoạt động của UNESCO”, https://hcma.vn/tintuc/Pages/dien-dan-chinh-tri-tu-tuong.aspx?CateID=201&ItemID=21139, ngày 14-5-2010, truy cập ngày 28-6-2022.
(8) Bác Hồ sống mãi, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tr.762.
(9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.114, 119.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.532.
(12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.613, 613.
(14), (17) Trần Nguyễn Tuyên: Một số vấn đề về môi trường ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/mot-so-van-de-ve-moi-truong-o-viet-nam-hien-nay--thuc-trang-va-giai-phap.html, truy cập ngày 28-6-2022.
(15) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.64, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.60.
(16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2017, tr.104,142.
(18), (19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.119, 214.
TS LÊ THỊ THU HỒNG
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa