Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

TCCS - Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là nhiệm vụ có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế hiện nay, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thành công mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi cán bộ, công nhân viên Nhà máy Thủy điện Sơn La _Ảnh: TTXVN

1- Xây dựng đất nước độc lập, tự chủ và cường thịnh là khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam, được vun đắp qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Khát vọng đó đã được thể hiện trong quốc hiệu của các triều đại khác nhau, như Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam,… và ngày nay là Việt Nam. Bài “thơ thần” Nam quốc sơn hà của thời Lý (thế kỷ X) - được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, trong áng “thiên cổ hùng văn” Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi thời Hậu Lê (thế kỷ XV) - bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc ta và đặc biệt là trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày nay, khát vọng đó được nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh, hướng tới phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong quá trình khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh đến phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, bao gồm cả những giá trị văn hóa truyền thống và giá trị văn hóa hiện đại, mà tiêu biểu là giá trị dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn.

Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến phát huy giá trị văn hóa, xây dựng phẩm chất, nhân cách của con người: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách của con người và trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản là yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”(1). Giá trị văn hóa nổi bật, bao trùm và xuyên suốt lịch sử dân tộc, làm nên sức mạnh bất diệt của con người Việt Nam trước hết, trên hết là chủ nghĩa yêu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được phát triển lên thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhấn chìm bọn cướp nước và bán nước, thực hiện sứ mệnh thống nhất non sông, đưa đất nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa yêu nước cũng là cơ sở để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dân chủ là động lực quan trọng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là cơ sở để sáng tạo các giá trị văn hóa mới, thể hiện được khát vọng của cá nhân và xã hội trong xây dựng và phát triển đất nước. Dân chủ ở đây là dân chủ xã hội chủ nghĩa, vừa bảo đảm quyền tự do của công dân, vừa tôn trọng kỷ cương và thực hành theo Hiến pháp và pháp luật.

Giá trị khoa học của nền văn hóa là hướng tới nâng cao trình độ dân trí, trình độ khoa học - kỹ thuật và công nghệ của dân tộc trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ; nâng cao sức sáng tạo và khả năng ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và tổ chức đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Giá trị nhân văn mà nền văn hóa Việt Nam hướng tới là phấn đấu tất cả vì con người, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của con người. Con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của phát triển, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện và hoàn thiện nhân cách.

Các giá trị dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn gắn bó chặt chẽ, tác động biện chứng với nhau, tạo thành đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(2).

Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là nhiệm vụ có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế hiện nay _Ảnh: tapchicongthuong

2- Nhìn lại chặng đường hơn 35 đổi mới, nhất là trong 5 năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia tích cực của toàn thể nhân dân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng và Nhà nước đã ban hành chủ trương, chính sách để khơi dậy phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết dân tộc, sự đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Kế thừa và phát huy truyền thống trong các giai đoạn lịch sử chống xâm lược, thống nhất đất nước, tại Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta đã khẳng định khát vọng lớn của đất nước: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”(3). Khát vọng đó luôn được truyền lửa, tiếp nối trong các văn kiện đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ. Khát vọng đó đã được thể hiện tập trung trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), được cụ thể hóa trong các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng ta đã tập trung đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tình hình văn hóa Việt Nam sau 12 năm đổi mới, xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Có thể nói, đây là nghị quyết mang tầm chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới. Trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo của nghị quyết này, các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội đã cụ thể hóa thành các chương trình hành động. Nhà nước đã thể chế hóa thành hệ thống luật pháp và các chính sách cụ thể để đẩy mạnh giáo dục chủ nghĩa yêu nước và phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tích cực tổ chức các đợt thi đua gắn liền với các phong trào xây dựng người tốt, việc tốt; uống nước  nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường văn hóa, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở các khu dân cư… Đại hội thi đua yêu nước được tiếp tục tổ chức từ năm 2000 và được tiến hành thường xuyên cho đến nay đã góp phần cổ vũ, động viên, lan tỏa những tấm gương điển hình, những chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới đối với xã hội. Đây là những hoạt động có tầm chiến lược, có ý nghĩa lâu dài để phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW (năm 2014) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong đó nhấn mạnh mối quan hệ giữa xây dựng, phát triển văn hóa và phát triển con người, xây dựng con người ở vị trí trung tâm của phát triển văn hóa; xây dựng văn hóa, phát triển con người hướng vào mục tiêu phát triển bền vững đất nước; thực hiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình và xã hội.

Để phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, khẳng định quyền của công dân, trong đó có quyền về văn hóa, bảo đảm quyền con người trong phát triển, khơi dậy mọi tiềm năng, mọi giá trị văn hóa, phát huy sức mạnh của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống chính sách trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, thông tin, quốc phòng, an ninh, … đã góp phần phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đóng góp hiệu quả trong việc tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong thời kỳ đổi mới. Nhờ đó, nhiệm vụ xây dựng con người và môi trường văn hóa đã có bước tiến quan trọng. Các nhiệm vụ của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) đã được Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân chung sức thực hiện. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong công tác của Đảng, Nhà nước và được nhân dân ủng hộ. Các chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, phong cách của con người thời đại Hồ Chí Minh đã được xây dựng và đưa vào các văn bản pháp luật, vào quy ước, quy định, quy tắc ứng xử của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các quy ước của cộng đồng dân cư. Những đức tính của con người Việt Nam thời kỳ mới được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo được phổ biến rộng rãi trong xã hội, được nhiều cấp, ngành, địa phương nhấn mạnh và cụ thể hóa vào trong các quy định của cộng đồng. Công tác giáo dục - đào tạo đã được đầu tư khá đồng bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục ở tất cả các cấp, đặc biệt là trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều bước tiến mới, nhất là xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Các chính sách xã hội góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, trợ giúp cho các đối tượng dễ bị tổn thương. Truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau trong xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh được tăng cường.

Con người Việt Nam đã chú trọng đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, tích cực và chủ động trong việc kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng trong xã hội đã khơi dậy truyền thống yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của các tầng lớp nhân dân. Tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong thanh niên, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tinh thần dấn thân, hy sinh vì cộng đồng, vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân dân được thể hiện rõ trong “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch COVID-19 của đội ngũ tuyến đầu chống dịch, sự đóng góp của các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, đội ngũ văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được thực hiện từ năm 1998 đến nay đã thu được những kết quả tốt đẹp. Các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị được triển khai thực hành trong đời sống. Vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng có bước chuyển biến tích cực với việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hiện quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên. Công tác xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan nhà nước được cụ thể hóa bằng quy định về xây dựng văn hóa công sở, Đề án “Văn hóa công vụ”...

Chính sách xã hội hóa được triển khai đã tạo điều kiện cho việc huy động các nguồn lực xã hội trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách văn hóa, như tôn vinh những nghệ nhân có công lao giữ gìn, trao truyền và quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; đầu tư, hỗ trợ giữ gìn các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, được thực hiện đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đa dạng, phong phú, đồng thời nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa trên các vùng, miền của đất nước, khơi dậy truyền thống đoàn kết, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Ngoài ra, các sự kiện văn hóa, văn học, nghệ thuật được tổ chức đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng trong nước và quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài, tăng cường “sức mạnh mềm” quốc gia, cổ vũ cho khát vọng phấn đấu vì một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Trình diễn áo dài trong Chương trình Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội _Nguồn: toquoc.vn

3- Để phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thời gian tới, cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về vai trò của việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Coi đây là một nhiệm vụ cơ bản, vừa lâu dài, vừa cấp bách. Nhiệm vụ này phải được quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, để chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần và sức mạnh vật chất của dân tộc trong sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay.

Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa chủ trương phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thành những quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật, trong các cơ chế, chính sách và các quy định, quy chế để tổ chức triển khai trong thực tiễn.

Việc thể chế hóa phải theo hướng tiếp tục hoàn thiện các quy định có tính pháp quy, các chính sách ưu tiên đầu tư để phát huy tinh thần cống hiến của mọi người dân. Các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để khơi dậy khát vọng phát triển; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người ở cơ quan, đơn vị, xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu cụ thể để thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, gắn với khơi dậy khát vọng của các tầng lớp nhân dân, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh của con người ở các giai cấp, dân tộc, vùng, miền.

Thứ ba, phát huy vai trò của các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, báo chí, phát thanh và truyền hình trong việc tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ động viên nhân dân nêu cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Văn hóa nói chung, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, truyền thông đại chúng nói riêng có vị trí đặc biệt trong tuyên truyền, cổ vũ, lan tỏa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thông qua các kênh thông tin và truyền thông khác nhau. Các hoạt động này vừa tác động theo phổ rộng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, vừa có khả năng thuyết phục sâu sắc thông qua việc truyền cảm hứng về niềm tin, về khát vọng tạo động lực để mỗi người, mỗi cộng đồng quyết tâm phấn đấu vì sự phát triển của quê hương, đất nước. Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường đầu tư, phát huy vai trò của các hoạt động này; đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là tạo nên những bước đột phá, đổi mới các nội dung, chương trình hoạt động, kể cả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương.

Thứ tư, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, giáo dục khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho các thế hệ thanh, thiếu niên, đề cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục ý chí, nghị lực, tinh thần độc lập, tự chủ của mỗi người dân trong xây dựng và phát triển đất nước. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn bị các tiền đề cần thiết để có thể làm việc trong môi trường “đa văn hóa” trong hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong hệ thống giáo dục quốc dân _Ảnh: phenikaa-uni.edu.vn

Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; nhất là xây dựng chương trình để thực hiện nhiệm vụ khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ. Tăng nguồn lực đầu tư vào xây dựng con người, trước hết là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo ra nền tảng tinh thần cho quá trình phát triển bền vững đất nước. Tăng chi ngân sách nhà nước vào lĩnh vực văn hóa và xây dựng con người, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực này. Nhà nước chú trọng xây dựng một số công trình văn hóa, nghệ thuật trọng điểm tầm cỡ khu vực và quốc tế, ưu tiên phát triển một số lĩnh vực nghệ thuật đỉnh cao. Phát huy vai trò của dòng văn hóa, nghệ thuật chủ lưu để nâng tầm định hướng về tư tưởng, thẩm mỹ, đạo đức, lối sống và lan tỏa trong đời sống xã hội.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ về việc khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trước hết, các cơ quan hữu quan cần xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai việc thực hiện nhiệm vụ này, trên cơ sở đó, Quốc hội và Chính phủ cụ thể hóa thành các đề án xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách, quy định, quy chế để tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, định kỳ và đột xuất. Kiên quyết đấu tranh, xử lý kịp thời những vi phạm cản trở sự phát triển đất nước, đặc biệt là tình trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội, qua đó xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới./.

PGS, TS. PHẠM DUY ĐỨC

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

----------------------

(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr. 48 - 49
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 34
(3) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 37

1 nhận xét: