Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN KHÔNG TUYỆT ĐỐI HÓA ĐẤU TRANH GIAI CẤP

Cương Trực

 

Trong bối cảnh mới, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó có lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Chúng cho rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định đấu tranh giai cấp là động lực trực tiếp của sự phát triển lịch sử, là tuyệt đối hóa vai trò của đấu tranh giai cấp. Nhưng thực tế điều đó là phi lý.

Trong xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp thì đấu tranh giai cấp giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị là một tất yếu lịch sử. Chủ nghĩa Mác-Lênin không coi đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội nói chung như một số người quan niệm, mà chỉ là một động lực phát triển của xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp mà thôi. Trong xã hội cộng sản nguyên thủy chưa có giai cấp, nên chưa có đấu tranh giai cấp, và trong tương lai khi xã hội không còn phân chia giai cấp thì không còn đấu tranh giai cấp. Nghĩa là như C.Mác đã khẳng định, đấu tranh giai cấp chỉ gắn với những giai đoạn lịch sử nhất định của sự phát triển xã hội.

Theo C.Mác, trong xã hội có giai cấp, giai cấp thống trị chiếm đoạt lao động của giai cấp bị trị. Giai cấp bị trị không những bị chiếm đoạt kết quả lao động mà họ còn bị áp bức về chính trị, tư tưởng và tinh thần. Bởi sự hình thành giai cấp cũng là sự hình thành các lợi ích khác nhau. Lợi ích giai cấp không phải do ý thức giai cấp quy định mà do địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp ấy tạo nên một cách khách quan. Giai cấp thống trị bao giờ cũng dùng mọi biện pháp và phương tiện bảo vệ địa vị giai cấp của họ, duy trì củng cố chế độ kinh tế, xã hội cho phép họ được hưởng những đặc quyền, đặc lợi giai cấp. Lợi ích căn bản của giai cấp bị trị đối lập với lợi ích cơ bản của giai cấp thống trị - đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới đấu tranh giai cấp. 

Xét đến cùng, sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất để đáp ứng mọi nhu cầu của con người là nguyên nhân của thay đổi quan hệ sản xuất và chế độ xã hội. Có thể nói, con người phát triển lực lượng sản xuất là động lực vĩnh cửu của lịch sử. Nhưng chế độ xã hội lỗi thời không tự nó tan rã, giai cấp thống trị không tự nguyện rút khỏi vũ đài, mặc dù nó đã hết vai trò lịch sử. Để phát triển, lịch sử cần đến một động lực khác nữa, động lực đó là đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội. Không có đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân thì chủ nghĩa tư bản, dù đã hết vai trò lịch sử, cũng không tự động chuyển biến thành chủ nghĩa xã hội.

Quan điểm khoa học về đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là áp đặt mà phản ánh một thực tế khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp, đó là sự đối kháng giữa các giai cấp: bóc lột và bị bóc lột, thống trị và bị trị, áp bức và bị áp bức. Do đó, đấu tranh giai cấp trong các xã hội này là tất yếu khách quan, góp phần thúc đẩy cho xã hội vận động, phát triển lên những hình thái cao hơn. Chủ nghĩa Mác-Lênin không bao giờ coi đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất trong xã hội có giai cấp. C.Mác chỉ ra, ngoài đấu tranh giai cấp ra còn nhiều động lực khác như: đạo đức, tư tưởng, văn hóa, giáo dục… vị trí, vai trò của mỗi động lực là khác nhau. Nhận thức được điều này sẽ giúp chúng ta sẽ tránh được tư tưởng tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mặc dù trong mỗi thời kì lịch sử, mỗi giai đoạn phát triển, cuộc đấu tranh giai cấp có những biểu hiện khác nhau, nhưng vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp vẫn là vấn đề tất yếu, có tính quy luật của phát triển xã hội. Vì vậy, kiên định với lập trường giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhận diện khách quan những đặc điểm trong cuộc đấu tranh giai cấp hiện nay có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhận thức đúng về cuộc đấu tranh giai cấp trong tình hình hiện nay là cơ sở quan trọng để củng cố lập trường, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 


 


1 nhận xét: