Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

VỀ ĐỘNG LỰC CỦA TIẾN BỘ XÃ HỘI

 

Bùi Xuân Quỳnh

Khắc phục những quan điểm duy tâm, siêu hình, với thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng, các nhà kinh điển mác xít đã tiếp cận tiến bộ xã hội một cách khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể. Theo đó, khi xem sự vận động phát triển của tiến bộ xã hội, các nhà kinh điển khẳng định tất cả những nhân tố cấu thành chỉnh thể xã hội đều tham gia vào thúc đẩy tiến bộ xã hội và chúng có sự khác nhau: Động lực của tiến bộ xã hội phải được tìm ngay trong bản thân xã hội, đó là phức hợp những lực lượng quyết định sự phát triển của xã hội. Nghĩa là tìm tiến bộ xã hội từ những yếu tố cấu thành trong tính chỉnh thể thống nhất của nó.

Đó là sự tác động biện chứng hợp quy luật, hài hoà giữa các yếu tố cấu thành hình thái kinh tế - xã hội, đây là động lực xuyên suốt lịch sử. Nếu sự tác động này không hợp quy luật thì từng nhân tố nó sẽ cản trở vai trò động lực của nhau thể hiện ra hai quy luật là: Quan hệ sản xuất phải phù hợp tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất; Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng. Sự tác động ấy tạo sức mạnh chuyển hình thái kinh tế - xã hội đưa ra tiến bộ xã hội phát triển. Trong đó, ba yếu tố cơ bản cấu thành hình thái kinh tế - xã hội có vai trò quan trọng đối với tiến bộ xã hội.

Lực lượng sản xuất, là yếu tố quyết định tạo ra động lực tiến bộ xã hội. Sự phát triển của lực lượng sản xuất là nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân nền tảng của sự phát triển xã hội. Do đó xét đến cùng là động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội. Xã hội loài người tồn tại và phát triển trên cơ sở của nên sản xuất vật chất. Sản xuất bao giờ cũng được tiến hành theo một phương thức nhất định, trong một giai đoạn lịch sử nhất định với một lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của nó.

Khi khẳng định lực lượng sản xuất là động lực của tiến bộ xã hội cần chú ý chống quan điểm của chủ nghĩa duy vật tầm thường, coi sự phát triển của lực lượng sản xuất tự động quy định trình độ tiến bộ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có các lĩnh vực của đời sống tinh thần. Điều này hoàn toàn trái với thực tiễn và đối lập với những nguyên tắc lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Quan hệ sản xuất, Sức mạnh vai trò của nó nằm trong sự tác động của các yếu tố khác. Nếu như quan hệ sản xuất tiến bộ thì nó thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, nghĩa là thúc đẩy động lực bên trong lực lượng sản xuất kiến trúc thượng tầng tiến bộ nó cũng tạo ra động lực. Trong quan hệ sản xuất, quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất giữ vai trò quyết định đối với các quan hệ khác. Vì trong quá trình sản xuất xã hội ai nắm giữ tư liệu sản xuất thì người đó giữ vai trò thống trị trong tổ chức điều hành sản xuất và phân phối sản phẩm. Đây là quan hệ sinh ra đối kháng giai cấp và đấu tranh giai cấp. Nếu tư liệu sản xuất là tài sản chung của xã hội thì quan hệ giữa người với người trong sản xuất vật chất và trong đời sống xã hội nói chung là quan hệ hợp tác, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Kiến trúc thượng tầng của xã hội được nảy sinh trên cơ sở hạ tầng, do cơ sở hạ tầng quyết định. Song, có tính độc lập tương đối tác động trở lại cơ sở hạ tầng, thúc đẩy cơ sở hạ tầng, lực lượng sản xuất phát triển hoặc kìm hãm (tất nhiên dù thúc đẩy hay kìm hãm suy đến cùng vẫn do cơ sở hạ tầng quyết định). Đặc biệt, sau khi ra đời, kiến trúc thượng tầng trong đó Đảng chính trị lãnh đạo, Nhà nước có vai trò rất quan trọng tạo lập những tiến bộ trong xã hội, những chính sách xã hội vì nhân dân, vì người lao động, vì sự công bằng bình đẳng.

Ngoài các yếu tố cơ bản trên, trong xã hội có giai cấp, đấu tranh giai cấp giữa các giai cấp có lợi ích căn bản đối lập nhau, mà đỉnh cao của đấu tranh giai cấp là cách mạng xã hội, là động lực trực tiếp của lịch sử, của tiến bộ xã hội. Vì: (i) đấu tranh giai cấp tác động trực tiếp đến nền sản xuất vật chất xã hội mà trước hết là sự phát triển của lực lượng sản xuất; (ii) đấu tranh giai cấp là sự phản ánh quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập trong đời sống xã hội. Mâu thuẫn giai cấp là biểu hiện về mặt xã hội của mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất phát triển với quan hệ sản xuất lỗi thời lạc hậu; (iii) Đấu tranh giai cấp làm cho đời sống chính trị - xã hội biến đổi. Thông qua đấu tranh giai cấp các giai cấp cách mạng và quần chúng lao động được trưởng thành về mọi mặt; (iiii) Đấu tranh giai cấp xét đến cùng là động lực phát triển của đời sống tinh thần xã hội. Như vậy đấu tranh giai cấp là một động lực cho sự phát triển của đời sống kinh tế, chính trị, tinh thần của xã hội có giai cấp, đặc biệt khi đấu tranh giai cấp phát triển thành cách mạng xã hội thì sự tác động ấy lại càng to lớn và mạnh mẽ.

Cùng với đấu tranh giai cấp, sức mạnh của con người của quần chúng nhân dân là một động lực cơ bản của tiến bộ xã hội. Quần chúng nhân dân là người sáng tạo lịch sử, sức mạnh nhân dân là động lực tiến bộ xã hội. Quần chúng nhân dân là lực lượng tạo ra những điều kiện vật chất cho sự phát triển của đời sống tinh thần xã hội. Nhờ có hoạt động sản xuất vật chất của quần chúng mà các nhà hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vựcc này tồn tại và sáng tạo. Hoạt động thực tiễn của quần chúng, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm là cơ sở cho mọi sự sáng tạo giá trị tinh thần.

Quần chúng nhân dân không chỉ là lực lượng sáng tạo ra những giá trị vật chất mà còn là lực lượng sáng tạo ra những giá trị tinh thần. Như tiếng nói, chữ viết là sản phẩm của hoạt động vật chất của quần chúng, những sáng tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật… là những sáng tạo của quần chúng. Những sáng tạo này không những góp phần làm cho tài sản văn hoá nhân loại ngày càng đồ sộ mà nó còn làm cơ sở định hướng. Quần chúng nhân dân là lực lượng thưởng thức, kiểm nghiệm bảo tồn đời sống văn hoá tinh thần xã hội, là lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại các dòng văn hoá phản động.

Ngày nay, cách mạng khoa học công nghệ hiện đại cũng là động lực to lớn của tiến bộ xã hội. Vì, thành tựu của khoa học và công nghệ nó đã cách mạng hoá được lực lượng sản xuất. Tạo ra sản phẩm vô cùng lớn, nó chứng minh sức mạnh con người là vô song, nhưng nó lại bao hàm mặt khác là nó tạo ra đối nghịch giai cấp và bần cùng hoá người lao động ngày càng cao. Tuy nhiên, khi nghiên cứu động lực của tiến bộ xã hội cần chú ý một số điểm sau:

Động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội không phải chỉ có một mà nó bao gồm nhiều động lực. Mỗi động lực ấy tồn tại và tác động trong mỗi lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội, chúng có tính độc lập tương đối, nhưng không phải tồn tại độc lập, tách rời nhau mà có quan hệ biện chứng với nhau, tạo thành hệ thống động lực của tiến bộ xã hội. Do đó cần phải có quan điểm tổng hợp trong xem xét động lực của tiến bộ xã hội. Văn kiện Đại hội XII của Đảng: “Nhận thức đúng và xử lý tốt các nhân tố tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập: Kết hợp hài hòa các lợi ích, phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nhân tố con người, vai trò của khoa học - công nghệ, …”. Việc xác định hệ thống các động lực của tiến bộ xã hội phải có quan điểm lịch sử - cụ thể từ đó phê phán những quan điểm sai trái, phiến diện hoặc chiết chung về động lực xã hội./.

1 nhận xét: