Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC VỀ DÂN CHỦ TRONG BẦU CỬ Ở VIỆT NAM

 

Cương Trực

Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu những người đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên, đi ngược lại niềm tin của đại đa số nhân dân, một số kẻ thù địch đã tán phát những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, phủ nhận tính dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam. Đây là những việc làm cần lên án và đấu tranh loại bỏ.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức căn cứ vào Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Nguyên tắc bầu cử đã được quy định trong Luật là: nguyên tắc phổ thông, nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc trực tiếp và nguyên tắc bỏ phiếu kín. Đây là những nguyên tắc cơ bản được đánh giá là dân chủ, tiến bộ nhất thế giới hiện nay. Các nguyên tắc thể hiện tính chặt chẽ, thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tiến hành bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn.

Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật. Bình đẳng trong bầu cử là một nguyên tắc nhằm bảo đảm tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.

Bên cạnh đó, bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực nhà nước. Nguyên tắc bỏ phiếu kín bảo đảm cho cử tri tự do lựa chọn người mình tín nhiệm mà không bị tác động bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Theo đó, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri.

Như vậy, việc cử tri lựa chọn ai là quyền của họ, không hề có “sự chỉ đạo” như một số kẻ đã rêu rao. Các nguyên tắc trên đây là minh chứng sinh động cho tính dân chủ trong bầu cử và phản bác hiệu quả luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm bóp méo, bôi đen công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cử tri cả nước cần nhận diện đúng bản chất các hoạt động chống phá, đồng thời, hiểu đúng, thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật về bầu cử. Đó là những hành động có ý nghĩa thiết thực góp phần làm cho ngày 23/5/2021 thực sự trở thành ngày hội dân chủ của toàn dân!

1 nhận xét:

  1. Mọi sự kiện nổi bật đều bị bọn phản động lợi dụng để xuyên tạc, bịa đặt; gây tâm lý hoài nghi, gây mất ổn định về an ninh chính trị. Chúng ta phải hết sức tỉnh táo trước luận điệu sai trái của kẻ thù.

    Trả lờiXóa