Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN QUAN TÂM TRONG TĂNG CƯỜNG TIỀM LỰC CHÍNH TRỊ - TINH THẦN CỦA SỨC MẠNH QUÂN SỰ VIỆT NAM

 

Tri Thức

Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hoá.

Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước[1]. Tạo sự đồng thuận về chính trị - xã hội, tinh thần lạc quan, yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý thức chủ quyền là nét chủ đạo trong trạng thái chính trị - tinh thần của xã hội ta hiện nay. Nó tạo dựng tiềm lực chính trị - tinh thần vững chắc trong sức mạnh quân sự Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh đó, còn một số nội dung cần quan tâm trong tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần vững chắc trong sức mạnh quân sự Việt Nam.

Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận xây dựng và ban hành các văn bản, lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam còn có những bất cập, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đang vận động nhanh chóng, phong phú, phức tạp đặt ra. Mặc dù hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Song, ở từng lĩnh vực, tính kịp thời, dự báo chưa cao. Nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cần phải qua thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ.

Nội dung tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam có lúc chưa thật đồng bộ và đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn. Về ý thức chính trị, trong thời kỳ quá độ và hội nhập quốc tế, trong nước xuất hiện dòng tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa, những tư tưởng xã hội mang màu sắc dân chủ, tư tưởng tư sản, tiểu tư sản ở một số cán bộ, đảng viên, trí thức, cán bộ doanh nghiệp, tiểu chủ - những người có ảnh hưởng xã hội khá rộng. Nguy hại hơn là mượn cớ chống tham nhũng, chống tiêu cực xã hội, lên tiếng đòi “tự do báo chí”, tự do “thành lập hội đoàn”, “tổ chức xã hội dân sự” để nhen nhóm các tổ chức chính trị đối lập với Đảng để tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa “có chủ”, để phát tán tư tưởng. Từ đó tạo nên tâm trạng hoài nghi về chủ nghĩa Mác - Lênin, về đường lối của Đảng; tạo nên trạng thái mập mờ, không phân biệt rõ chủ nghĩa xã hội và phi chủ nghĩa xã hội, cách mạng và phản cách mạng, tiến bộ và phản tiến bộ, đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh trong các lĩnh vực xã hội và hoạt động xã hội. Tác động tiêu cực đến sự thống nhất tư tưởng chính trị trong xã hội, ảnh hưởng tới quá trình củng cố tiềm lực chính trị - tinh thần trong sức mạnh quân sự Việt Nam.

 Lợi dụng không gian mạng xã hội, một số cá nhân công khai phê phán, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin. Một số người khác tuy không bác bỏ nhưng không còn tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa Mác - Lênin. Đã xuất hiện việc mượn cớ góp phần vào nghiên cứu làm sáng rõ về mặt lý luận con đường lên chủ nghĩa xã hội để xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng. Mục đích của họ là làm chệch hướng đường lối đổi mới, làm giảm lòng tin của nhân dân vào đường lối chính trị của Đảng, phá vỡ sự thống nhất tư tưởng chính trị trong xã hội, làm suy giảm sức mạnh chính trị - tinh thần của công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Có trường hợp phát tán tư liệu xuyên tạc về thân thế Chủ tịch Hồ Chí Minh, đề cao đến mức tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Mặt trái của hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường, sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự chống phá bằng “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch nếu không được đấu tranh, ngăn chặn, khắc phục nó sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tiềm lực chính trị tinh thần của sức mạnh quân sự quốc gia./.



[1]

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa