Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

ĐẤU TRANH PHÊ PHÁN CÁC KHUYNH HƯỚNG SAI TRÁI VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

                                                                                                                                                                 HP

Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên luôn là vấn đề cơ bản mọi thời đại, là cái gốc quy định của mọi quy định. C.Mác đã chỉ ra rằng, “đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân giới tự nhiên, vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên"[1]. Ph.Ăngghen đã phân tích sự tác động phức hợp và chế ước lẫn nhau trong sự liên hệ, phát triển giữa con người, xã hội và tự nhiên; con người tác động, cải biến tự nhiên và tự nhiên cũng luôn có sự tương tác trở lại, “…bằng hoạt động của chính mình, con người làm trung gian, điều tiết và kiểm tra sự trao đổi chất giữa xã hội và tự nhiên”[2].

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã sớm có chủ trương, tích cực BVMT và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên; xác định chăm sóc, BVMT sinh thái là việc làm cơ bản, thiết yếu, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì hạnh phúc của các thế hệ mai sau. Đảng, Nhà nước thống nhất quan điểm: chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, BVMT, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững theo hướng bảo đảm tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản”[3]. Thực tế ở nước ta, đã và đang huy động hiệu quả các nguồn lực cho công tác BVMT trên phạm vi toàn quốc. Vấn đề nhận thức và hành vi, hiệu quả BVMT của nhân dân ngày một sâu, rộng, thiết thực.

Cùng với nhận thức và hành động cách mạng, thiết thực trên đây cấn phải đấu tranh phê phán các quan điểm và khuynh hướng sai trái về BVMT là vấn đề cơ bản và thiết yếu. Phê phán thái độ, hành động vô thức, thiếu trách nhiệm; coi công tác BVMT như một chuyện xa lạ, giáo điều, sách vở và thuộc vào việc của thiên hạ. Cần có chế tài đủ mạnh ngăn chặt, trừng trị theo pháp luật những người cố ý, hoặc tiếp tay người khác phá hoại, tàn phá thiên nhiên, xâm hại ngôi nhà chung của sự sống con người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường, “Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra”[4]. Mọi hành động làm tổn hại đến tự nhiên hay hệ thống sinh quyển, làm ô nhiễm môi trường sinh thái đều bị lên án và ngăn chặt. Phê phán khuynh hướng tuyệt đối hoá con người trong mối quan hệ với tự nhiên, làm cơ sở nảy nở nhận thức và hành động kiểu "thống trị", "tước đoạt" tự nhiên như một người sống bên ngoài giới tự nhiên.

Với quan điểm biện chứng, cùng với thái độ, trách nhiệm trong ngăn cản sự phá hoại môi sinh, luôn đồng thời đặt ra sự khôi phục khả năng tái sinh của thiên nhiên và bảo vệ môi tường tự nhiên, kết hợp khai thác với bảo vệ và phục hồi khả năng của tự nhiên là cách làm hiệu quả nhất đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.  



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.42. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.135.

[2] C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.266.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 141.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 31.

1 nhận xét: